Tuần qua: Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt ngưỡng 1,2 triệu người
Bên cạnh một số sự kiện quốc tế nổi bật khác, thế giới tuần qua (30/3 – 5/4) tiếp tục ghi nhận những kỷ lục buồn vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra khi số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người.
Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người
Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt ngưỡng 1,2 triệu người. (Ảnh: Anadoulu Agency)
Theo trang thống kê dữ liệu trực tuyến worldometers.info, tính đến 8h ngày 5/4 (theo giờ Hà Nội), dịch COVID-19 đã lây lan tới 207 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến số ca lây nhiễm lên tới 1.201.473, trong đó 64.691 ca tử vong và 246.467 ca bình phục.
Với những biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bao gồm lệnh giới nghiêm hoặc cách ly, hơn 3,9 tỷ người, tương đương 50% tổng dân số toàn cầu buộc phải ở nhà.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo đại dịch COVID-19 là “cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất”, và nhiều thách thức nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, đồng thời nhấn mạnh virus gây chết người SARS-CoV-2 đang “tấn công vào cốt lõi của xã hội”.
Đây là thông điệp do ông Antonio Guterres đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 31/3 nhằm công bố bản báo cáo của Liên hợp quốc có tựa đề: “Chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết toàn cầu: Ứng phó với các tác động kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra”.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ; cảnh báo có thể xảy ra cuộc suy thoái với mức độ nghiêm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung trực tuyến với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/4, bà Georgieva kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường những nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động về kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch. Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã chịu ảnh hưởng lớn trong cuộc khủng hoảng này. 90 tỷ USD tiền đầu tư đã bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi, lớn hơn nhiều so với mức thoái vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập niên trước. Một số nước cũng điêu đứng vì giá hàng hóa giảm mạnh.
Trước những lo ngại về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống con người, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và WHO đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước thận trọng và giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Lãnh đạo của các tổ chức trên kêu gọi thế giới cần đoàn kết, hành động có trách nhiệm và tuân thủ mục tiêu chung là thúc đẩy an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và tránh vô tình tạo ra kịch bản thiếu hụt lương thực một cách không chính đáng. Điều này sẽ giúp bảo đảm phúc lợi chung của mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là tại những nước thu nhập thấp và thiếu lương thực.
Lần đầu tiên trong lịch sử HĐBA LHQ thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản
Lần đầu tiên trong lịch sử HĐBA LHQ thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở LHQ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Ngày 30/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản. Cơ chế này được các nước thành viên HĐBA nhất trí trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở LHQ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Có 4 nghị quyết đã được thông qua trong lần bỏ phiếu đầu tiên này là Nghị quyết 2515 gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia (PoE) của Ủy ban 1718 liên quan Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; Nghị quyết 2516 gia hạn Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Somalia (UNSOM); Nghị quyết 2517 gia hạn mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của Phái bộ hỗn hợp LHQ-Liên minh Châu Phi tại Sudan (UNAMID) và Nghị quyết 2518 về An toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB). Cả 4 nghị quyết được thông qua với 15 phiếu thuận.
Do không thể họp tại trụ sở LHQ để biểu quyết trực tiếp, các nước HĐBA đã nhất trí trong thời gian đại dịch COVID-19, HĐBA sẽ tiến hành bỏ phiếu theo hai bước: Bước 1, các nước gửi thư thông báo cho Chủ tịch HĐBA quyết định bỏ phiếu của nước mình trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi Chủ tịch HĐBA gửi thư thông báo về việc bỏ phiếu nghị quyết; Bước 2, sau thời hạn 24h giờ này, HĐBA họp trực tuyến công bố kết quả bỏ phiếu của các nước. Chủ tịch HĐBA cũng sẽ thông báo kết quả bằng văn bản tới các nước thành viên HĐBA và các nước liên quan trực tiếp, sau đó sẽ công khai trên trang mạng chính thức của HĐBA.
Hoãn hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do COVID-19
Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu sẽ được hoãn sang năm 2021 do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Sky News)
Ngày 1/4, Chính phủ Anh thông báo, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 19/11 tại thành phố Glasgow, Scotland sẽ bị hoãn do đại dịch viêm đương hô hấp cấp COVID-19.
Trong một công bố, Chính phủ Anh cho biết: "Do những ảnh hưởng tiếp tục của dịch COVID-19 khắp thế giới, việc tổ chức hội nghị COP26 mang nhiều tham vọng vào tháng 11/2020 đã không còn khả thi". “Hội nghị sẽ được lùi sang năm 2021 và ngày dự kiến sẽ được công bố sau”. Công bố cũng nhấn mạnh, quyết định trên được các bên tham gia Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) đưa ra cùng với Anh và đối tác Italy.
