Từng bước nhỏ cẩn trọng
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu mạnh tay hơn trong việc nới lỏng các chính sách Zero-Covid. Đây được đánh giá là một trong bước quan trọng để mở cửa trở lại và hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế của đất nước.
Những thay đổi trong chính sách Zero-Covid
Tại cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan cho biết, việc biến chủng Omicron đang suy yếu, cùng với độ phủ tiêm vaccine và kinh nghiệm phòng chống dịch tích lũy thời gian qua, Trung Quốc đang đứng trước một tình huống mới và những nhiệm vụ mới. Các hướng dẫn mới sẽ giữ nguyên một số biện pháp hạn chế nhưng phần lớn sẽ loại bỏ hệ thống mã y tế yêu cầu mọi người phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính để thực hiện các hoạt động tại nơi công cộng.
Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã sử dụng mã sức khỏe trên điện thoại di động (quét mã QR) để theo dõi tình trạng sức khỏe của các cá nhân. Màu của các mã gồm: đỏ, hổ phách hoặc xanh lục - quyết định liệu người dùng có thể ra khỏi nhà, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đi vào những nơi công cộng hay có khả năng cần phải cách ly hay không. Theo những thay đổi mới, người dân sẽ có thể vào hầu hết các địa điểm mà không có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc mã số sức khỏe của họ. Chỉ một số trường hợp ngoại lệ vẫn yêu cầu kiểm tra này, bao gồm viện dưỡng lão, cơ sở y tế và trường trung học. Đây là một động thái quan trọng sau gần ba năm đời sống của người dân Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Một thay đổi lớn khác, những bệnh nhân mắc Covid mà không có triệu chứng hoặc những người có triệu chứng nhẹ sẽ được phép cách ly tại nhà thay vì được đưa đến cơ sở Chính phủ, trừ khi họ có lựa chọn khác. Những bệnh nhân có tình trạng xấu đi sẽ được chuyển đến bệnh viện để điều trị, và những người tiếp xúc gần cũng có thể cách ly tại nhà. Trong suốt đại dịch, người dân Trung Quốc đã phản ánh sự hỗn loạn, căng thẳng khi phải vào những nơi cách ly vì tình trạng quá đông đúc hoặc tồi tệ. Còn một số trường hợp ngoại lệ vẫn yêu cầu kiểm tra, bao gồm viện dưỡng lão, cơ sở y tế và trường trung học. Một số báo cáo cho biết thêm, các doanh nghiệp hiện có thể tiến hành các chính sách phòng ngừa và kiểm soát của riêng họ.
Các hướng dẫn khác cũng được công bố bao gồm bỏ chặn lối thoát hiểm và lối vào các tòa nhà và chống lại việc phong tỏa kéo dài. Các khu vực không được coi là có rủi ro cao không nên hạn chế người dân đi lại hoặc đóng cửa các doanh nghiệp. Lệnh phong tỏa chỉ được phép thực hiện ở các “khu vực có nguy cơ cao” và nên dỡ bỏ lệnh ngay lập tức nếu không có trường hợp mới nào ghi nhận trong 5 ngày liên tiếp. Đồng thời, bảo đảm hoạt động bình thường của xã hội và các dịch vụ y tế cơ bản như các hiệu thuốc không được hạn chế bán thuốc ho, thuốc kháng virus và thuốc hạ sốt không kê đơn.
Những thay đổi chính sách được đưa ra sau nhiều ngày biểu tình khắp các thành phố lớn từ Bắc Kinh, Thượng Hải đến Quảng Châu và Urumqi, và nhiều cuộc biểu tình nhỏ lẻ trong các cộng đồng dân cư bị phong tỏa, khi đất nước tiếp tục phải chiến đấu với đợt bùng phát lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch ba năm trước. Trước đó, nhiều thành phố của Trung Quốc cũng đã dỡ bỏ một số lệnh hạn chế. Cụ thể, thành phố Urumqi, thủ phủ Tân Cương đã mở lại các trung tâm thương mại, chợ, nhà hàng và các địa điểm khác từ hôm 5.12, chấm dứt tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt sau nhiều tháng.
