TỪNG BƯỚC MỞ RỘNG DIỆN BAO PHỦ ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Theo Chương trình dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Quan tâm tới quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tại Phiên họp thứ 7 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần thiết kế các gói bảo hiểm xã hội linh hoạt phù hợp với từng đối tượng đồng thời đảm bảo tính khả thi của quy định.

Phiên họp thứ 7 "Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)"

Phiên họp thứ 7 "Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)"

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. Một trong những điểm mới của dự thảo luật lần này là quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Quan tâm tới quy định tại Dự thảo, TS. Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho biết, hiện tại mới có 17,50 triệu người, chiếm 38% số người trong lực lượng lao động tham gia BHXH còn 62,5% số người trong độ tuổi lao động chưa tham gia. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa XI cũng đã đặt ra chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện và đến Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 cũng tiếp tục đặt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia thời gian qua gặp nhiều thách thức do sự phát triển của thị trường lao động, chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng do tác động của chiến tranh, dịch bệnh, sự hồi phục của các nền kinh tế lớn chậm, sự cạnh tranh giữa các nước, các khu vực có xu hướng ngày càng tăng; số người lĩnh BHXH một lần và rời khỏi hệ thống gia tăng mạnh trong các năm gần đây; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên cũng làm hạn chế sự phát triển của khu vực chính thức.

TS. Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội

TS. Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội

Cho rằng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH là thách thức lớn nhất trong các lần sửa đổi luật gần đây, TS. Phạm Minh Huân nhấn mạnh, việc sửa đổi bổ sung Luật BHXH lần này phải tập trung các quy định để mở rộng độ bao phủ, tăng nhanh các đối tượng tham gia BHXH. Cụ thể là: các giải pháp để phát triển việc làm khu vực thị trường lao động chính thức để hút lao động phi chính thức sang; đưa một số đối tượng khu vực phi chính thức vào diện tham gia BHXH; hạn chế rút BHXH một lần; nghiên cứu lộ trình, chính sách đưa lao động khu vực phi chính thức vào diện tham gia BHXH.

Đánh giá việc Dự thảo đưa 3 nhóm đối tượng là hộ kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã không hưởng lương tham gia BHXH bắt buộc là những quy định hợp lý phù hợp với điều kiện thực tiễn, tuy nhiên, TS. Phạm Minh Huân cho rằng, khi thực hiện cũng sẽ có khó khăn nhưng vì mục tiêu mở rộng độ bao phủ nên cần có kế hoạch, lộ trình, giải pháp để tổ chức thực hiện và phải kiên quyết thực hiện cho bằng được. Ngoài các đối tượng nêu trên, cũng cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước để tiếp tục đưa dần số đối tượng còn lại tham gia BHXH hoặc thiết kế các gói BHXH phù hợp với khu vực này.

Nêu quan điểm về nội dung này, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ Luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc của Nghị quyết 28. Tuy nhiên, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật

PGS. TS Đinh Dũng Sỹ, Chuyên gia pháp luật

Nhấn mạnh thách thức ở khâu tổ chức thực thi, PGS. TS Đinh Dũng Sỹ lưu ý, cần phải có các giải pháp mới trong tổ chức thực hiện thì mới đem lại hiệu quả: đó là trách nhiệm, là quy trình, thủ tục của các cơ quan triển khai chính sách. Đặc biệt là các thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản, thậm chí cơ quan BHXH khi triển khai BHXH đến các đối tượng này phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở theo phương châm “đến từng nhà, rà từng đối tượng” mới mong có kết quả.

Ngoài vấn đề trách nhiệm của cơ quan BHXH, quy trình, thủ tục đơn giản, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng này. Chính sách nào thì cần thiết kế phù hợp để các đối tượng này nhận thấy sự hấp dẫn của việc tham gia BHXH bắt buộc. Đồng thời, cũng có thể thiết kế một chính sách BHXH bắt buộc linh hoạt đối với các đối tượng này theo nguyên tắc “đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều”. Tức là, đưa ra nhiều mức đóng tương ứng với các chế độ thụ hưởng khác nhau để học lựa chọn tùy theo khả năng đóng của mỗi người.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, mục tiêu của NQ 28/TW là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân do đó việc quy định đối tượng phải linh hoạt. Trong đó, phải quan tâm khuyến khích và có chính sách để 02 nhóm hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh phải đăng ký hộ kinh doanh và Hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh; trong đó, đặc thù của hộ không phải đăng ký kinh doanh là các hộ hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định, có thu nhập thấp.

TS. Bùi Sỹ Lợi dẫn chứng, theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, lần này quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến;..

Cũng theo TS. Bùi Sỹ Lợi cần hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh). Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81202