Từng bước hoàn thiện cơ chế chặt chẽ để 'không thể tham nhũng'

Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngày 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022.

Hội nghị đã quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo dõi hội nghị, đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đánh giá cao những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua và mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả trong thời gian tới.

Đảng viên Đỗ Thị Thu Hương, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang cho biết, việc Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 là rất cần thiết để đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Từ đó chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn có ý nghĩa quan trọng tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cũng theo bà Đỗ Thị Thu Hương, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, sau 10 năm hoạt động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ mà trực tiếp, thường xuyên là sự chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và nhà nước. Cùng với đó là sự gương mẫu, "nói đi đôi với làm" của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm.

Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” đã được tập trung chỉ đạo điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai, kể cả cán bộ cao cấp, đương chức hay nghỉ hưu với phương châm "không dừng, không nghỉ", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

So sánh kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm vừa qua với thời gian trước đó, ông Nguyễn Đức Hiền, cán bộ hưu trí, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang cho rằng, từ năm 2013 đến nay, công tác xây dựng, hoàn thiện, hình thành được thể chế về phòng, chống tham nhũng và quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng được quan tâm, chú trọng, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”.

Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được ban hành và tổ chức thực hiện quyết liệt, đi vào cuộc sống, vừa có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, vừa là căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm, tham nhũng.

Tệ nạn tham nhũng đang "từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm", góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Đức Hiền, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện nghiêm, nhất quán quan điểm Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đúng cán bộ; thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa biến chất, vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật nhà nước...

Quang Cường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tung-buoc-hoan-thien-co-che-chat-che-de-khong-the-tham-nhung-20220630160128218.htm