Sự cẩn trọng được đặt lên hàng đầu
Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh chính sách này không phải là buông bỏ hoàn toàn mà không có biện pháp phòng ngừa, đây là một sự tự do hóa chủ động. Những biện pháp nới lỏng được đưa ra dựa trên các đặc điểm của chủng virus đang lưu hành hiện nay, ít khả năng gây bệnh hơn. Thêm vào đó, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục “thực hiện các bước nhỏ” và cải thiện chính sách một cách hợp lý nhất. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cho biết, nhiều khả năng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ chỉ bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4.2023, sau mùa cúm và phiên họp thường niên của Quốc hội nước này bắt đầu vào ngày 5.3.2023. Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang dần nới lỏng nhiều biện pháp chống dịch trong mùa đông, nhưng đây cũng là thời điểm trùng với mùa cúm, vì vậy kế hoạch có thể diễn ra muộn hơn dự tính.
Biến thể Omicron hiện đã nhẹ hơn so với các chủng trước đó và tỷ lệ tiêm chủng chung của Trung Quốc cao, nhưng ngay cả một số ít trường hợp nghiêm trọng ở các nhóm dễ bị tổn thương và chưa được tiêm phòng đầy đủ như người già cũng có thể khiến các bệnh viện nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải nếu số ca nhiễm tăng đột biến trên khắp đất nước. Khi các hạn chế được nới lỏng và virus sẽ lây lan mạnh mẽ trên khắp đất nước, Trung Quốc có thể sẽ phải trải qua giai đoạn khủng hoảng khi các ca nhiễm bệnh nặng, tử vong gia tăng, gây căng thẳng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe như đã thấy ở những quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong có thể giảm xuống mức của bệnh cúm mùa, nếu hầu hết người cao tuổi được tiêm vaccine và thuốc kháng virus được sử dụng rộng rãi. Tháng trước, Trung Quốc đã công bố danh sách các biện pháp nhằm củng cố hệ thống y tế chống lại Covid-19, trong đó bao gồm chỉ thị tăng cường tiêm chủng cho người cao tuổi, dự trữ thuốc kháng virus và thiết bị y tế, đồng thời củng cố năng lực chăm sóc các ca nhiễm nặng. Việc giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất trong quá trình chuyển đổi từ Zero-Covid sang "bình thường mới" phụ thuộc vào sự chuẩn bị của Trung Quốc. Nếu họ đã sẵn sàng, sẽ không có quá nhiều lo ngại như các dự báo trước đó.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế
Việc Trung Quốc kiên quyết thực hiện chính sách Zero-Covid trong 3 năm qua với nỗ lực giữ cho số ca nhiễm bệnh ở mức thấp, nhưng đồng thời cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước này vì những gián đoạn do phong tỏa và các hạn chế di chuyển khác. Theo thống kê, xuất khẩu trong tháng 11 giảm 8,7% so với một năm trước đó, đánh dấu kết quả tồi tệ nhất kể từ tháng 2 năm 2020.
Trong một cuộc họp cấp cao do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì hôm 6.12, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì chính sách tài khóa tích cực, tìm kiếm sự tăng trưởng trong khi ưu tiên sự ổn định, chính sách tiền tệ thận trọng và thúc đẩy niềm tin của thị trường. Đồng thời cũng đề cập đến các chính sách cho công nghệ tự lực. Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, tiêu dùng sẽ phục hồi vào năm 2023 nhưng có thể sẽ không có bước nhảy vọt nào do tăng trưởng tiền lương trong lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại do nguy cơ suy thoái ở Mỹ và châu Âu trong nửa đầu năm tới. Tóm lại, tăng trưởng kinh tế trong tháng 12 và tháng 1 sẽ không quá ấn tượng, mặc dù chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ cải thiện theo quý từ - 0,4% năm nay lên 3,4% trong quý đầu tiên năm 2023.
Các nhà kinh tế kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ đặt mục tiêu GDP ít nhất 5% vào năm 2023, khi họ tập trung vào sự phục hồi kinh tế của đất nước trong khi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Covid-19. Bắc Kinh sẽ tìm cách xoay chuyển nền kinh tế đang "khập khiễng" và theo đuổi tăng trưởng trở lại trong năm tới. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu toàn cầu đã kéo dài đợt phục hồi dài nhất kể từ trước đại dịch khi các nhà đầu tư hoan nghênh các động thái nới lỏng chính sách Zero- Covid của Trung Quốc và kỳ vọng vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng này. Được biết, trái phiếu phát hành bằng đồng đô la của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cũng tăng giá.