Tuần sóng gió trên chính trường Mỹ
Ngày 6-1-2021 tới, Quốc hội Mỹ do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì sẽ nhóm họp để kiểm phiếu bầu của cử tri đoàn và chính thức công bố Tổng thống mới của nước Mỹ. Đây là bước thủ tục cuối cùng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Trong khi đó, những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ biểu tình lớn trong hai ngày 5-1 và 6-1-2021 để 'đòi công bằng'.
Cuộc điện thoại “lạm dụng quyền lực”?
Ngày 4-1-2021, Báo Washington Post (Mỹ) đăng tải rằng, vào ngày 2-1-2021, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện thoại cho ông Brad Raffensperger - Tổng Thư ký bang Georgia - để yêu cầu tìm cho mình hơn 11.000 phiếu nhằm san lấp cách biệt với Tổng thống đắc cử Joe Biden, theo đó có thể thay đổi kết quả bầu cử của bang này. Trong cuộc điện thoại, ông Donald Trump đã chất vấn về tin đồn rằng những phiếu bầu cho ông đã bị “chia nhỏ” ở hạt Fulton, nơi có thành phố lớn nhất của bang này là Atlanta, một “pháo đài” của Đảng Dân chủ.
Tổng thống ngụ ý rằng ông Brad Raffensperger và luật sư có thể bị truy tố hình sự nếu họ không làm theo lời người đứng đầu Nhà Trắng. Đoạn ghi âm cuộc điện thoại trên cho thấy ông Brad Raffensperger đã bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Donald Trump, cho rằng đây là cuộc bầu cử công bằng và chính xác, đồng thời từ chối đáp ứng mong muốn của Tổng thống. Đây là động thái gây sức ép mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020. Hiện Nhà Trắng và văn phòng của ông Raffensperger từ chối bình luận về thông tin trên.
Ngày 4-1-2021, Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris đã chỉ trích cuộc điện thoại của Tổng thống Donald Trump với ông Brad Raffensperger. Bà Kamala Harris đã gọi đây là hành động “lạm dụng quyền lực” của một Tổng thống Mỹ.
Hạ nghị sĩ Jerry Nadler của bang New York (Mỹ), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện bình luận: “Với việc đe dọa những quan chức này bằng những hệ lụy “hình sự mơ hồ”, đồng thời kêu gọi họ “tìm” thêm phiếu bầu và thuê các điều tra viên “muốn tìm câu trả lời”, Tổng thống Donald Trump có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”. Giáo sư Luật Anthony Michael Kreis thuộc trường Đại học Bang Georgia (Mỹ) cho biết: “Nhìn thế nào cũng thấy ông ấy (Donald Trump) phạm luật, nếu bạn đọc luật và sau đó nhìn vào những gì Tổng thống Mỹ yêu cầu”.
Cuộc đua sít sao tại Thượng viện
Hơn 3 triệu cử tri Georgia đã đi bỏ phiếu sớm cho cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang này vào ngày 5-1-2021. Con số này đã phá vỡ các kỷ lục về số lượng cử tri bỏ phiếu sớm trong các cuộc bầu cử trước đó. Phe Cộng hòa vẫn đang mong đợi “làn sóng” cử tri mới của đảng này sẽ xuất hiện tại cuộc bỏ phiếu vào ngày này. Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tới bang Georgia vào ngày 5-1 để thực hiện nỗ lực vận động cuối cùng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang này nhằm quyết định đảng nào sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
Ông Fred Hicks - chiến lược gia tại bang Georgia, từng làm việc với các thành viên của cả hai đảng cho biết, sự đa dạng về thành phần các cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ có lợi cho Đảng Dân chủ, nhưng các cử tri lớn tuổi hơn sẽ mang lại lợi thế cho Đảng Cộng hòa. Theo nhà thăm dò Whit Ayres, rất khó dự đoán ai sẽ là người dẫn đầu, song ông lưu ý, các cuộc bầu cử trước đây cho thấy các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vẫn là những người nhận được sự ủng hộ nhiều hơn tại bang Georgia. “Trong các kỳ bầu cử trước, phe Cộng hòa đã thành công hơn phe Dân chủ trong việc khuyến khích các cử tri ủng hộ họ đi bỏ phiếu. Nhưng những biến số của cuộc đua lần này có thể khác so với trước đây” - ông Whit Ayers phân tích và nhấn mạnh rằng có lẽ biến số lớn nhất chính là Tổng thống Donald Trump.
