Từng bước cải tạo cầu Long Biên

Hà Nội đã có 7 cây cầu bắc qua sông Hồng, nhưng duy nhất cầu Long Biên là cây cầu có tuyến đường sắt đi xuyên qua khu phố cổ. Hiện cây cầu trên 100 tuổi đã có biểu hiện xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông.

Mới đây, thông tin Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội thành lập Tổ chuyên gia triển khai hỗ trợ công tác sửa chữa "Dự án Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên" đã gây nhiều chú ý trong dư luận. Đại bộ phận đều ủng hộ chủ trương của Hà Nội và mong muốn cầu Long Biên sớm được cải tạo, sửa chữa.

Theo đó, ông Đỗ Việt Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội được cử làm Tổ trưởng. Thành viên tham gia tổ công tác gồm lãnh đạo các sở, ngành có liên quan và hiệp hội chuyên môn, trong đó có Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Nhiệm vụ của Tổ công tác là phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án "Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên" làm cơ sở để Sở GTVT báo cáo UBND thành phố Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.

Với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà còn là một chứng tích lịch sử gắn liền với Thủ đô suốt nhiều thập kỷ qua.

Với người Hà Nội, cầu Long Biên không chỉ là cây cầu nối hai bờ sông Hồng mà còn là một chứng tích lịch sử gắn liền với Thủ đô suốt nhiều thập kỷ qua.

Được biết, cầu Long Biên, một trong những cây cầu thép lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20, được xây dựng từ năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902, bắc qua sông Hồng. Nó đã chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam. Mặc dù có ý nghĩa lớn như vậy nhưng hiện nay, cầu Long Biên đang rơi vào tình cảnh xuống cấp nghiêm trọng, hằng ngày vẫn phải gồng gánh một tải trọng lớn phương tiện giao thông qua lại.

Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Ga Ngọc Hồi sẽ trở thành đầu mối của 3 tuyến đường sắt: Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ xây dựng hai cầu đường sắt qua sông Hồng và sông Đuống, thay thế cầu Long Biên và cầu Đuống.

Trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của cầu Long Biên, đã có không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa, lịch sử bàn về nội dung này. Cầu Long Biên cũng được nhắc đến nhiều trong các dự án trùng tu, khôi phục nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Cách đây không lâu, Bộ GTVT đề xuất 3 phương án xây mới và sửa cầu Long Biên. Phương án 1: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2: Xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Phương án 3: Xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn... Hiện công tác trùng tu, sửa chữa cầu Long Biên vẫn đang được các ngành chức năng nghiên cứu, xem xét triển khai.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tung-buoc-cai-tao-cau-long-bien-176602.html