Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam 2024 vẫn trễ nhịp muôn thuở

Sự kiện kỷ niệm 10 năm của Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam ít chiêu trò, đảm bảo yếu tố chuyên môn, song gây tiếc nuối vì vắng bóng nhiều tên tuổi lớn của làng mốt.

Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam (AVIFW) Xuân - Hè 2024 diễn ra ở TP.HCM từ ngày 13-16/6. Bước sang mùa thứ 17 với cột mốc kỷ niệm 10 năm, sự kiện đã khép lại với những thay đổi tích cực, song vẫn còn hạn chế khiến các đêm thưởng lãm thời trang chưa thực sự trọn vẹn.

Câu chuyện "trễ nhịp" muôn thuở

Ở New York, Milan, London hay Paris Fashion Week, các bộ sưu tập (BST) thường được trình diễn trước một mùa để giới chuyên môn có thời gian phân tích, quyết định trào lưu nào giữ vai trò chủ đạo cho năm kế tiếp. Thông thường, có 2 mùa chính là Xuân - Hè và Thu - Đông.

Tại Việt Nam, các show diễn lại thiên hướng về việc ra mắt hàng loạt trang phục đúng mùa, thậm chí trễ hơn guồng quay thời trang thế giới. Mặc dù trải qua hàng thập kỷ, AVIFW vẫn duy trì hướng này (hiện đã tháng 6 nhưng vẫn giới thiệu thời trang Xuân - Hè 2024). Nếu muốn bắt nhịp thời trang thế giới, ban tổ chức cần phải thay đổi.

Gọi là "Tuần lễ Thời trang quốc tế Việt Nam", song số lượng nhà mốt quốc tế hoàn toàn bị áp đảo bởi nhà thiết kế Việt. Trong tổng 16 thương hiệu tham gia mùa này, chỉ 3 nhà thiết kế đến từ nước ngoài là Maria Giovanna Costa (Italy), Frederick Lee (Singapore) và Lee Chung Chung (Hàn Quốc).

 BST của Lee Chung Chung đa dạng màu sắc, nhưng phom dáng không được đánh giá cao. Ảnh: BTC.

BST của Lee Chung Chung đa dạng màu sắc, nhưng phom dáng không được đánh giá cao. Ảnh: BTC.

Bỏ qua những điều có thể sẽ làm tốt hơn đó, sự kiện năm nay ghi nhận thay đổi tích cực về mặt dàn dựng. Sân khấu kỷ niệm 10 năm được mô phỏng mỗi mùa tổ chức là mỗi viên gạch, nhằm ám chỉ sự tiến hóa của thời trang theo đúng chủ đề "Fashion Evolution".

Sàn catwalk hình chữ U ít chứng kiến sự cố té ngã, tuyến đi nhân đôi với điểm nhấn là bục tròn ở cuối đường băng để người mẫu thỏa sức thả dáng. Đây cũng là lần hiếm hoi Thanh Hằng, Lan Khuê tham gia tổng duyệt nhằm đảm bảo đêm diễn được suôn sẻ.

Sự kiện đã đi đúng hướng "trả lại sàn diễn cho người mẫu" khi các TikToker, ca sĩ, ngôi sao ở mảng khác, không chộn rộn catwalk. Đội quân TikToker như Phạm Thoại, Lê Bống, Trần Thanh Tâm... không biến thảm đỏ và chương trình The Best Street Style thành vũ hội hóa trang với những bộ cánh gây sốc, khác người.

Duy nhất hiện tượng mạng Ninh Anh Bùi và Nguyễn Tùng Dương là nhân tố câu kéo truyền thông. Tuy nhiên, 2 nhân vật này bị chê mặc trang phục "chưa đủ tầm" với không khí thảm đỏ.

Nhờ thanh lọc danh sách khách mời, thảm đỏ AVIFW đã "sang" hơn, bớt cảnh tượng nhốn nháo, náo loạn, song không bùng nổ như kỳ vọng, trái lại còn giảm nhiệt vì thiếu vắng nhiều sao hạng A như Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, dàn hậu nhà Sen Vàng là Thùy Tiên, Tiểu Vy, Lương Thùy Linh... trên hàng ghế front-row.

Điều còn tiếc nuối

Đối với mỗi mùa Fashion Week, BST đầu tiên và cuối cùng giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định sự kiện có "đầu xuôi, đuôi lọt" hay không. Năm nay, Kiệt tác của nước của Võ Công Khanh mở màn, với phần lớn thiết kế được dựng phom 3D, cấu trúc hình học sáng tạo trên nền chất liệu tái chế.