Dẫn lời Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, các cuộc đàm phán bị hoãn lại vì các quốc gia cần tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông Sharma cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với “một thách thức toàn cầu chưa từng có” và các quốc gia “đang tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống lại đại dịch này”. Vì vậy, “đó là lý do chúng tôi quyết định hoãn lại hội nghị COP26”, ông cho hay.
Trong tuyên bố tương tự, Thư ký điều hành của UNFCCC, bà Patricia Espinosa cũng cảnh báo COVID-19 là mối đe dọa khẩn cấp nhất đối với nhân loại hiện nay. “Tuy nhiên chúng ta không nên quên rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi các quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ các tham vọng về biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris”, bà cho hay.
Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 30.000 đại biểu, bao gồm 200 nhà lãnh đạo thế giới, các chuyên gia và các nhà vận động về biến đổi khí hậu sẽ cùng tham gia hội nghị kéo dài 10 ngày này để có các cuộc thảo luận quan trọng nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 30/3 xác nhận việc nước này đã thử nghiệm một hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn. Thông tin này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng các vật thể dường như là 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Theo quân đội Hàn Quốc, vụ phóng vật thể ngày 29/3 được Triều Tiên thực hiện từ thành phố ven biển phía Đông Wonsan. Các vật thể đã bay được 230km và đạt độ cao 30km. Đây là vụ phóng thử thiết bị mới nhất, nằm trong số các vụ phóng thử vũ khí hoặc diễn tập pháo binh do Triều Tiên tiến hành trong năm nay.
KCNA cho biết, vụ phóng thử thiết bị ngày 29/3 do Triều Tiên thực hiện nhằm “một lần nữa xác nhận đặc tính chiến lược và kỹ thuật của hệ thống phóng tên lửa sẽ được bàn giao cho các đơn vị thuộc quân đội nhân dân Triều Tiên”. Theo KCNA thì vụ phóng thử đã diễn ra thành công.
Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử vũ khí và tiến hành các cuộc diễn tập pháo binh. Không tính đến các vụ diễn tập pháp binh quy mô nhỏ, vụ phóng thiết bị ngày 29/3 đánh dấu vụ phóng thử vũ khí quan trọng lần thứ 4 do Triều Tiên thực hiện trong tháng 3/2020. Trong đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã thị sát cả 3 vụ phóng thử trước đó.
Sau vụ phóng thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho rằng, việc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí vào thời điểm cả thế giới đang vật lộn với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là điều “rất không phù hợp”. JCS kêu gọi người láng giềng phía Bắc cần ngay lập tức chấm dứt các hành vi tương tự. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên tránh các hành vi khiêu khích và quay trở lại bàn đàm phán.
Bắc Macedonia chính thức là thành viên thứ 30 của NATO
Lễ thượng cờ Bắc Macedonia diễn ra tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ .
(Ảnh: thedefensepost.com)
Ngày 2/4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã chính thức kết nạp Bắc Macedonia làm thành viên mới nhất của liên minh quân sự này, sau hành trình 30 năm xin gia nhập NATO đầy khó khăn.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, các ngoại trưởng NATO cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh Bắc Macedonia là thành viên thứ 30 của NATO”. Ngoại trưởng Bắc Macedonia Nikola Dimitrov cũng đã tham dự hội nghị này với tư cách thành viên đầy đủ.
Kể từ tháng 2/2019, sau khi 29 nước thành viên của NATO đã ký Nghị định thư gia nhập, cho phép Bắc Macedonia trở thành thành viên thứ 30 của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt, nước này đã tham dự tất cả các cuộc họp của liên minh với tư cách là quan sát viên.
Lễ ký kết Nghị định thư gia nhập của Bắc Macedinia được diễn ra sau khi Thủ tướng Macedonia và Thủ tướng Hy Lạp thông báo đạt thỏa thuận lịch sử về việc đổi tên quốc gia Tây Balkan này thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
Ông Jens Stoltenberg, Tổng Thư ký NATO khẳng định rằng, với sự tham gia của Bắc Macedonia, NATO đã có tổng số 30 quốc gia thành viên với dân số gần 1 tỷ người và NATO đang trở nên mạnh mẽ hơn trước mọi thách thức. Mặt khác, việc trở thành thành viên của NATO sẽ là “bước đệm” quan trọng thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của Bắc Macedonia./.