Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024: Đưa nghệ thuật đến với cộng đồng
Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 (diễn ra từ 7 đến 12/6), với sự góp mặt của gần 30 đoàn nghệ thuật của nhiều quốc gia cùng tham gia trình diễn.
Điều ấn tượng nhất tại Festival này là nhiều chương trình biểu diễn không bán vé, tổ chức ở các công viên bên bờ sông Hương, trên đường phố và cả trong bệnh viện khiến cho nhiều du khách, người dân và bệnh nhân xúc động khi họ được hòa vào những cung bậc cảm xúc mà các nghệ sĩ đem lại.
Trong Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, tại sân khấu Bia Quốc Học nằm bên dòng sông Hương trữ tình, nhóm nhạc Hispano (Tây Ban Nha) đã đưa khán giả cùng tham gia trải nghiệm một hành trình phiêu lưu đặc biệt, xuyên suốt nền văn hóa Tây Ban Nha. Âm nhạc của Hispano là sự kết hợp giữa tính thanh lịch của nhạc cổ điển Tây Ban Nha và sự mãnh liệt của những nhịp điệu Flamenco.Trong nhóm Hispano, nghệ sĩ De la Vega vừa chơi ghi ta vừa nhảy “zapateo”. Sự kết hợp của 3 thành viên nhóm nhạc tạo nên những tiết mục tuyệt vời khiến khán giả không ngừng vỗ tay. Sinh viên Trương Thị Quỳnh Anh (ngụ TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Mấy năm nay, em thường theo dõi nhóm Hispano biểu diễn qua truyền hình và lần này, khi biết thông tin, nhóm nhạc trình diễn tại Festival Huế 2024, em cùng các bạn đã sắp xếp thời gian ra Huế chơi để thưởng thức. Tại đây, tụi em vừa được xem chương trình miễn phí vừa có chỗ ngồi rất đẹp”.
Cũng tại sân khấu Bia Quốc học, nhóm nhảy Double Impro đến từ Wallonie Bruxelles, Bỉ đã mang đến một đêm nhạc đầy ấn tượng. Thành lập vào năm 2020, nhóm nhảy Double Impro với 4 nghệ sỹ, chủ yếu trình diễn các tác phẩm dựa trên sự tương tác ngẫu hứng với khán giả. Dưới ánh đèn sân khấu và tiếng reo hò của khán giả làm bầu không khí ở khu vực sân khấu này sôi động, lấn át cả tiếng mưa.
Tương tự, tại sân khấu Công viên 3-2 ở bờ Nam sông Hương, những màn trình diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam và thế giới như: Viện Vụ kịch Chiết Giang (Trung Quốc); đoàn nghệ thuật Yangpyeong (Hàn Quốc); đoàn nghệ thuật múa trống Eisa Urakaji (Nhật Bản); đoàn nghệ thuật dân gian Sae Nyuk (Hàn Quốc); Liên đoàn xiếc Việt Nam; Nhà hát Cao Văn Lầu - tỉnh Bạc Liêu… cũng đã thu hút hàng chục ngàn người dân địa phương và du khách trong nước cũng như quốc tế.
Không chỉ biểu diễn trên các sân khấu dưới ánh đèn rực rỡ, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước còn trình diễn tại các tuyến đường chính ở trung tâm TP Huế. Lần thứ 5 đến với Festival Huế, đoàn cà kheo De Koninklijke Steltenlopers Merchtem (Bỉ) tiếp tục mang đến cho cộng đồng xứ Huế và du khách những màn trình diễn ấn tượng. “Đoàn chúng tôi đến với Festival Huế 2024 với 47 thành viên ở nhiều độ tuổi khác nhau. Những thành viên trong đoàn đến có những công việc khác nhau và khi đến với Festival Huế, mọi người tạm dừng làm việc và học tập để tham gia, mong muốn đưa đến nét văn hóa của vùng Merchtem đến với cộng đồng các nước”, nghệ sĩ Janick Appelmens chia sẻ.
Chị Đoàn Thị Hương Giang, một du khách trú tại Hà Nội cho biết, gia đình chị và nhóm bạn gần 20 người đến Huế chơi Festival gần 3 ngày. “Mấy đêm liên tiếp, chúng tôi đến các công viên dọc sông Hương, có mặt trên các tuyến phố để xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Điều khiến chúng tôi cũng như nhiều du khách rất thích thú là các chương trình đều không bán vé và an ninh trật tự rất tốt”, chị Giang cho biết thêm.
Các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Múa trống Eisa Urakaji (Nhật) đã mang màu sắc Festival vào Bệnh viện Trung ương Huế. Háo hức từ sớm, bệnh nhân Hồ Bảo T. đang điều trị ở Khoa Phục hồi chức năng nhờ người nhà đẩy xe lăn tới trước 30 phút chờ đoàn. Anh T cho biết anh đã nằm viện 7 tháng trời nên rất thèm được xem các chương trình văn nghệ, âm nhạc thay đổi không khí. “Mấy ngày nay, tôi có theo dõi Festival Huế 2024 qua mạng xã hội thôi, không ngờ hôm nay được coi Đoàn nghệ thuật Múa trống Eisa Urakaji biểu diễn trực tiếp nên rất vui”.
Được thành lập bởi Trường Đại học Quốc tế Okinawa vào năm 2002, Đoàn nghệ thuật Múa trống Eisa Urakaji có nhiệm vụ xây dựng và thổi hồn vào các tiết mục mới kết hợp giữa trống và lân, nhưng vẫn giữ được phong cách biểu diễn và tính đặc trưng nghệ thuật truyền thống Okinawa - tỉnh cực Nam của Nhật Bản. Đặc biệt, phần xuất hiện của chú lân Shishi, biểu tượng may mắn và sức khỏe trong văn hóa Nhật Bản khiến nhiều bệnh nhân nhi phấn khích được sờ ngắm vuốt ve mong sẽ sớm mạnh khỏe, lành bệnh…
Bên cạnh các đoàn nghệ thuật quốc tế, nhiều đoàn nghệ thuật trong nước cũng đưa nét đẹp văn hóa của từng vùng miền đến Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 để giao lưu và lan tỏa giá trị di sản. Với Thừa Thiên Huế, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã được vinh danh là di sản như: Nhã nhạc, Múa cung đình, Tuồng cung đình, Ca Huế... cũng được các nghệ sĩ quảng bá, giới thiệu và lan tỏa đến với bạn bè quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 sẽ tiếp tục lan tỏa tính cộng đồng. Ngoài các chương trình diễn ra trong Đại Nội Huế, Ban Tổ chức thiết kế nhiều chương trình mở, lễ hội đường phố, các sân khấu cộng đồng để các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế biểu diễn phục vụ người dân và du khách.