Tục lệ cúng gà ra mắt Tổ Sân khấu mùng 3 Tết
Vào ngày mùng 3 Tết các gia đình nghệ sĩ đều chuẩn bị mâm cúng hóa vàng và một con gà trống luộc để ra mắt Tổ Sân khấu. Đây là truyền thống lâu đời của nghệ sĩ sân khấu thời thể hiện lòng tôn kính, sự cầu mong tổ tiên ban phước lành cho nghiệp diễn viên
NSND Lệ Thủy chia sẻ rằng lễ hóa vàng đánh dấu ngày khởi đầu cho một năm mới nên người nghệ sĩ bắt đầu "cày bừa" sau 3 ngày tết thăm viếng họ hàng. Trên thực tế, tối 30 Tết là một số nghệ sĩ đã xuôi ngược lưu diễn khắp nơi, sáng mùng 3 ai về đoàn nấy để cúng, hoặc tổ chức cúng tại nhà, bắt buộc phải có một con gà trống luộc, đầu ngậm một cành hoa cúc hoặc hoa hồng, tượng trưng cho lời ca tiếng hát đều phải đẹp như hoa.
"Có nhiều gia đình nghệ sĩ làm lễ hóa vàng từ ngày mùng 2 Âm lịch, nhưng chủ yếu là bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán. Lễ cúng thể hiện lòng tôn kính, cầu mong tổ tiên ban phước lành cho thế hệ nghệ sĩ tiếp nối, sau một năm lao động nghệ thuật, hướng tới mọi điều tốt lành, suôn sẻ và may mắn trong năm mới. Năm nay, tôi cúng ở nhà, đây là một trong những ngày cúng đặc biệt quan trọng của người nghệ sĩ" – NSND Lệ Thủy chia sẻ.
Nghệ sĩ Chấn Cường cho biết trong ngày này, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ Tổ. Do vậy, đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như hoa quả, mâm ngũ quả, bánh kẹo và quan trọng là con gà trống luộc khi nén hương tàn mới được hạ xuống.
"Trong mâm cỗ hóa vàng, gà cúng phải là gà trống to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận. Đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống sân khấu không thể thiếu trong ngày mùng 3 Tết. Năm nay tôi và vợ con đến cúng tại nơi thờ Tổ của CLB Sân khấu Lạc Long Quân. Các thành viên khắp nơi tụ về rất đông vui, sau lễ cúng cùng ôn lại chặng đường phát triển 15 năm qua của CLB – một đơn vị xã hội hóa của Nhà hát Trần Hữu Trang" – NS Chấn Cường cho biết.
Danh hài Hoài Linh, Việt Hương, Minh Nhí năm nay cúng gà ra mắt Tổ tại sân khấu Trương Hùng Minh; nghệ sĩ Bình Tinh, Thái Vinh tổ chức cúng tại Đoàn cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long. Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức cúng tại rạp, sau đó các nghệ sĩ tập dợt chương trình Lễ hội Đống Đa Quang Trung tối mùng 5 biểu diễn tại tiền sảnh Nhà hát TP.
NSƯT Trường Sơn (Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ) cho biết theo tục xưa, tại nơi cúng, gia chủ - tức là nghệ sĩ phải thành tâm nghĩ đến Tổ nghề, trong đó phải nhớ ơn những bậc tiền bối đã cống hiến cả đời cho sân khấu.
"Ba vợ tôi là cố nghệ sĩ Minh Tơ hồi xưa có bí quyết xem chân gà rất linh nghiệm. Ông xem cặp chân gà mà các nghệ sĩ cúng Tổ để biết năm nay họ sẽ "bươn quào" thế nào, cổ gà có cất cao tiếng hát như gà trống cất cao tiếng gáy. Cặp chân gà sau khi được "xem tướng" sẽ cột treo trên giàn bếp, cầu nguyện một năm mạnh mẽ trong lao động nghệ thuật" – NSƯT Trường Sơn chia sẻ.
Theo các nghệ sĩ tiền bối, hiện nay việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng cũng được khuyến cáo hạn chế tối đa để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sống, giảm nguy cơ gây hỏa hoạn. Do đó, các nghệ sĩ không còn đốt vàng mã trong ngày mùng 3 Tết.
NSND Ngọc Giàu cho biết cúng gà ngày mùng 3 và xem chân gà để tự động viên, an ủi nhau tiến bộ trong năm mới, vượt qua những khó khăn của nghề.
Bên cạnh đó, ngày cúng gà ra mắt Tổ cũng là dịp mà các nghệ sĩ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những vị tiền bối đi trước bằng hành động thăm hỏi, động viên khi tới thăm nhau tại nhà riêng hoặc tại đoàn hát. "Có lẽ từ ý nghĩa tốt đẹp đó mà cho đến ngày hôm nay, ý nghĩa của ngày cúng gà ra mắt Tổ ngành sân khấu vẫn được giữ gìn, tạo thêm ý nghĩa nhân văn để nghệ sĩ cống hiến bằng tinh thần trách nhiệm cao trong lao động sáng tạo" – NSND Ngọc Giàu bày tỏ.