Theo dõi BST, Tri Thức - Znews nhận thấy ý tưởng được Võ Công Khanh hiện thực hóa một cách sáng tạo, hiệu ứng sân khấu tương đối tốt, bám sát chủ đề. Nhiều bộ cánh toát lên vẻ trong trẻo, thuần khiết nhưng cũng phản ánh trạng thái mạnh mẽ, dữ dội qua đường nét uốn lượn.

Nhìn chung, Kiệt tác của nước phục vụ yếu tố nghệ thuật nhưng không mang tính ứng dụng cao như BST Hoa trên sóng nước của Lê Thanh Hòa năm ngoái. Thậm chí, nếu so sánh với chính Võ Công Khanh và BST H20 cách đây 2 năm, Kiệt tác của nước vẫn chỉ dừng ở mức trình diễn.

Như một lẽ quen thuộc, Thanh Hằng là vedette show mở màn, thể hiện bộ cánh được định hình bằng khung kim loại, họa tiết mô phỏng sự uyển chuyển, phức tạp của nước. Do trang phục nặng hơn 10 kg, những bước catwalk của cô khá chậm, song tròn trịa về thần thái.

Thanh Hằng catwalk chậm với trang phục nặng 10 kg. Ảnh: Fb Thanh Hằng.

Thanh Hằng catwalk chậm với trang phục nặng 10 kg. Ảnh: Fb Thanh Hằng.

Ở BST khép lại tuần lễ mang tên Cô ấy là ai, Vũ Việt Hà sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như vải sợi tơ sen, tơ chuối, sợi gai, sợi lá dứa... đồng thời cài cắm họa tiết hoa lá, chim chóc thêu tay thủ công đối với áo dài hơi hướm thập niên 1930. Các dáng váy cách điệu cũng được anh áp dụng.

Tuy nhiên, một số thiết kế tạo cảm giác rời rạc, chấp vá. Việc "tham" chi tiết đính kết trên nền vải đã cầu kỳ những hình thêu tỉ mỉ cũng gây rối mắt. Khi quan sát kỹ, độ nhẹ nhàng và bay bổng của trang phục đối lập hoàn toàn layout trang điểm quá cá tính với màu son đỏ đậm, kẻ mắt xếch của người mẫu nữ.

Nếu Adrian Anh Tuấn, Hà Linh Thư, Thảo Nguyễn... vẫn đem tới những thiết kế có phần quen thuộc, CEM gây bàn tán với nhiều trang phục phô trọn cơ thể người mặc, BST Khói của Hoàng Minh Hà là điểm sáng trong khâu xử lý chi tiết, cầu vai phồng, phom dáng ôm sát tưởng chừng là thử thách nhưng lại sở hữu đường cắt cúp giúp người mẫu dễ di chuyển.

Xét những vedette năm nay, ngoài Thanh Hằng giữ lối catwalk nhẹ nhàng, không trưng trổ kỹ thuật, phong độ của H'Hen Niê thiếu ổn định. Khoảnh khắc cô bước đi với phần vai lắc quá nhiều, cổ đổ về trước kết hợp biểu cảm gồng cứng thể hiện sự quyền lực trong show của Hà Linh Thư gây bàn tán trên mạng xã hội. Ngọc Châu (show Hoàng Minh Hà), Lan Khuê (Mr Crazy & Lady Sexy) dừng ở mức an toàn, không gây trầm trồ.

H'Hen Niê (trái) và Ngọc Châu lần lượt đảm nhận vị trí vedette tại tuần lễ thời trang. Ảnh: BTC.

H'Hen Niê (trái) và Ngọc Châu lần lượt đảm nhận vị trí vedette tại tuần lễ thời trang. Ảnh: BTC.

Tóm lại, tuần thời trang năm nay vẫn chú trọng thiết kế dựa trên giá trị tinh thần của đất nước, tôn vinh hoa hóa Việt, đề cao chất liệu bền vững. Tính giải trí vừa phải nhưng độ nóng thua các năm. Cũng bởi vì đây là sự kiện 10 năm, ngoài các vedette kể trên, người hâm mộ thấy chưa trọn vẹn khi Võ Hoàng Yến, Hoàng Thùy, Khánh Vân - những người mẫu cũng nổi bật không kém - đã không xuất hiện.

Vắng bóng những sáng tạo của anh lớn Công Trí, Đức Hùng cũng là điều gây tiếc nuối. Nhưng khi nhìn rộng hơn, đây có lẽ là thông điệp cho sự chuyển giao, tiếp nối thế hệ. Khi lớp nhà thiết kế kỳ cựu không còn oanh tạc Fashion Week, cơ hội được nhường lại cho đàn em, từ đó mở ra chương mới cho thời trang Việt.

Hàm Duyên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuan-le-thoi-trang-quoc-te-viet-nam-2024-van-tre-nhip-muon-thuo-post1481451.html