Từng bước nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống cháy nổ

Nhằm chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy, các cơ quan chức năng đã ban hành, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tế. Trong đó tập trung tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho người dân; đặc biệt là thành lập các mô hình nhằm phát huy phương châm '4 tại chỗ' trong công tác này.

Từng bước nâng cao ý thức của người dân

Để từng bước nâng cao ý thức của người dân, chủ doanh nghiệp trong công tác PCCC, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH Công an (CA) tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống cháy, nổ; huy động lực lượng tổ chức ứng trực, sẵn sàng chiến đấu…

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho giáo viên, học sinh trường Tiểu học - Trung học cơ sở Petrus Ký (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: TÂM TRANG

Nói về công tác này, Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CA tỉnh, cho rằng xác định công tác tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC là một biện pháp trọng tâm, những năm qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường các phương pháp, biện pháp, đổi mới nội dung, hình thức và tư duy trong tuyên truyền về PCCC.

Xác định người dân là trung tâm trong công tác PCCC

“Trong công tác PCCC&CNCH, phải xác định lấy người dân là trung tâm và chủ thể, là nguồn động lực và động lực của công tác này. Mọi hoạt động của cảnh sát PCCC&CNCH phải bảo đảm các quyền lợi cho người dân, có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; an toàn xã hội của đất nước.

Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính; huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” - 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân - chỉ huy ở trong dân”.

(Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh)

Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH CA tỉnh luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể tuyên truyền kiến thức về PCCC trên các phương tiện truyền thông. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền về PCCC. Hàng năm, chỉ đạo tổ chức hưởng ứng tích cực “Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động”. Đặc biệt là tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC 4-10” trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Tùng, công tác PCCC là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bởi PCCC tốt giúp hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra cũng như thiệt hại do cháy gây ra. Vì vậy thời gian tới, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH đến người dân. Đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về công tác PCCC&CNCH đối với đường đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia PCCC&CNCH”.

Nhiều mô hình hay

Có thể thấy, thời gian qua phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều mô hình ra đời và đã phát huy được hiệu quả, như: Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự và PCCC; Tổ Liên gia an toàn PCCC…

Nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH, chủ động phòng ngừa và sẵn sàng chữa cháy khi sự cố cháy, nổ xảy ra; nêu cao tính “gương mẫu, đi đầu” của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ CA tỉnh, vừa qua, CA tỉnh cũng đã phát động phong trào “Mỗi gia đình cán bộ, chiến sĩ CA tỉnh thực hiện bảo đảm an toàn về PCCC&CNCH”. Theo đó, đại diện CA các đơn vị, địa phương đã tổ chức ký cam kết bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC&CNCH tại đơn vị, địa phương mình. Dịp này, đại diện Ban Giám đốc CA tỉnh đã trao tặng phương tiện chữa cháy, CNCH cho CA các đơn vị, địa phương.

Công tác tuyên truyền, trang bị kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ cho người dân luôn được chú trọng thời gian qua. Trong ảnh: Cư dân khu chung cư tại TP.Dĩ An tham gia thực tập xử lý tình huống cháy nổ

Trong khi đó, để tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa về cháy, nổ và sự cố, tai nạn trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1- 2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với cháy, nổ và các sự cố, tai nạn” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch này có những nội dung trọng tâm, như: Tổ chức phát động phong trào “Toàn dân chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với cháy, nổ và các sự cố, tai nạn” trên địa bàn tỉnh với phương châm: Từng nhà an toàn - từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường, thị trấn an toàn; phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động và phát động cán bộ, đảng viên, công nhân viên thuộc các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về PCCC&CNCH. Chủ động tìm hiểu học tập các kiến thức, kỹ năng thoát nạn, PCCC&CNCH. Trang bị dụng cụ, phương tiện cần thiết nhằm bảo đảm công tác chữa cháy và CNCH khi sự cố, cháy, nổ xảy ra. Phấn đấu tối thiểu 1 hộ gia đình có ít nhất 1 người được huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng về PCCC&CNCH.

Trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 167 vụ cháy, trong đó có 4 vụ cháy lớn, 11 vụ cháy trung bình và 152 vụ cháy nhỏ, sự cố cháy cỏ, rác, điện.... khiến 1 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 137 tỷ đồng.

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tung-buoc-nang-cao-y-thuc-trong-cong-tac-phong-chong-chay-no-a306769.html