Tục bày cỗ kén chồng dịp Tết Trung thu xưa
Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan vẫn còn nhớ cảnh xem cỗ Trung thu xưa: 'Người bày cỗ bao giờ cũng là cô gái khéo tay và duyên dáng, còn người đi xem cỗ phần đông là con trai'.
Cái cảnh xem cỗ ở trên ấy, là nói tới cái thú thanh lịch của người đất Hà thành vào mỗi dịp Tết Trung thu đến trong hồi ức của nhà phê bình họ Vũ nơi hồi ký Những năm tháng ấy. Trai thanh gái lịch nhân cái dịp Tết thưởng trăng này, chẳng cứ gì xứ Tràng An, mà phần đa ở phố thị, ngắm mâm cỗ bày biện, sẽ hiểu được dù ít, dù nhiều về người con gái.
Trung thu có cỗ trông trăng
Tết Trung thu, đích thị là Tết của trẻ con với biết bao nhiêu trò vui làm say mắt trẻ. Và phá cỗ đêm rằm tháng tám thì thật thú vị. Cỗ Trung thu, nhiều quả ngon kẹo ngọt tha hồ cho trẻ được thỏa tính ham ăn tuổi đang lớn. Làm cỗ Trung thu, dẫu cha mẹ có tốn tiền, nhưng nhìn thấy nụ cười trẻ thơ ai chẳng vui trong lòng. Bởi vậy việc bày cỗ Trung thu, quan trọng lắm.
Hãy xem cái cảnh bày cỗ Trung thu xưa, qua lời của Tứ Ly (tức Hoàng Đạo) trên Phong hóa tuần báo số 67 chủ đề Trung thu, ra ngày 6/10/1933 qua bài “Từ trò chơi trẻ con đến trò chơi người lớn”, một cảnh tượng rất sinh động khi các nhà bày cỗ cho con với hình ảnh đủ thứ đồ chơi bằng giấy, gỗ hoặc bằng thiếc hay bột. Đó là bộ sa lông, chậu hoa, chiếc ô tô, ông tiến sĩ và cả lợn, gà, voi… được bày xen với hoa quả, bánh trái.
Với cỗ bàn linh đình như thế “đứa con nít ngắm cỗ ắt cũng có cảm tưởng như ông tham, ông phán, lúc ở sở về nhìn quang cảnh nhà mình, trong trí non nớt của nó, chắc thấy hiện rõ tương lai, cái tương lai luẩn quẩn chung quanh bộ salon, chậu hoa, cái ô tô, mảnh bằng tiến sĩ thật”.
Ấy, đây là cái cảnh bày cỗ trong thời mà xã hội nước Nam có sự Âu hóa với ảnh hưởng của văn minh Pháp quốc, cho nên, mâm cỗ Trung thu truyền thống đã dần bị mất nét thuần Việt, và thay vào đó, là cả gửi gắm, cả sự học đòi “văn minh” của đấng sinh thành.
Mâm cỗ Trung thu mang đầy đủ hương vị truyền thống, có dấu ấn rõ nét văn hóa Việt, hồn Việt, phải nhìn qua miêu tả của Nhất Thanh trong Đất lề quê thói, mới thấy được phần nào. Theo đó, bày cỗ nơi phố thị có đủ các thứ bánh có đường như bánh dẻo, bánh nướng. Đó là những loại bánh hình tròn tượng trưng cho mặt trăng. Trong mâm cỗ còn có đủ thứ trái cây và những con giống nặn bằng bột có nhuộm ngũ sắc nữa và “bên cạnh cỗ có khi bày kín khắp trên hai ba chiếc bàn, thế nào cũng có một chiếc đèn kéo quân, lắm người tự tay chế kiểu đèn công phu và tài tình”.
Để mâm cỗ trông trăng được đẹp mắt, đôi bàn tay ham chơi vụng về của trẻ nhỏ, cùng trí tuệ non nớt của tuổi thiếu niên làm sao đủ sức thực hiện cho được. Món này, không qua tay của các cô gái trong gia đình, hẳn không xong. Thế nên ngày này, các cô dù không có được tổ chức cuộc đua tài nào, nhưng cũng tự tay mình mà tỉa tót, bày biện sao cho mâm cỗ trông trăng được vui mắt người nhìn. Ở nơi phố thị “con gái hàng phố đùa tài thi khéo nặn con giống, gọt đu đủ trổ các thứ hoa bày cảnh”. Ấy là miêu tả trong Đất lề quê thói, nhưng chưa được đủ.
Cô kia bày cỗ kén chồng
Theo lời Vũ Ngọc Phan, chính nhân cái dịp Tết Trung thu, qua việc đi xem cỗ mà nhiều cô gái được những chàng trai để ý, rồi dây tơ hồng quấn quýt nên duyên vợ chồng.