Đảng Cộng hòa cần phải có ít nhất một ghế để đảm bảo thế đa số tại Thượng viện, trong khi Đảng Dân chủ cần cả 2 ứng viên thắng để có thể cân bằng tỷ lệ 50-50 ở Thượng viện. Sau đó, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ là người có lá phiếu quyết định trong trường hợp bỏ phiếu cho kết quả hòa. Nếu Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện thì điều này sẽ mang lại cho chính quyền mới của ông Joe Biden nhiều lợi thế hơn trong việc xây dựng và thực thi các chương trình nghị sự. Với Đảng Cộng hòa, việc để mất Thượng viện sẽ là một sự thất vọng lớn.
Phản ứng của ông Joe Biden về vụ thách thức kết quả bầu cử
Ông Mike Gwin - Phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden - đã bác bỏ hoàn toàn kế hoạch thách thức kế quả bầu cử Tổng thống Mỹ của nhóm Nghị sĩ của Đảng Cộng hòa trong phiên họp Quốc hội sắp tới. Ông Mike Gwin nói: “Trò chơi nguy hiểm này không thể thay đổi sự thật rằng ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20-1 tới. Tất cả những cáo buộc vô căn cứ đó đã được kiểm tra và bác bỏ bởi chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp thuộc chính quyền của Tổng thống Donald Trump, bởi hàng chục phiên tòa và các quan chức phụ trách bầu cử của hai đảng”.
Thực tế, lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Thượng viện, Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer đã ra tuyên bố về động thái mới nhất của Thượng Nghị sĩ Ted Cruz cùng các Nghị sĩ khác về việc thách thức kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong tuyên bố trên Twitter, ông Chuck Schumer khẳng định: “Ông Joe Biden và bà Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống của Mỹ”. Trước đó, tại một diễn biến khác, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz cho biết ông cùng một nhóm gồm 10 Thượng Nghị sĩ khác của đảng này sẽ phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tại cuộc họp của Quốc hội vào ngày 6-1-2021.
Trong thông báo, Chánh Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ, ông Marc Short cho biết: “Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chia sẻ quan ngại của hàng triệu người Mỹ về những gian lận và các bất thường trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Phó Tổng thống Mike Pence hoan nghênh các nỗ lực của các Nghị sĩ ở Hạ viện và Thượng viện, những người dùng quyền cho phép của họ theo luật quy định để đưa ra phản đối và thúc đẩy bằng chứng trước Quốc hội và người dân Mỹ vào ngày 6-1-2021”.
Theo Hiến pháp Mỹ, các thành viên Thượng viện và Hạ viện của Quốc hội sẽ nhóm họp vào ngày 6-1 để mở và kiểm các phiếu bầu của cử tri đoàn. Theo đó, Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Thượng viện, trước sự chứng kiến của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các giấy chứng nhận, sau đó các phiếu bầu sẽ được kiểm đếm. Người có số phiếu bầu cao nhất sẽ là Tổng thống. Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ngày 14-12-2020 cho thấy ông Joe Biden giành được 306 phiếu đại cử tri so với 232 phiếu của Tổng thống Donald Trump.
Các Thượng Nghị sĩ Mỹ kêu gọi chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống
Các Thượng Nghị sĩ của hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ra tuyên bố chung kêu gọi Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11-2020 với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Tuyên bố chung nhấn mạnh đây là thời điểm Quốc hội cần hoàn thành trách nhiệm chứng nhận các kết quả bầu cử. Tuyên bố chung này đã được 4 Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hòa ký gồm Susan Collins, Lisa Murkowski, Bill Cassidy và Mitt Romney. Bên phía Đảng Dân chủ có các Thượng Nghị sĩ Joe Manchin, Mark Warner, Jeanne Shaheen, Maggie Hassan và Dick Durban. Ngoài ra, còn có 1 Thượng Nghị sĩ độc lập cũng ký vào tuyên bố chung là Augus King.
Ngoài ra, nhiều cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trong đó có 2 người từng được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã cảnh báo rằng quân đội Mỹ không nên tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực. Các cựu Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng tất cả các khiếu nại pháp lý đối với kết quả bầu cử Tổng thống đã bị Tòa án bác bỏ và các lá phiếu đã được các Thống đốc bang chứng nhận. Chính vì vậy, đã đến lúc để chính thức xác nhận các lá phiếu của Đại cử tri đoàn. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Christopher Miller và tất cả các quan chức Bộ Quốc phòng tạo điều kiện cho quá trình chuyển giao cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden “một cách đầy đủ, hợp tác và minh bạch”, đồng thời kiềm chế mọi hành động chính trị làm suy yếu kết quả của cuộc bầu cử hoặc cản trở sự thành công của chính quyền mới.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tuan-song-gio-tren-chinh-truong-my-post454760.antd