Tuần lễ ngoại giao 'nóng' Nga - phương Tây: Chạm tay tới đột phá?
Liệu châu Âu có phải là nơi an toàn hơn sau một tuần ngoại giao xuyên lục địa? Câu trả lời ngắn gọn có lẽ là không.
Những ngày vừa qua là một tuần đầy căng thẳng của các nhà ngoại giao Nga và phương Tây, từ các cuộc đàm phán marathon ở Geneva giữa Mỹ và Nga ngày 10/1, đến cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nato-Nga trong hơn hai năm qua ngày 12/1 và đến phiên họp của Tổ chức Hợp tác và An ninh ở châu Âu (OSCE) ở Vienna.
Có thể thấy xuyên suốt các cuộc họp này, những lời chỉ trích nhau liên tiếp được đưa ra và được nâng cấp và các bên cũng liên tục nhấn mạnh các "lằn ranh đỏ".
Hôm thứ Hai, sau gần 8 giờ hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, bà Wendy Sherman, nhà đàm phán kỳ cựu của Washington, đã nói tới "sự hiểu biết tốt hơn về nhau cũng như các ưu tiên và mối quan tâm của nhau". Về phần mình, ông Ryabkov cho biết người Mỹ đã "xem xét các mối quan tâm của chúng tôi một cách nghiêm túc".
Khi trọng tâm cuộc họp chuyển sang NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói về "sự sẵn sàng và ủng hộ ý tưởng đối thoại" của những nhà ngoại giao Nga.
Vào thời điểm mà 100 nghìn quân Nga duy trì sự hiện diện đầy đe dọa của họ ở biên giới phía bắc và phía đông của Ukraine và từng động thái di chuyển đi hay đến của các đơn vị và các khí tài đều được phân tích tỉ mỉ để tìm manh mối về ý định thực sự của Điện Kremlin thì thời gian đối thoại vừa qua là một điều tích cực.
Phía Nga có thể hiểu được cái giá phải trả nếu họ tiếp tục ý định quân sự của mình. Bà Sherman cho biết đã chuyển tải những hậu quả kinh tế nghiêm trọng tới Moscow, như tung đòn trừng phạt tới các tổ chức tài chính quan trọng, kiểm soát xuất khẩu nhắm vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Nga, tăng cường thế trận của lực lượng NATO trên lãnh thổ đồng minh và tăng cường hỗ trợ an ninh cho Ukraine. "Chúng tôi rất sẵn sàng liên kết với các đối tác và đồng minh của mình để áp đặt những biện pháp này", bà Sherman thông tin với các phóng viên hôm thứ Hai.
Còn quá sớm để nói về hiệu quả
Có vẻ như còn quá sớm để nói về một tiến trình. Ông Stoltenberg cho biết người Nga vẫn chưa sẵn sàng đồng ý về lịch trình các cuộc họp tiếp theo. Dù đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, ông Ryabkov dường như dội một gáo nước lạnh vào ý tưởng có nhiều cuộc đối thoại hơn.
"Tôi không thấy lý do gì để ngồi lại với nhau trong những ngày tới, chỉ để tập hợp lại và bắt đầu các cuộc thảo luận tương tự", ông nói với kênh truyền hình Nga.
Thực tế là không bên nào thực sự nhất trí về mục tiêu của các cuộc đối thoại. Đối với phương Tây, tất cả họ đều chỉ tập trung ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.
Đối với Nga, mục tiêu chủ yếu dường như là nhằm ngăn chặn NATO: Ngăn chặn Ukraine gia nhập và hơn thế nữa, đẩy lùi sự hiện diện và các hoạt động của liên minh này trên lãnh thổ của đế chế Liên Xô cũ.
Khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Alexander Grushko, thông tin với các nhà báo sau cuộc họp hôm thứ Tư với NATO, ông liên tục chỉ trích hành vi của liên minh phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhà ngoại giao Nga cũng cho rằng NATO là một sự hiện diện tiêu cực ở châu Âu, còn Nga là người gìn giữ hòa bình thực sự duy nhất của lục địa này. Ông cảnh báo, nếu NATO cố gắng kiềm chế Nga, nước này "sẽ có chính sách đối phó". "Có răn đe thì sẽ có phản răn đe", nhà ngoại giao Nga cảnh báo.
Phản ứng của phương Tây cho đến nay, ngoài lời đe dọa về hậu quả "lớn" nếu Nga tấn công Ukraine, thì chỉ là đề nghị các biện pháp "giảm thiểu rủi ro" có đi có lại, bao gồm việc bố trí tên lửa ở châu Âu và minh bạch hơn về quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận quân sự.
Nhưng phần lớn điều này chỉ tập trung vào việc điều chỉnh một số yếu tố yếu trong kiến trúc an ninh hiện tại của châu Âu, thay vì chuyển hướng theo một kiến trúc hoàn toàn mới – điều Nga mong đợi nhưng NATO chưa muốn làm vào thời điểm này.
Và như vậy, dù hiện tại hai bên đang đối thoại với nhau, không có gì đảm bảo rằng cuộc đối thoại của họ sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn.
Về phía Mỹ, bà Sherman lưu ý rằng các nhà ngoại giao Nga không hoàn toàn bác bỏ khả năng tổ chức thêm các cuộc đàm phán, nhưng bà cũng cảnh báo rằng nếu Nga rời bỏ tiến trình đối thoại, thì sẽ "rõ ràng là họ chưa bao giờ nghiêm túc theo đuổi giải pháp ngoại giao".
Vào cuối tuần lễ ngoại giao lớn này, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan kiêm Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE Zbigniew Rau cảnh báo rằng nguy cơ chiến tranh hiện lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong 30 năm qua. Thật khó để không đồng ý với tuyên bố này.