Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên cần thực chất

Tuần sinh hoạt công dân-sinh viên được các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tổ chức vào đầu năm học mới. Đây là dịp để giáo dục chính trị tư tưởng đối với sinh viên; phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật, quy chế, quy định về quyền, nghĩa vụ của sinh viên, các chế độ, chính sách đối với sinh viên; tổ chức các hoạt động giáo dục theo chuyên đề... Thông qua tuần sinh hoạt giúp sinh viên nâng cao nhận thức, tích cực học tập, năng nổ tham gia các phong trào, sống có trách nhiệm với cộng đồng.

Thực sự ý nghĩa khi Tuần sinh hoạt công dân-sinh viên cung cấp những thông tin hữu ích, nhất là đối với các tân sinh viên vừa bước vào môi trường học tập mới còn nhiều bỡ ngỡ, mức độ hiểu biết, kỹ năng giao tiếp xã hội chưa có nhiều. Môi trường mới đặt ra trách nhiệm của các em với vai trò sinh viên và vai trò một công dân của xã hội.

Thực tế trong đời sống học đường, đâu đó vẫn có những phát ngôn lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn minh, hành vi sai trái ở một số bạn trẻ. Sâu xa của những hành động đó là sự thiếu hiểu biết, nhận thức lệch lạc. Thêm vào đó, những mặt trái đời sống xã hội, những biểu hiện của lối sống vật chất đang tác động mạnh mẽ đến giới trẻ. Nếu không được trang bị kiến thức, hiểu biết đầy đủ, người trẻ rất dễ “lạc lối”.

 “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” được các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tổ chức vào đầu năm học mới. Ảnh minh họa: neu.edu.vn

“Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” được các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tổ chức vào đầu năm học mới. Ảnh minh họa: neu.edu.vn

Việc sinh hoạt công dân, định hướng giá trị cho sinh viên để có đủ kiến thức, phẩm chất, năng lực cần thiết là trách nhiệm của nhà trường, tổ chức đoàn thanh niên, hội sinh viên. Song song với vấn đề hỗ trợ sinh viên có cơ hội và môi trường lành mạnh để phát triển, việc sinh hoạt công dân cung cấp thông tin, giáo dục định hướng giá trị cho sinh viên cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Thực tế có cơ sở đào tạo chưa coi trọng đúng mức đến tuần sinh hoạt công dân, nội dung khô cứng, hình thức, hoặc tổ chức theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” mà không chú trọng đến hiệu quả thực tế.

Tổ chức Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên sao cho thực chất đòi hỏi mỗi cơ sở đào tạo có kế hoạch, nội dung cụ thể, phương pháp truyền thụ sinh động, hấp dẫn, giúp người học tiếp thu kiến thức tốt nhất. Đó không chỉ là những buổi lên lớp tập trung theo hình thức đọc - nghe, đọc - chép mà phải là những cuộc đối thoại dân chủ cởi mở để kiến thức được truyền tải một cách tự nhiên. Ở chiều ngược lại, tham gia tuần sinh hoạt, sinh viên cần phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nêu cao ý thức tự giác trong trình bày ý kiến, những khúc mắc mong muốn được giải đáp, đề xuất những nguyện vọng chính đáng. Sinh hoạt công dân thực chất sẽ tạo ra kênh thông tin hai chiều để nhà trường và các tổ chức lắng nghe, chia sẻ, giúp sinh viên có điều kiện nắm bắt kiến thức, nâng cao nhận thức, an tâm trong chính môi trường sư phạm nhân văn, vững tin hòa nhập vào đời sống xã hội.

Cánh cửa giảng đường mở ra với bao điều mới mẻ, người trẻ rất cần được thông tin, trang bị kiến thức. Đó không chỉ là một tuần sinh hoạt mà phải là quá trình bền bỉ được lồng ghép trong hoạt động học tập, sinh hoạt cộng đồng, giúp kiến thức thấm sâu vào nhận thức của người học và chuyển biến thành hành động tích cực. Trách nhiệm đó không chỉ của riêng nhà trường mà cần sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.

THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tuan-sinh-hoat-cong-dan-sinh-vien-can-thuc-chat-792849