Từng bước đưa các chính sách gia đình vào cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng thực hiện các chính sách về an sinh xã hội đối với người dân ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nhất là ở những vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống. Các chủ trương, chính sách này đã được các địa phương cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch thực hiện, trong đó có các nội dung về công tác gia đình với mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân, các gia đình người dân tộc thiểu số đã có những thay đổi nhờ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kết quả này có phần đóng góp đáng kể của những chính sách về công tác gia đình.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc

Trong Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nêu rõ: "Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước". Chỉ thị của Ban Bí thư yêu cầu: "Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".

Ngày 10/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2074/QĐ-TTg Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, cùng với đó là Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030.

Tiếp đó, ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, gồm 06 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Cùng với đó là các Nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các Quyết định liên quan tới lĩnh vực gia đình…

Thực hiện theo các chủ trương, chính sách này, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ 2022-2025, UBND thị xã Hương Trà ban hành Kế hoạch thực hiện với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho đồng bào dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình: phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em; ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Kế hoạch được thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình người dân tộc thiểu số về xây dựng gia đình hạnh phúc; xác định gia đình là môi trường quan trọng trong việc hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người và lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc; là nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc. Góp phần giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, đẩy mạnh về tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc, chú trọng giáo dục giá trị gia đình; xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Và ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa, văn minh nhân loại và các thành tựu của khoa học công nghệ.

Tại tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Cà Mau được áp dụng tại 7 huyện với 65 ấp, khóm, khu vực đặc biệt khó khăn. Trong đó, đối tượng được thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái, nhất là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật...

Triển khai thực hiện kế hoạch, người dân đã được trang bị thêm nhiều kiến thức hữu ích, từ đó có những định hướng lối sống cho thế hệ sau để cuộc sống gia đình ngày càng tốt hơn. Các thành viên tham gia thực hiện chương trình cũng là những nhân tố đắc lực trong việc tuyên truyền cho những người xung quanh cùng hiểu, cùng hành động để góp phần đẩy lùi định kiến giới.

Tại tỉnh Bình Thuận, để giải quyết những khó khăn, bất cập, góp phần rút ngắn khoảng cách, tạo sự bình đẳng về giới, một số giải pháp được chính quyền tập trung triển khai thực hiện như: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tận dụng tốt hơn nữa các nguồn lực, khai thác hợp lý sự đóng góp từ nhân dân cũng như các nhà tài trợ của các tổ chức quốc tế vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh cũng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, nhất là triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện rà soát những hạn chế, bất cập để bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Xây dựng những chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích những phụ nữ, em gái người dân tộc thiểu số chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giỏi trong kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao trình độ… góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Thùy Linh

* Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/tung-buoc-dua-cac-chinh-sach-gia-dinh-vao-cuoc-song-cua-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-20240903133323206.htm