'Tuần lễ áo dài': Khẳng định sức sống của trang phục truyền thống

Nhiều nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở Gia Lai đồng loạt hưởng ứng 'Tuần lễ áo dài' (từ ngày 1 đến 8-3) khi đến nơi làm việc đã tạo nên vẻ đẹp đằm thắm, không khí rộn ràng chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ. Hình ảnh chiếc áo dài còn tạo nên những cảm xúc khó tả, bởi 'thoáng thấy áo dài bay trên đường phố' và nhiều người nhận ra 'tâm hồn quê hương ở đó'.

Hội LHPN các cấp có nhiều hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, tôn vinh trang phục truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Hội LHPN các cấp có nhiều hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, tôn vinh trang phục truyền thống. Ảnh: Minh Châu

Tự hào áo dài Việt

Nữ cán bộ, công chức, người lao động ở Cục Thuế tỉnh hưởng ứng “Tuần lễ áo dài” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động ngay từ ngày đầu tuần. Thướt tha trong những tà áo dài màu sen hồng, những nữ cán bộ, công chức như thổi một luồng gió mới trong môi trường làm việc.

Chị Phạm Thị Bích tự hào: “Tại cơ quan chúng tôi, nữ giới chiếm trên 50%. Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam”, tất cả chị em đều mặc áo dài đồng phục màu hồng cánh sen. Mặc trên mình tà áo dài, tôi thấy duyên dáng hơn, ý thức bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa phía sau trang phục dân tộc. Bởi đây là quốc phục nên mỗi người phụ nữ khi mặc còn góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, còn tôi thì luôn có cảm xúc tự hào”.

Có lẽ chung cảm xúc như chị Bích mà “Tuần lễ áo dài” được hưởng ứng trong niềm thích thú của chị em phụ nữ các cơ quan, đơn vị. Tại cơ quan Hội LHPN tỉnh, màu sắc rực rỡ của những tà áo dài làm cho không khí làm việc phấn chấn hơn hẳn. Đây là năm thứ 2, Hội phát động “Tuần lễ áo dài” đến hội viên, phụ nữ toàn tỉnh khi đến công sở làm việc. Sức lan tỏa của phong trào càng khẳng định thêm sức sống của trang phục truyền thống trong đời sống thời trang “muôn hồng ngàn tía” của nữ giới.

Bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-chia sẻ: “Năm 2020, hưởng ứng sự kiện áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực tham gia với nhiều hình thức sáng tạo, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, rộng lớn. Năm 2021, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục phát huy tinh thần tôn vinh áo dài như một phần di sản văn hóa Việt đến toàn thể hội viên, phụ nữ. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tổ chức các cuộc thi thiết kế áo dài để giá trị văn hóa, tinh thần của áo dài truyền thống ngày càng được phát huy, đi vào cuộc sống”.

Năm nay, “Tuần lễ áo dài” được tuyên truyền chủ yếu thông qua mạng xã hội để phù hợp với công tác phòng-chống dịch Covid-19 nhưng nhận được sự hưởng ứng rộng khắp của chị em phụ nữ. Nhiều người cho rằng, tà áo dài dân tộc là sự hội tụ nhiều giá trị cả về nghệ thuật, văn hóa, lịch sử. Do đó, sự hưởng ứng của nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi mặc áo dài tới nơi làm việc đã tạo nên bức tranh văn hóa đẹp đẽ và sống động nơi công sở.

Hành trình của áo dài

Chiếc áo dài đã làm rạng danh ngành thời trang Việt Nam bởi giá trị vượt thời gian, khẳng định vị thế bởi không bao giờ lỗi mốt trước mọi xu hướng thời đại. Cũng chính vì vậy, áo dài đã đồng hành trong hành trình nghề nghiệp có tính đặc thù của nhiều người.

Cô giáo Cao Thái Huyền Chi (Trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) đã có 22 năm gắn bó với bảng đen, phấn trắng. Chừng ấy năm đứng trên bục giảng cũng là quãng thời gian cô gắn bó với áo dài. Sở hữu vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng, mỗi lần mặc áo dài càng khiến cô giáo Chi toát lên vẻ đài các, quý phái, phảng phất nét đẹp hoài cổ của phụ nữ xưa.

Có lẽ ý thức được điều đó mà cô giáo Chi càng dành tình yêu đặc biệt cho trang phục truyền thống. Bộ sưu tập áo dài được cô nâng niu, cất giữ qua mỗi năm. Đến nay, cô giáo này đã sở hữu hàng trăm bộ áo dài với nhiều chất liệu.

Nữ cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị mặc áo dài tới nơi làm việc hưởng ứng "Tuần lễ áo dài". Ảnh: Minh Châu

Nữ cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị mặc áo dài tới nơi làm việc hưởng ứng "Tuần lễ áo dài". Ảnh: Minh Châu

Cô giáo Chi quan niệm: “Từ chiếc áo dài may hơn 20 năm trước hay mới đây, không có bộ nào lỗi mốt, lỗi thời. Áo dài luôn có chỗ đứng, giá trị bất biến trong đời sống thời trang không ngừng thay đổi. Tôi cho rằng, không có trang phục nào giúp người phụ nữ tôn vinh sự duyên dáng, nữ tính như tà áo dài. Hơn nữa, là nhà giáo, tôi có cảm giác được học trò tôn trọng, yêu quý khi mặc áo dài so với các trang phục khác. Mặc trên mình trang phục dân tộc, tôi cũng hy vọng các thế hệ học trò cảm nhận được vẻ đẹp của thời gian, của bản sắc tâm hồn Việt qua tà áo”.

Thường xuyên đứng trên sân khấu biểu diễn, áo dài chính là trang phục được ca sĩ Bích Mận (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) ưu ái hơn cả. Để tránh nhàm chán, chị dành tâm sức biến tấu áo dài thành nhiều kiểu dáng khác nhau. Sự yêu thích cùng với óc sáng tạo đã khiến áo dài luôn có mặt trong tủ trang phục biểu diễn suốt 15 năm trên sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp của người nghệ sĩ.

Nữ nghệ sĩ chia sẻ: Điều rất hay ở áo dài đó là ai mặc cũng mang lại một vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng nhất định. Phần eo chiếc áo là thiết kế tô điểm vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Trang phục áo dài biểu diễn được nghệ sĩ sử dụng nhiều chất liệu gấm, nhung, lụa, voan đa sắc màu, họa tiết để tạo sự cuốn hút, “bắt” sân khấu. Áo dài có nhiều biến tấu như cổ kiềng, yếm, bèo; phần tay có thể gắn dải lụa, tay phồng, tay xẻ; quần có thể ống rộng, váy đụp… nhưng không xa lạ với chiếc áo dài Việt Nam.

“Làm trong ngành nghệ thuật biểu diễn, tôi có cơ hội tiếp cận nhiều thiết kế khác nhau trên sân khấu. Tuy nhiên, với tôi, áo dài vẫn là trang phục tuyệt vời nhất. Tôi tự tin và hãnh diện mỗi khi bước lên sân khấu, dự những hội nghị trang trọng cùng chiếc áo dài”-ca sĩ Bích Mận nói.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202103/tuan-le-ao-dai-khang-dinh-suc-song-cua-trang-phuc-truyen-thong-5725804/