Tuần lộc có thể nhìn thấy ánh sáng UV

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí i-Perception, mắt của tuần lộc đã tiến hóa để nhìn thấy ánh sáng trong quang phổ cực tím (UV), qua đó giúp chúng tìm thấy thức ăn ưa thích trong tối tăm đầy tuyết ở Bắc Cực.

Tuần lộc chủ yếu ăn Cladonia rangiferina – loài địa y mọc thành mảng dày phủ trên mặt đất trên khắp cực bắc Trái đất. Địa y này có sức sống mãnh liệt, đóng vai trò là nguồn thức ăn quan trọng của hệ sinh thái.

Với sự tiến hóa, tuần lộc có thể nhìn thấy ánh sáng UV

Với sự tiến hóa, tuần lộc có thể nhìn thấy ánh sáng UV

Trong nghiên cứu, nhóm nhà khoa Anh và Mỹ chọn vùng Cairngorms thuộc cao nguyên Scotland - nơi sinh sống của hơn 1.500 loài địa y. Tuy nhiên vào mùa đông, tuần lộc tại đây chỉ dựa vào loài địa y Cladonia rangiferina.

Nhà sinh học tiến hóa Nathaniel Dominy (Đại học Dartmouth) cho biết: “Điểm đặc biệt của tuần lộc là chúng phụ thuộc một loài địa y. Bất kỳ loài động vật nào mà chủ yếu sống dựa vào địa y đã là điều bất thường chứ đừng nói đến động vật có vú lớn như vậy”.

Ở môi trường đầy tuyết, mắt người không thể nhìn thấy Cladonia rangiferina màu trắng. Nhưng nhóm nhà khoa học phát hiện Cladonia rangiferina cùng vài loài địa y khác hấp thụ ánh sáng UV. Sử dụng dữ liệu quang phổ từ địa y cùng bộ lọc quang học mô phỏng thị giác tuần lộc, nhóm phát hiện đối với tuần lộc thì số địa y đặc biệt này có thể trông giống mảng tối trên nền cảnh sáng – như đốm trên thân chó đốm.

Theo ông Dominy: “Tuần lộc không muốn lãng phí năng lượng đi lang thang tìm kiếm thức ăn trong môi trường lạnh lẽo cằn cỗi. Nhìn thấy địa y từ xa mang lại cho chúng lợi thế lớn, giúp chúng bảo tồn lượng calo quý giá vào thời kỳ thức ăn khan hiếm”.

Một số động vật như chó, mèo, lợn, chồn sương nhìn thấy được ánh sáng trong quang phổ UV. Khả năng này thường do tế bào cảm quang ngắn màu xanh lam mang lại. Vài nghiên cứu trước đây chỉ ra mắt tuần lộc thay đổi giữa màu vàng vào mùa hè và màu xanh vào mùa đông. Màu xanh lam được cho có tác dụng khuếch đại lượng ánh sáng mặt trời thấp vào mùa đông ở vùng cực.

Hơn nữa, xanh lam còn cho phép tới 60% áng sáng UV đi qua cảm biến màu của mắt. Tuần lộc có thể nhìn quang cảnh mùa đông dưới một màu tím giống như cách con người nhìn một căn phòng tối đen. Tuyết và bề mặt phản chiếu tia UV khác sẽ sáng còn bề mặt hấp thụ tia UV sẽ tối.

Nghiên cứu mới mà nhóm của ông Dominy thực hiện góp phần giải thích vì sao một số loại động vật Bắc Cực hoạt động ban ngày lại sở hữu đôi mắt dễ tiếp nhận tia UV phản chiếu từ tuyết. Câu trả lời có thể chính là các loài địa y đặc biệt như Cladonia rangiferina - một thức ăn quan trọng - không phản chiếu tia UV.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tuan-loc-co-the-nhin-thay-anh-sang-uv-212015.html