Túc trực 24/24 giờ, căng mình giúp dân vượt lũ

Liên tục trong những ngày qua, mưa lớn kèm theo nước lũ dâng cao khiến các tỉnh Miền Trung chịu thiệt hại hết sức nặng nề, đường sá sạt lở, nhiều địa phương bị nước lũ cô lập, chia cắt. Đặc biệt là các tỉnh miền Trung Trung Bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, Khánh Hòa, hàng ngàn ngôi nhà đã bị tốc mái, bị sập, gây thiệt hại về nhân mạng. Cùng với các lực lượng chức năng, Công an các địa phương đã túc trực 24/24, căng mình vào các điểm 'nóng' để cứu hộ cứu nạn, giúp dân chống chọi với mưa lũ.

Quảng Nam, Quảng Ngãi: Bám đèo sạt lở, giữ an toàn cho người và phương tiện

Từ tối 15 đến ngày 16/11, lực lượng chức năng các huyện miền núi của Quảng Nam như: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn đã huy động nhân lực, phương tiện máy móc vận chuyển hàng nghìn mét khối đất, đá sạt lở ra ngoài hiện trường, tập trung khắc phục sạt lở trên các tuyến giao thông.

Cụ thể, do mưa lũ còn diễn biến phức tạp, huyện Nam Trà My ưu tiên san ủi đất đá tràn xuống nền đường để bảo đảm cho người và phương tiện lưu thông tạm thời. Trước đó, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện Nam Trà My đi các xã bị sạt lở nặng. Trên tuyến ĐH5 từ trung tâm huyện vào xã Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh xuất hiện 4 điểm sạt lở gây chia cắt giao thông.

Trong đó, tại km6+500 thuộc làng Ông Sinh (xã Trà Vân) bị sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá taluy dương gây chia cắt hoàn toàn giao thông, nhiều tảng đá lớn nặng hàng tấn nằm chắn ngang lòng đường. Trên tuyến ĐH1 từ xã Trà Dơn và Trà Leng cũng xuất hiện 4 điểm sạt sở gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Tuyến D1K8 từ Trà Dơn vào Trà Leng cũng bị sạt lở nặng không thể lưu thông.

Tại Bắc Trà My, từ chiều tối đến khuya ngày 15/11, mưa lớn kéo dài đã xuất hiện tình trạng sạt lở núi, gây ách tắc giao thông nhiều điểm trên truyến Đông Trường Sơn, Quốc lộ 24C và đường liên thôn, liên xã của Bắc Trà My. Mưa lớn cũng đã làm hơn 1.000m3 đất, đá đổ xuống đường, gây ách tắc giao thông cục bộ. Toàn huyện Bắc Trà My có 19 vị trí sạt lở. Mưa lớn làm bồi lấp 1,5ha ruộng, sập 1 cầu đi thôn, 2 mố cầu hư hỏng nặng (tại xã Trà Sơn và xã Trà Nú), sạt lở 1 công trình kè taluy đang thi công và trôi 1 xe máy tại Trà Đông. Ngoài ra, 147 hộ dân nóc Sơ Rơ (xã Trà Bui) bị cô lập hoàn toàn do sạt lở đường.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế động viên, tặng quà người dân vùng ngập lũ

Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế động viên, tặng quà người dân vùng ngập lũ

