Tưng bừng khai giảng năm học mới 2019-2020: Tất cả vì học sinh thân yêu
Hôm nay 5-9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên cả nước tưng bừng đón lễ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2019-2020. Năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Ngành giáo dục có rất nhiều công việc cần làm, nhiều nhóm giải pháp phải thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chuẩn bị cho những đổi mới về đội ngũ, chương trình, sách cho năm học tới, nhưng quan trọng nhất là, mọi hoạt động đều nhằm mục đích: Tất cả vì học sinh thân yêu.
Lễ khai giảng phải vì học sinh, hướng đến học sinh
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cần đổi mới lễ khai giảng với tinh thần “vì học sinh thân yêu”. Theo đó, thay vì học sinh đứng nắng vỗ tay đón đại biểu, thì thầy cô, nhà trường, các anh chị lớp lớn đón các em đầu cấp đến trường. Đại biểu thay vì ngồi hàng ghế trên, sẽ được bố trí ngồi xung quanh, cho các em học sinh trở thành trung tâm của lễ khai giảng. Phần “lễ” sẽ ngắn gọn, để các em được tham gia nhiều hơn phần “hội”. Theo Phó Thủ tướng, việc này những năm trước đã có nơi làm tốt, làm hay, nhưng một số nơi vẫn còn hình thức, năm học này cần khắc phục ngay.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu: Lễ khai giảng năm học mới sẽ được tổ chức đồng loạt trên cả nước vào sáng 5-9 với chương trình ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học mầm non, Bộ yêu cầu các trường tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.
Các địa phương cũng chủ động tổ chức các lễ khai giảng ngắn gọn, ý nghĩa. Sở GD&ĐT TP HCM yêu cầu tổ chức lễ khai giảng “3 không”: Không dùng băng lời bài hát Quốc ca, không báo cáo thành tích, không mời lãnh đạo phát biểu. Ở phần “lễ” phải tổ chức trang trọng, súc tích, ngắn gọn với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đánh trống trường và khen thưởng cá nhân, tập thể... Phần “hội”, các trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, sinh hoạt tập thể tươi vui, sinh động, lành mạnh nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh, tạo ấn tượng để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả học sinh, nhất là những học sinh lần đầu đến trường.
Cơ sở vật chất được bổ sung thêm để đón chương trình mới
Theo ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) thì: Hiện nay, đối với cấp tiểu học nếu tính trên đầu phòng học thì cơ bản đã đáp ứng. Tuy nhiên, chúng ta mới đạt 72% của 0,96 phòng học/lớp là kiên cố hóa. Còn lại xấp xỉ 25% số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm và có một số phòng học phải đi mượn. Tình trạng này chủ yếu ở vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long. Bài toán đặt ra là, nếu học 2 buổi/ngày thì chúng ta phải khắc phục được tình trạng này.
Với tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố ở cấp tiểu học như trên thì đến năm 2020, nếu áp dụng dạy học 2 buổi/ngày đối với lớp 1 thì sẽ đủ phòng học, vì thời điểm này từ lớp 2 - 5 vẫn học 1 buổi/ngày. Nhưng vấn đề đặt ra là, sau năm 2020 sẽ thiếu phòng học khi mà các khối lớp cũng sẽ học 2 buổi/ngày.
Khắc phục tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ xây dựng Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm của các địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương.
Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ lập danh sách mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học. Trên tinh thần kế thừa lại danh mục cũ và có bổ sung, điều chỉnh một số thiết bị dạy học mới. Chẳng hạn như: Bổ sung thêm một số thiết bị dạy về đạo đức lối sống, giáo dục giới tính để chống xâm hại hay dạy về an toàn giao thông... Thiết bị dạy học mới của lớp 1 chú trọng nâng cao chất lượng, để bảo đảm khi các địa phương mua sắm trang thiết bị có thể sử dụng được nhiều năm.
Hà Nội: Chuẩn bị mọi điều kiện đáp ứng quy mô giáo dục lớn nhất cả nước
Năm học này, Hà Nội có 2.746 trường học các cấp với gần 3 triệu học sinh, tăng 40.000 học sinh so với năm học trước. Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.
Trước thềm năm học mới, TP đã xây dựng 67 trường học (34 trường thành lập mới) với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn TP đã cải tạo 407 trường học các cấp với tổng số tiền 5.200 tỷ đồng; mua sắm các trang thiết bị chuẩn bị cho năm học với tổng số tiền hơn 745 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường nghiêm túc rà soát, bổ sung các khâu quản lý cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là việc đưa đón trẻ đến trường.
Ngoài ra, Sở cũng hướng dẫn các trường quản lý thu, chi đầu năm học đúng quy định; công khai đường dây nóng của Sở, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã để phụ huynh phản ánh về việc thu chi không đúng nếu có.
Trong tháng 9-2019, Hà Nội sẽ hoàn thành rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hệ thống trường học; tổ chức tốt lễ khai giảng năm học mới ở các cấp, ngành học. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị thi, tuyển viên chức trên địa bàn.