Túi xách Hermès ảo được bán đấu giá 2.000 USD

Thiết kế 'Baby Birkin' được tạo ra từ hai nghệ sĩ Mason Rothschild và Eric Ramirez.

NFT là nền tảng kỹ thuật số chuyên sáng tạo các thước phim về giày sneakers, áo phông hay những món phụ kiện thời trang. Sau đó, người dùng sẽ bỏ một khoản tiền nhất định để mua các sản phẩm ảo thông qua cổng thanh toán trực tuyến.

Ngày 15/5, NFT chính thức mở bán sản phẩm độc đáo lấy cảm hứng từ hình ảnh túi xách của Hermès và biến tấu trở thành thước phim 3D. Sản phẩm bày bán lần này là "Baby Birkin", được tạo ra từ hai nghệ sĩ Mason Rothschild và Eric Ramirez.

 Hình ảnh túi xách "Baby Birkin". Ảnh: Highsnobiety.

Hình ảnh túi xách "Baby Birkin". Ảnh: Highsnobiety.

Cả hai đã sáng tạo đoạn phim 3D về túi xách Birkin trong suốt chứa đựng chiếc bào thai 40 tuần và được đặt ở không gian tối trên dải ngân hà với kích thước hình ảnh 2000 x 2000. Sản phẩm ảo chính thức bán đấu giá với mức khởi điểm 2.000 USD.

Theo chia sẻ của NFT, "Baby Birkin" là mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, giúp người dùng được trải nghiệm cảm giác chạm tay vào túi birkin trong không gian tối cùng âm thanh như lạc bước vào vũ trụ.

Ngoài ra, sản phẩm này còn ngầm ngụ ý về việc Hermès cố tình tạo nên sự khan hiếm nhằm tăng nhu cầu mua sắm của khách hàng và đẩy giá trị của dòng túi này lên cao.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc bày bán túi xách ảo với giá 2.000 USD là phi thực tế, bởi không ai bỏ nhiều tiền chỉ để sở hữu món đồ không có thật.

 Túi xách Birkin luôn là món đồ thời trang được nhiều người săn đón. Ảnh: ELLE.

Túi xách Birkin luôn là món đồ thời trang được nhiều người săn đón. Ảnh: ELLE.

Trước đó, nhiều thương hiệu cũng sử dụng công nghệ thực tế ảo để mang đến trải nghiệm thời trang cho người dùng. Tháng 8/2020, Gentle Monster thể hiện sự sáng tạo của đội ngũ thiết kế thông qua bộ sưu tập mang tên "Redefinition of Eyewear" (tạm dịch: Định nghĩa lại mắt kính).

Dự án của thương hiệu Hàn Quốc nhằm mục đích dựa trên nền tảng kỹ thuật số tạo sự tiếp cận gần giữa công chúng và sản phẩm.

Họ tạo nên những chiếc mắt kính bằng cách truyền thống, rồi thông qua ứng dụng trên điện thoại biến chúng trở thành món phụ kiện trên gương mặt người sử dụng. Điều này giúp người mua có cơ hội trải nghiệm sản phẩm trước khi quyết định đến cửa hàng.

Bộ sưu tập đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo của Gentle Monster không nhằm mục đích bày bán, mà chỉ gây sự chú ý đến cộng đồng mạng. Một trong những nghệ sĩ tham gia chiến dịch - Daisy Collingrid - đã tạo nên chiếc kính với cấu trúc giống làn da của con người sau khi được tách lớp, để lộ biểu bì trên gương mặt mang tên CLEM.

Sản phẩm mắt kính kết hợp với công nghệ thực tế ảo. Ảnh: Hype Beast.

Sản phẩm mắt kính kết hợp với công nghệ thực tế ảo. Ảnh: Hype Beast.

Thiên Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tui-xach-hermes-ao-duoc-ban-dau-gia-2000-usd-post1216650.html