Trước đó, tối 15/11, chính quyền và Công an xã Trà Ka đã sơ tán, chuyển 56 học sinh THCS xuống điểm ở bán trú dành cho học sinh tiểu học để bảo đảm an toàn. Hiện nay, Bắc Trà My đã triển khai nhanh các phương án sơ tán tại 27 vị trí nguy cơ sạt lở rất cao, 53 vị trí nguy cơ cao; rà soát tại 22 vị trí có khả năng nước dâng cao gây ngập.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, sáng 16/11, Quốc lộ 24 đoạn qua đèo Vi Ô Lắc thuộc địa phận huyện Ba Tơ xảy ra tình trạng sạt lở nặng tại 2 vị trí Km 63+350 và Km 64+400. Theo đó, mưa lớn khiến lượng lớn đất đá từ các ngọn đồi phía trên bất ngờ sạt lở, trút xuống mặt đường. Đáng chú ý, tại khu vực giáp ranh giữa Quảng Ngãi và Kon Tum, mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt lớn kéo dài khiến phương tiện qua lại hết sức khó khăn do nguy cơ sạt lở đất, đá bên các vách núi bên đường. Trung tá Phạm Ngọc Chính - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Ba Tơ cho biết: "Lãnh đạo CA huyện cử lực lượng CSGT tham gia với Công an xã Ba Tiêu chốt chặn và phân luồng giao thông, đồng thời phối hợp đơn vị chức năng thông luồng giải tỏa".

Tại nhiều vị trí Km 66+50, Km 64+400 và Km63+350 thuộc đèo Vi ô Lăk, sạt lở đất đá từ vách núi khiến các phương tiện qua lại rất nguy hiểm. Tại vị trí Km 77, mặt đường bị nứt toác, sụt lún do mưa lớn những ngày qua. Lực lượng Công an huyện Ba Tơ, Công an xã Ba Tiêu đã bố trí cán bộ túc trực, chốt chặn nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, cảnh báo, hướng dẫn và giúp đỡ người dân và các phương tiện lưu thông an toàn. Huyện Ba Tơ cũng đã huy động các phương tiện ứng trực giải phóng lượng đất đá sạt lở ra đường.

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp dân

Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp dân

Thừa Thiên - Huế: Vượt lũ, cứu hộ các nạn nhân bị lật ghe

Suốt 3 ngày qua, hàng nghìn CBCS Công an các đơn vị, địa phương tại Thừa Thiên - Huế ngày đêm dầm mình phòng chống mưa lũ, cứu giúp người dân trong cơn mưa lũ lịch sử.

Từ ngày 13/11 đến nay, Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, lực lượng CSGT, Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an các phường, xã, thị trấn bám sát địa bàn cơ sở, huy động lực lượng, phương tiện nhanh nhất có thể để ứng phó với các tình huống đột xuất, bất ngờ, nhất địa bàn thấp trũng, điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét... giúp bà con nhanh chóng di dời người, tài sản, nhất là các hộ neo đơn, người già, ốm đau, thai sản... đến nơi an toàn; phối hợp hỗ trợ chỗ ở tạm thời, lương thực thực phẩm cho người dân đi sơ tán và những hộ gặp khó khăn..

Công an các đơn vị tập trung hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và trục giao thông chính; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở... kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua nếu không bảo đảm an toàn và triển khai lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống khẩn cấp.

Sạt lở trên đèo Vi Ô Lắc

Sạt lở trên đèo Vi Ô Lắc

Công an đã cứu, giúp đỡ nhiều trường hợp gặp nạn. Lúc 9 giờ 30 ngày 15/11, nhà chị Huỳnh Thị Lý (ngụ đường Phan Chu Trinh, P.An Cựu, TP.Huế) chìm trong nước, sâu đến 1,5m. Công an P.An Cựu vượt lũ đến để đưa chị Lý (đang mang thai) cùng 2 con nhỏ ra khỏi vùng lũ, đến nơi an toàn. Rạng sáng 15/11 đến nay, Công an P.An Cựu ứng cứu 19 người bị mắc kẹt trong các căn nhà bị ngập, trong đó, có 3 trẻ em, 3 người già neo đơn, 2 phụ nữ mang thai và 11 nữ sinh viên ở trọ. Công an cùng bảo vệ dân phố P.Vỹ Dạ vượt nước lũ đến hỗ trợ chị Trần Thị M. (ngụ đường Tuy Lý Vương, P.Vỹ Dạ, TP.Huế) đang mang thai đến chỗ an toàn... Hàng nghìn người dân khác ở các vùng xung yếu, thấp trũng, ngập nước được Công an, lực lượng chức năng kịp thời đến cứu, sơ tán đưa đến nơi an toàn... Đặc biệt, Công an Thừa Thiên - Huế cùng lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công 6 người bị lật ghe ở xã Quảng Thành, đưa 2 người bị bệnh nặng xã Quảng An đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe.

