Tuân thủ khung thời vụ, giống lúa trong sản xuất vụ mùa

Theo ngành Nông nghiệp, đến 20-7 tới, toàn tỉnh sẽ kết thúc thời vụ gieo cấy lúa vụ mùa. Thời điểm này, bà con nông dân đang làm đất, chuẩn bị đưa mạ xuống ruộng.

Huyện Sơn Dương có diện tích gieo cấy vụ mùa lớn nhất tỉnh. Theo kế hoạch, vụ mùa năm 2020, toàn huyện gieo cấy trên 4.000 ha lúa. Hiện nay, người dân đang tích cực làm đất, nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sản xuất vụ lúa mùa. Xác định vụ mùa là vụ sản xuất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện bám sát địa bàn, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng thời vụ.

Ông Phạm Văn Hạnh, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa)làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa mùa.

Thời điểm này gia đình chị Hoàng Thị Hoàn, thôn Đồng Bèn, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) vừa làm đất, vừa tiến hành làm mạ để cuối tháng 6 đưa mạ xuống đồng. Theo chị Hoàn, năm nay thời tiết nhuận hai tháng 4 âm lịch nên làm vụ mùa không bị gấp gáp, bà con có thời gian làm đất kỹ sẽ hạn chế được ngộ độc cho lúa non mới cấy.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, khung lịch vụ mùa năm nay huyện tập trung gieo cấy ở 2 trà, trà sớm và trà chính vụ, thời gian xuống giống trà sớm từ ngày 15 đến 30-6, chính vụ từ 20-6 đến 10-7. Để nâng cao chất lượng lúa gạo, huyện khuyến khích bà con tập trung gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Bắc Thịnh, Thái Bình, nếp và một số giống lúa khác. Bà Tuyến nhấn mạnh, vụ xuân vừa qua một số vùng bị ảnh hưởng do dông lốc, mưa đá, thóc rụng nhiều trên ruộng, bà con nông dân cần cày lật, làm đất kỹ, xử lý triệt để mạ tạp tránh lẫn vào lúa mới cấy làm lưu truyền sâu, bệnh giảm năng suất và chất lượng thóc khi thu hoạch.

Trên địa bàn các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn... bà con đang đẩy nhanh tiến độ làm đất và rục rịch đưa mạ xuống ruộng. Theo phản ánh của bà con nông dân, vào đầu vụ sản xuất thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất, tại thời điểm giữa tháng 6 bà con tập trung làm đất, xuống giống trà sớm, mưa lớn xảy ra trên diện rộng đã cung cấp một lượng nước quý giá. Gia đình ông Phạm Văn Hạnh, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đang tập trung làm đất để xuống giống trà sớm. Ông Hạnh cho biết, thời tiết đầu vụ năm nay rất thuận lợi, có mưa, giá giống vật tư ổn định nên bà con rất phấn khởi. Gia đình ông Hạnh gieo cấy 1,5 mẫu, với các giống Bắc Thơm, Khang Dân.

Theo kế hoạch vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 25.000 ha lúa. Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, đảm bảo kế hoạch về diện tích, năng suất và sản lượng, ngành Nông nghiệp đã có văn bản đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tuyệt đối tuân thủ khung lịch thời vụ, cơ cấu giống, ưu tiên các giống có năng suất, chất lượng, chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thường, thời gian sinh trưởng ngắn. Ðối với trà sớm gieo cấy từ ngày 15 đến 20-6; trà chính vụ gieo cấy từ 20-6 đến 10-7 và trà muộn xong trước ngày 20-7.

Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện sản xuất của từng địa bàn, khu vực để áp dụng kỹ thuật gieo, cấy cho phù hợp với chân đất. Mỗi địa phương nên chọn 3 - 4 giống chủ lực; sử dụng các giống trong danh mục giống của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như Bắc thơm số 7, IR64, Hương thơm số 1, Bắc hương 9, nếp N87, N97… Tuyệt đối không sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, giống chưa được khảo nghiệm, thử nghiệm, đánh giá khả năng thích ứng. Ðối với những diện tích ruộng một vụ không chủ động được nước tưới cần rà soát lập kế hoạch, vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng khác. Bà con cũng cần lưu tâm, diệt trừ ốc bươu vàng, đối tượng gây hại rất nguy hiểm đối với lúa non.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tuan-thu-khung-thoi-vu-giong-lua-trong-san-xuat-vu-mua-133540.html