Tuần hy vọng của châu Á giữa đại dịch
Một số nước châu Á - Thái Bình Dương tiếp nhận những lô vaccine Covid-19 đầu tiên, trong khi một số quốc gia khác triển khai tiêm chủng cho người dân trong tuần này.
Nhiều nước ở châu Á tiếp nhận những lô vaccine Covid-19 đầu tiên trong tuần này. Việc triển khai tiêm ngừa cho người dân cũng sớm được bắt đầu ở một số quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận có vaccine sớm không đồng nghĩa nhanh chóng thoát khỏi đại dịch, mà cần tiếp tục các biện pháp phòng ngừa.
Việt Nam nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên
Lô vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vào sáng 24/2. Trước đó, Bộ Y tế hôm 1/2 phê duyệt có điều kiện vaccine của AstraZeneca (AZD1222) cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong nước.
Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đang hợp tác để cung cấp 30 triệu liều vaccine này, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021.
Việc tiếp nhận lô vaccine đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng, chống Covid-19 của Việt Nam. Khi đến Việt Nam, vaccine có thể được sử dụng ngay. 11 nhóm đối tượng sẽ được ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19.
Thái Lan: Một nửa dân số sẽ được tiêm ngừa trước cuối năm
Trong ngày 24/2, Thái Lan cũng nhận 200.000 liều vaccine Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng phó đại sứ Trung Quốc tham dự lễ tiếp nhận vaccine tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok. Thái Lan đặt hàng tổng cộng 2 triệu liều từ Trung Quốc, theo AP.
Nước này cũng nhận thêm 117.000 liều vaccine từ AstraZeneca vào cuối ngày 24/2.
Cuối năm nay, nhà sản xuất địa phương Siam Bioscience sẽ cung cấp thêm 200 triệu liều vaccine AstraZeneca cho khu vực. Trong đó, 26 triệu liều được phân bổ cho Thái Lan.
Các quan chức Thái Lan cho biết họ đã đạt được một thỏa thuận bổ sung với AstraZeneca, nâng tổng số liều đặt mua lên 61 triệu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình và các đảng đối lập vẫn chỉ trích kế hoạch mua vaccine của chính phủ là quá chậm chạp và không đủ.
Thái Lan là quốc gia có nền kinh tế dựa vào thu nhập từ du lịch. Đất nước này đang đặt mục tiêu tiêm 10 triệu liều mỗi tháng kể từ tháng 6, và một nửa dân số sẽ được tiêm vaccine trước cuối năm nay.
Thủ tướng Malaysia: Mọi người hãy tiêm vaccine
Cùng ngày 24/2, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin tiếp nhận mũi tiêm vaccine đầu tiên, khi nước này bắt đầu chiến dịch tiêm chủng.
Ông Yassin, 73 tuổi, chia sẻ cảm nhận trong buổi phát sóng trực tiếp rằng: “Tôi không cảm thấy gì cả. Giống như một mũi tiêm bình thường. Tất cả kết thúc trước khi tôi kịp nhận ra. Vì thế đừng lo lắng và hãy sẵn sàng đăng ký tiêm bất cứ lúc nào”.
Vụ trưởng Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah cũng là một trong những người đầu tiên được tiêm vaccine Covid-19 ở Malaysia.
Malaysia đã ký thỏa thuận với một số nhà cung cấp vaccine, bao gồm Pfizer và AstraZeneca, nhằm tiêm chủng cho 80% trong số 32 triệu dân trước năm 2022. Hơn nửa triệu nhân viên y tế và tuyến đầu sẽ được ưu tiên trong giai đoạn tiêm thứ nhất.
Hàn Quốc: Tiêm vaccine song song với đeo khẩu trang và giãn cách
Hàn Quốc đang bắt đầu vận chuyển những lô vaccine đầu tiên từ dây chuyền sản xuất ở thành phố Andong, miền Nam nước này. Đây là nơi công ty dược phẩm SK Bioscience đang sản xuất những liều vaccine do AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phát triển.
