Tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Nhìn thẳng vào những vấn đề về kinh tế - xã hội

Tuần qua, đúng vào ngày 20/10, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4. Với việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, 'từ sớm, từ xa', kỳ họp đã bước vào 21 ngày làm việc tập trung với tinh thần xuyên suốt 'lấy chất lượng kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian' .

Trong bối cảnh đất nước đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, kỳ họp cuối năm có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội xem xét lại những kết quả đã đạt được, từ đó hoạch định các chính sách, quyết sách đúng đắn, kịp thời cho những tháng cuối năm, năm 2023 cũng như thời gian kế tiếp.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, n hững kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật trong năm qua tạo thêm thuận lợi, thời cơ để phát triển đất nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 07 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; thảo luận, cho ý kiến 07 dự án luật khác. Ngoài các hoạt động giám sát như thông lệ, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” . Quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ tiếp tục được phát huy để tạo dấu ấn lan tỏa tại Kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Tiếp nối và phát huy những thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII với những quyết sách quan trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung cốt lõi và vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kỳ họp lần này phải thể hiện đậm nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - như phát biểu bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước."

Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình KTXH trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; dự kiến cả năm 2022 sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6-6,5%, trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn. Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; đến nay đã hỗ trợ cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730 nghìn lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong bối cảnh năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó:

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH: "Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân..."

Ngay trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ để cùng nhìn nhận, phân tích các mặt về kế hoạch phát triển KTXH. Theo các ĐBQH, chất lượng nền kinh tế còn hạn chế. Công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội. Giải ngân đầu tư công không chỉ là điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, mà đó còn được ví như “căn bệnh” trầm kha trong nhiều năm, phải “chạy nước rút” vào cuối năm.

Ông NGUYỄN ANH TRÍ, Địa biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: "Thực sự quan ngại, gần như đây là căn bệnh trầm kha, giai đoạn này càng trầm kha hơn. Chi đầu tư phát triển, giải ngân 9 tháng đầu năm chậm so với yêu cầu, mới đạt 46,7% so với kế hoạch, trong đó giải vốn nước ngoài chỉ đạt 19,03%. Mình đi vay vốn là phải trả lãi, tròn khi đó giải ngân chậm là rất thiệt hại. Nói là giải ngân nhưng bản chất là công ăn việc làm, là công trình, an sinh xã hội, là lương thu nhập của người lao động."

Dưới góc độ xã hội, các ĐBQH cũng phản ánh những bức xúc, lo ngại của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở nhiều địa phương, đã và đang ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Một vấn đề cần phân tích thấu đáo là có tới gần 40.000 nghìn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc chỉ trong vòng 30 tháng qua.

Bà NGUYỄN THỊ THỦY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: "Trong một thời gian rất ngắn, tình trạng là chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại như thế này, chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là điều không phải là bình thường mà lại làm một điều bất thường?"

Phấn khởi trước những bước phục hồi, phát triển KTXH, cải thiện đời sống Nhân dân sau đại dịch Covid-19, nhưng không chủ quan với kết quả đạt được. Lan tỏa tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả của Quốc hội ngay trong tuần đầu tiên làm việc, các ĐQBH đến với Kỳ họp thứ 4 với tâm thế ấy, nêu cao trách nhiệm, tâm huyết, để cùng với xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát sẽ vì mục tiêu kiến tạo phát triển.

Thực hiện : Khắc Phục

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/tuan-lam-viec-dau-tien-cua-ky-hop-thu-4-quoc-hoi-khoa-xv-nhin-thang-vao-nhung-van-de-ve-kinh-te-xa-hoi