Tuân Lộ tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, góp phần không nhỏ vào xóa đói, giảm nghèo, xã Tuân Lộ (Sơn Dương) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút người dân tham gia các lớp học nghề. Từ đó, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn.
Trước đây anh Nguyễn Văn Đạo, thôn Tân Tiến lái máy xúc ở Hà Giang, nhưng công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh, đời sống kinh tế khó khăn. Năm 2017, được sự động viên của gia đình, anh về quê tham gia lớp học nghề chăn nuôi bò sinh sản do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tại xã. Hoàn thành chương trình học, anh đã nắm được các kỹ năng cơ bản về chăn nuôi nên mạnh dạn đầu tư chăn nuôi 2 con bò sinh sản và học hỏi thêm kinh nghiệm ở một số tỉnh như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… về mô hình nuôi bò sinh sản. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, bò nhà anh phát triển tốt và sinh sản khỏe mạnh. Đến nay, anh đã có 7 con bò sinh sản và 1 con bò đực. Trong thời gian tới, anh sẽ phát triển đàn bò lên 10 con để gia đình có thêm thu nhập, chăm lo cho con cái học hành.
Ông Nguyễn Danh Đoan, Chủ tịch UBND xã Tuân Lộ cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, xã luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Ngay từ đầu năm, xã phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức điều tra, thống kê nhu cầu học nghề của lao động trong độ tuổi, từ đó phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện để triển khai đào tạo nghề cho người lao động sát với nhu cầu thực tế. Từ đầu năm đến nay, xã đã triển khai 6 lớp tập huấn cho 599 lượt người tham gia. Trong đó, tập trung về: Kỹ thuật trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch cây lương thực, cây hoa màu, cây ăn quả, kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi…
Năm 2016, anh Lý Văn Đức, thôn Trại Đát được tham gia lớp học nghề hàn tổ chức tại xã. Anh đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng hàn phục vụ nhu cầu của bà con trong xã và các xã bên, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang. Ngoài làm giàu cho gia đình, xưởng hàn của anh còn tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức lương gần 3 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, làm trang trại chăn nuôi, trồng rừng, trong đó chú trọng mở các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp như: Chế biến gỗ, sửa chữa xe máy, điện lạnh, mở xưởng cơ khí gò hàn, làm hương… Hiện toàn xã có hơn 100 mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho 500 lao động với mức thu nhập trung bình từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, xã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh, các công ty, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước. Nhờ đó, năm 2019, xã đã giải quyết việc làm mới cho 152 người, đạt 115% kế hoạch. Đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo đầu năm 2019 là 159 hộ, đến nay giảm còn 109 hộ, chiếm 8,4%.