Từng bước khẳng định năng lực của kinh tế tập thể
Những năm gần đây, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, số lượng HTX được thành lập mới ngày càng nhiều, thể hiện được vai trò trong liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, để kinh tế tập thể phát triển một cách bền vững, từng bước khẳng định năng lực, cần sự trợ lực rất lớn từ các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.
Trứng gà của Công ty TNHH TaFa Việt Đức Linh. ảnh: N.Lân
Chuyển biến tích cực
Theo Liên minh HTX tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 204 HTX, 2 liên hiệp HTX và 5.124 tổ hợp tác. Trong 204 HTX có 156 HTX thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 10 HTX thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; 10 HTX thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ; 3 HTX thuộc lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; 25 quỹ tín dụng nhân dân. Tổng nguồn vốn hoạt động của HTX khoảng 3.180 tỷ đồng. Các HTX nông nghiệp đã từng bước xác định hướng đi trong xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản. Các quỹ tín dụng nhân dân cũng có sự tăng trưởng ổn định, nguồn vốn vay từ các quỹ tín dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của các thành viên. Hầu hết các HTX được thành lập dựa trên 2 mục tiêu kép, đó là tiền đề trong xây dựng nông thôn mới và đứng ra huy động nhân dân trong việc tổ chức sản xuất, tạo đầu ra cho nông sản địa phương.
Thời gian qua, các HTX từng bước xây dựng mô hình, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như HTX muối Thanh Phong áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong sơ chế muối; HTX dịch vụ sản xuất Hàm Minh 30, HTX Thanh long Hòa Lệ, HTX Thanh long Thuận Tiến trồng thanh long theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; HTX Thanh Bình trồng thanh long theo quy trình VietGAP cấp độ chuẩn riêng của hợp tác xã theo hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế… Ngoài ra, một số HTX nông nghiệp đã áp dụng công nghệ nhà lưới và hệ thống điều khiển bán tự động trong sản xuất. Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng HTX nông nghiệp ở các huyện miền núi ngày càng phát triển cả về lượng lẫn chất. Điều này tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân vùng cao về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị…
Sản xuất thanh long đạt chuẩn của HTX Thanh Bình. Ảnh: N.Lân
Cần trợ lực
Mặc dù số lượng HTX có tăng về số lượng và chất lượng, nhưng so với các HTX được thành lập trước đây thì số lượng thành viên tham gia còn rất ít. Nguyên nhân là do sức hấp dẫn của HTX đối với người dân chưa cao. Các cấp, ngành và chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến sự phát triển của HTX. Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các cấp chưa đầy đủ. Từ đó, thiếu quan tâm chỉ đạo, quản lý điều hành để phát triển kinh tế tập thể. Một số nơi, người dân chưa thấy được lợi ích khi tham gia HTX, vẫn còn tâm lý hoài nghi, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể còn thiếu, thực hiện công tác kiêm nhiệm và chưa được đào tạo bài bản, nên chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu một cách sâu kỹ về mô hình, bản chất và hoạt động của HTX.
Trong khi đó, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh tế tập thể còn nhiều bất cập, chưa đi sâu vào thực tiễn. Một trong những rào cản lớn nhất của các HTX mới thành lập là thiếu vốn, thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất... Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn ngân hàng của HTX nông nghiệp vẫn là bài toán khó giải. Vì vậy, để tạo tiền đề cho HTX phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực trong tư duy làm kinh tế của HTX, Nhà nước cần có chính sách về vốn cho HTX. Ngoài ra, đa số các HTX không đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; một số chính sách chậm ban hành văn bản hướng dẫn như: chính sách hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp đến gần 2 năm sau mới có Thông tư hướng dẫn thực hiện.
Vì thế, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể, HTX theo hướng tập trung, tránh dàn trải, phân bố nguồn lực, nhất là các chính sách hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường... Từng bước tháo gỡ những bất cập, chồng chéo sẽ chứng minh rằng kinh tế tập thể, HTX có nội lực vô cùng lớn và những đóng góp của hoạt động kinh tế tập thể không hề nhỏ so với khu vực kinh tế tư nhân.