Khánh Hòa, Phú Yên: Di dời người dân vùng thấp trũng đến nơi an toàn

Tại TP.Nha Trang, từ tối 15/11, nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về làm ngập nhiều tuyến đường trong khu vực nội đô, sau đó lan sang khu vực các xã Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung, Vĩnh Phương (TP.Nha Trang) từ 0,5 - 1m. Dù đã có cảnh báo từ trước, nhưng vì nước lên quá nhanh nên các hộ dân ở các xã vùng ven Nha Trang "chạy lụt" không kịp.

Trước lượng mưa lớn có nguy cơ sạt lở, lũ quét, Công an TP.Nha Trang cùng các lục lượng chức năng huyện Khánh Vĩnh đã sơ tán 15 hộ dân, 65 nhân khẩu. Tại TP.Nha Trang đã vận động được 13 hộ, 51 nhân khẩu phường Vĩnh Trường sơ tán đến nhà văn hóa phường và nhà của những người thân trong khu vực.

Lực lượng Công an huyện Ba Tơ làm nhiệm vụ hỗ trợ dân

Lực lượng Công an huyện Ba Tơ làm nhiệm vụ hỗ trợ dân

Đến rạng sáng 16/11, nước lụt ở những nơi trũng thấp tại Nha Trang và một số vùng ở huyện Diên Khánh vẫn chưa có dấu hiệu rút bớt. Nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng ngập lụt cục bộ tại một số xã Vĩnh Thái, Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang); Ninh Phụng, Ninh Đông, Ninh Phú, Ninh Đa (TX Ninh Hòa). Hiện nước lũ trên sông Cái Nha Trang đang giảm, trên sông Dinh Ninh Hòa đang có xu hướng giảm chậm. Tính đến 6 giờ sáng 16/11, mực nước trên sông Dinh là 5,45m (dưới báo động 3 là 0,25m); mực nước trên sông Cái Nha Trang là 7,68m (dưới báo động 1 là 0,32m).

Còn tại tỉnh Phú Yên, đến sáng 16/11, tại cầu bến Nhiễu (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, Phú Yên) nước lớn, giao thông chia cắt, người dân không thể lưu thông ra vào khu vực này. Trước đó, đêm 15/11, nước từ khu vực đầu nguồn đổ về và mưa to, tại thôn Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ Tây, nước dâng cao, chảy siết vào nhà dân, khiến nhiều đồ đạc chìm trong nước. Trong đêm khuya, để bảo đảm an toàn, ngoài kê đồ đạc lên cao, người dân phải tìm những vật dụng như ghế, bàn,... để trèo lên tránh lũ. Theo người dân địa phương, toàn thôn Mỹ Thành có khoảng 346 hộ dân nhưng đã có hơn 250 nhà bị ngập. "Nước dâng nhanh, có nơi ngập hơn 1,5m, khoảng 90% các ngôi nhà ở trong thôn đã bị cô lập" - anh Thành Hoàng, người dân thôn Mỹ Thành cho biết.

Để ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, Công an và chính quyền các địa phương cũng đã huy động lực lượng, túc trực 24/24 giờ, triển khai các phương án để sẵn sàng ứng cứu người dân. Trong đó, các lực lượng phối hợp phân luồng giao thông tại các điểm sạt lở, ngập sâu, giúp các phương tiện lưu thông an toàn, đồng thời nhanh chóng đưa người dân ở những vùng thấp trũng đến nơi tránh trú an toàn.

HÀ CHÂU - HOÀNG QUÂN - TIÊU NGỌC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/tuc-truc-2424-gio-cang-minh-giup-dan-vuot-lu_155399.html