Trong bài viết “Tết Trung thu” đăng trên báo Indochine số 108, ra ngày 24/7/1942, Nguyễn Văn Huyên cho biết việc chuẩn bị cho mâm cỗ Tết Trung thu của các cô gái, thậm chí đã từ hai ba tháng trước, vì đây là dịp “những cô gái thuộc gia đình thượng lưu, để tỏ tài mình trước mắt các chàng trai và các bà mẹ chồng tương lai, đều nhân dịp Tết tháng tám, cũng gọi là Tết trẻ em, để đua tài bằng cách làm đủ loại đồ vật với bột giấy, hoa quả”; điểm này cũng đồng ý kiến với Khái Hưng khi nhà văn cho rằng vào những năm 30 (thế kỷ 20) “các tiểu thư còn thẹn thò trong chốn phòng khuê, các công tử còn phải nhờ đến tay mụ mối để “dắp danh bắn sẻ” thì một bàn cỗ lộng lẫy hôm rằm tháng tám gần như đứng ra giới thiệu cho hai bên”. Vậy để làm một mâm cỗ Trung thu, các thanh nữ xưa phải gia công thế nào?
Trước hết, xin hãy đến với miêu tả chi tiết nơi hồi ký Những năm tháng ấy để thấy được sự chăm chút, tỉ mỉ khi chuẩn bị, khi làm cỗ của các thiếu nữ. Các loại bánh, mứt, hoa do chính tay các cô gái trực tiếp chế biến, làm nên chứ không mua ở cửa hiệu. Này thì đu đủ được gọt và nhuộm thành những bông hoa trà màu hồng đào hay màu đỏ thẫm trông như hoa thật; này thì bí đao được cắt xếp thành câu đối hoặc thơ và chế biến ra món mứt thơm ngon; này gà thì mổ moi ruột luộc chín, buộc gập mỏ vào cổ, đính thêm bông làm râu, vẽ mặt thành hình ông Lã Vọng đang câu cá, mề gà được gọt thành cái giỏ, tim gà bổ thành con cá, miếng tiết luộc làm thành cái nón. Tài trí của các cô tưởng như để hết vào sự chế biến, bày biện mâm cỗ vậy.
Trong khi ấy, vẫn ở bài báo trên, Nguyễn Văn Huyên miêu tả tường tận từng công đoạn chế biến cho đến bày biện mâm cỗ với tất cả sự am hiểu của ông. Ở công đoạn chuẩn bị, chế biến “tất cả các cô gái trong gia đình đều bắt tay vào việc làm ra những vật tí xíu dưới sự chỉ dẫn của bà mẹ. Với các quả cây, các cô làm những bông hoa hồng, hoa nhài, bông sen… Những cô gái khác nữa gọt bằng bột nhuộm nhiều màu những con cá, tôm, tôm hùm, những con vật hoang đường và những cây hiếm có”… Sau khi đã làm “nghệ sĩ chế tác”, công đoạn bày biện quan trọng không kém. Một mô hình mô phỏng cung điện, đền chùa, vườn tược được thực hiện và đặt trên chiếc bàn ở giữa nhà. Việc bày biện được thực hiện với các quả trứng nhuộm ngũ sắc tượng trưng cho sự sinh sôi, các quả dừa được làm thành những con thỏ, những quả bưởi đã bóc vỏ thành những con kỳ lân lởm chởm lông, các đoạn mía được bó lại biểu tượng cho sự sum họp lứa đôi . Cùng với đó là bánh dẻo, bánh nướng tượng trưng cho mặt trăng với đàn thỏ, con cóc, hai con rồng bao quanh. Trong phòng đèn lồng hình cá được thắp lên, đèn kéo quân chuyển động những hình người, vật…
Và khi khách tới nhà, mặc sức ngắm nghía, bình phẩm, ngợi khen mâm cỗ khéo sắp khéo đặt. Lúc này tất cả sự khéo léo, thông minh, khả năng mỹ thuật của thiếu nữ được thể hiện hết nơi mâm cỗ, “người con trai sẽ ngắm cỗ bầy mà xét được trí tuệ của người kia đến bậc nào. Ấy là chưa kể đôi bên còn được tự do (tự do trong hai đêm thôi, mười tư và hôm rằm) trao đổi một vài ý kiến, một vài tư tưởng, ở trước mặt cha mẹ người con gái”, Khái Hưng đã thêm lời như thế trong bài “Phá cỗ” đăng trên Phong hóa tuần báo số Trung thu (số 153) ra ngày 13/9/1935.
Như trên là những miêu tả chung nhất về các mâm cỗ bày biện bởi bàn tay những thanh nữ, còn chính Vũ Ngọc Phan dạo nhỏ, đã trực tiếp xem cỗ Trung thu nhà bà cụ Cả phố Hàng Đào là em gái ông nội họ Vũ: “Con gái bà là cô Hòe, tôi gọi là cô họ. Cô vừa đẹp, vừa khéo tay, cô đánh phấn, bôi môi son, kẻ lông mày trang điểm rất kỹ, ăn mặc rất sang, đi ra, đi vào, trả lời những câu hỏi của khách vào xem về những thứ bánh mứt cầu kỳ, làm cho các chàng trai Hà Nội hồi bấy giờ ngắm cô nhiều hơn là xem cỗ”. Mâm cỗ to, khéo thôi chưa đủ, mà người làm ra nó, phải đẹp nữa, thì mới thu hút đông người đến xem cỗ để rồi nhân dịp đó “nhiều cô được những chàng trai tuấn tú chú ý, chắp mối lương duyên, nên vợ, nên chồng”.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tuc-bay-co-ken-chong-dip-tet-trung-thu-xua-post989535.html