Theo dự tính, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiêm chủng cho người dân vào ngày 26/2. Đối tượng chính của đợt tiêm lần này là người cao tuổi và nhân viên tại các viện dưỡng lão.
Ngoài ra, khoảng 55.000 bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế ở tuyến đầu cũng sẽ nhận mũi tiêm đầu tiên vào ngày 27/2, với vaccine do Pfizer-BioNTech phát triển, theo AP.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc cảnh báo rằng vaccine sẽ không thể nhanh chóng chấm dứt dịch bệnh. Họ kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Theo ông Jeong Eun-kyeong, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, sẽ mất một “thời gian đáng kể” trước khi chiến dịch tiêm chủng hàng loạt có thể ngăn chặn được đại dịch.
Nước này đặt mục tiêu đến tháng 11 sẽ tiêm chủng cho hơn 70% dân số.
Ông Choi Won Suk, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Ansan thuộc Đại học Hàn Quốc, cho biết việc quay trở lại cuộc sống bình thường, và không còn phải đeo khẩu trang, sẽ khó xảy ra trong năm nay. Nguyên nhân do sự gia tăng của các ca mắc liên quan đến biến thể virus.
Australia đủ vaccine cho cả dân và người nước ngoài
Australia chính thức triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 từ ngày 22/2. Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison đã nhận liều vaccine trước tiên, nhằm thuyết phục người dân về sự an toàn của nó và kêu gọi mọi người tích cực tham gia.
Australia đã đặt mua tổng cộng hơn 150 triệu liều vaccine, không chỉ đủ cho gần 26 triệu dân mà cả người nước ngoài cư trú tại nước này.
Tuy nhiên, một sự cố được phát hiện hôm 23/2, khi hai người cao tuổi được tiêm vaccine của Pfizer có liều cao hơn mức quy định.
Bộ trưởng Y tế Greg Hunt cho biết một cụ ông 88 tuổi và cụ bà 94 tuổi đang được theo dõi. Đến nay họ không có phản ứng bất thường nào. Bác sĩ thực hiện mũi tiêm đã bị loại khỏi chương trình tiêm chủng.
Trung Quốc xem xét thêm 2 loại vaccine
Tại Trung Quốc, các cơ quan quản lý đang xem xét phê duyệt thêm hai loại vaccine COVID-19, do công ty nhà nước Sinopharm và công ty tư nhân CanSino phát triển.
Cả hai công ty này cho biết vaccine của họ đã được đệ trình lên các cơ quan quản lý trong tuần này để chờ cấp phép.
Trước đó, Trung Quốc phê duyệt hai loại vaccine sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng đại trà ở nước này. Một trong số đó cũng được phát triển bởi hãng dược Sinopharm, nhưng nó được phát triển bởi một công ty con ở Bắc Kinh của tập đoàn này.
Sinopharm tuyên bố của họ có hiệu quả lên tới 72,51%.
Cả hai loại vaccine của Sinopharm đều là vaccine bất hoạt - phiên bản chết của mầm virus gây bệnh, thông qua phương pháp xử lý vật lý hoặc hóa học khiến virus sống bị tiêu diệt và được làm sạch. Sau đó, virus bất hoạt sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.
Trong khi đó, vaccine của CanSino chỉ cần tiêm một liều. Nó sử dụng virus cảm lạnh thông thường vô hại - gọi là adenovirus - đã được biến đổi gene, để đưa gene cầu gai của virus vào cơ thể. Sau đó, cơ thể tạo ra các protein cầu gai, và kích hoạt hệ miễn dịch.
Công nghệ "virus biến đổi" để tạo ra vaccine này tương tự cách phát triển vaccine của AstraZeneca và Johnson & Johnson. CanSino cho biết loại vaccine của họ có hiệu quả khoảng 65,28%.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuan-hy-vong-cua-chau-a-giua-dai-dich-post1187049.html