Từng bước thích ứng an toàn với dịch
So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, dịch Covid-19 tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị bùng phát muộn hơn nhưng diễn biến phức tạp không kém. Sau bốn tuần huy động tổng lực chống dịch, với cách tiếp cận chủ động, linh hoạt, hai tỉnh cơ bản đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, các 'vùng xanh' dần mở rộng và đang chuyển dần sang trạng thái 'bình thường mới'.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã gặp những khó khăn nhất định, song nhờ biết huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc với quyết tâm cao, vận dụng hiệu quả kinh nghiệm chống dịch của các địa phương cho nên không bị động trước mọi tình huống.
Phản ứng phải nhanh hơn diễn biến dịch
Trước ngày 24/8, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Vào 15 giờ ngày 24/8, một ngư dân ở xã Hải Phú, huyện Bố Trạch dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, khởi đầu của hai ổ dịch cảng cá Nhật Lệ và chợ cá Đồng Hới. Chỉ hai ngày sau đó, toàn tỉnh ghi nhận 118 ca, trong đó có 112 ca cộng đồng. Đây là con số gây hoang mang trong nhân dân địa phương. Ngay lập tức Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình họp khẩn, quyết định áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn TP Đồng Hới, huyện Bố Trạch và một số xã, thị trấn tại huyện Quảng Ninh. Chiến dịch thần tốc test nhanh, xét nghiệm RT-PCR được triển khai. Nhận thấy dấu hiệu dịch “nóng” lên từng ngày, Viện Pasteur Nha Trang khẩn trương cử đoàn cán bộ hỗ trợ Quảng Bình đẩy nhanh công tác xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện F0 trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch các cấp kích hoạt chế độ trực chỉ đạo chống dịch 24/24 giờ. Trên cơ sở dự báo số ca lây nhiễm từ ổ dịch cảng cá Nhật Lệ khoảng 1.000 đến 1.500 ca, tỉnh Quảng Bình quyết định trưng dụng, chuyển đổi Trường cao đẳng Luật miền trung tại TP Đồng Hới thành cơ sở cách ly tập trung và điều trị bệnh nhân với 650 giường bệnh. Các Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, đa khoa TP Đồng Hới và khách sạn Phú Quý được chuyển đổi thành các cơ sở điều trị cho người bệnh theo tháp ba tầng của Bộ Y tế. Quảng Bình đã lập 35 khu cách ly tập trung cấp tỉnh, huyện, xã và cho phép cách ly tập trung có trả phí tại các khách sạn, resort. Các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng ở cấp độ cao hơn với yêu cầu “ai ở đâu, ở yên đó”; tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngoại trừ doanh nghiệp cung cấp các mặt hàng thiết yếu; lập các tổ, nhóm đi chợ, giao hàng hộ, kết nối việc mua, bán hàng nông sản từ trang trại đến người tiêu dùng...
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, để ứng phó với dịch, tỉnh thực hiện các biện pháp với tinh thần dịch diễn biến nhanh, phản ứng phải nhanh hơn. Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh rà soát, đánh giá tình hình, chỉ đạo thực hiện khoanh vùng chính xác, xét nghiệm thần tốc, sàng lọc F0. Toàn tỉnh có 38 ổ dịch, các vùng nguy cơ cao được xác định và khóa chặt, không có ca lây nhiễm mới ngoài khu vực đã khoanh vùng. Nhận thấy khó khăn trong công tác xét nghiệm, tỉnh kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ thêm ba hệ thống máy xét nghiệm hiện đại, nâng cao năng lực xét nghiệm đạt quy mô 40.000 đến 50.000 mẫu/ngày. Các “vùng đỏ” được xét nghiệm 3 đến 5 lần, tần suất 3 lần/tuần
để phát hiện F0 trong cộng đồng. Tỉnh đầu tư hệ thống máy thở, máy lọc máu hiện đại, nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt cho bệnh nhân ở tầng ba. Ngành y tế huy động gần 1.000 y sĩ, bác sĩ, nhân viên tham gia chống dịch, trong đó có nhiều y sĩ, bác sĩ nghỉ hưu tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch. UBND tỉnh đã tăng cường chế độ dinh dưỡng cho bác sĩ và bệnh nhân từ 80.000 đồng lên 130.000 đồng/người/ngày.
Cũng như Quảng Bình, dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng ngay tại TP Đông Hà, trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh Quảng Trị. Từ 16/9 đến nay, tại TP Đông Hà ghi nhận gần 50 trường hợp dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 ở 6 trong số 9 phường của thành phố. Tính từ 30/4 đến nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 200 ca bệnh. Ngày 16/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Võ Văn Hưng ký quyết định giãn cách xã hội toàn TP Đông Hà theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Các cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến. Ngành y tế thần tốc triển khai xét nghiệm nhằm sớm phát hiện, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị. Công tác an sinh xã hội được chăm lo kịp thời, đầy đủ. Với các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhanh chóng và hiệu quả, dịch Covid-19 ở TP Đông Hà đã qua đỉnh, số ca dương tính giảm dần.
Thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”
Với phương châm “phòng là cơ bản, chống là lâu dài”, việc xét nghiệm tăng cường ở các xã “vùng đỏ” nhằm phát hiện các F0 trong cộng đồng tiếp tục được các tỉnh đẩy mạnh. Tại Quảng Bình, công tác điều trị, đạt kết quả tích cực, số bệnh nhân xuất viện ngày càng tăng, cao điểm có ngày hơn 100 trường hợp xuất viện; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong. Đến ngày 27/9, có 1.133 người khỏi bệnh, hiện các cơ sở y tế đang điều trị cho 504 bệnh nhân. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định kết thúc chuyển đổi công năng thực hiện nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Đồng Hới để trở lại thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Từ ngày 22/9, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình quyết định chuyển trạng thái toàn tỉnh thực hiện theo Chỉ thị 19, chỉ còn một xã, một số tổ dân phố và khu dân cư giãn cách theo Chỉ thị 15 hoặc theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các chốt kiểm soát được dỡ bỏ, toàn tỉnh bước sang trạng thái “bình thường mới” với mức phòng ngừa nâng cao. Đặc biệt, với kinh nghiệm đã tích lũy, ngành y tế tỉnh đang hỗ trợ thị xã Ba Đồn trong truy vết, xét nghiệm thần tốc, sớm khống chế ổ dịch tại đây. Song song với công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, đời sống, sản xuất của doanh nghiệp, nhân dân để điều chỉnh các biện pháp phù hợp. Với phương châm “ba tại chỗ” và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều nhà máy, công trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Quảng Bình chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Đối với tỉnh Quảng Trị, trong hơn 200 ca bệnh, có 133 ca được xuất viện. Theo kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 của UBND tỉnh Quảng Trị thì tình hình dịch bệnh của tỉnh hiện ở cấp độ 1, các ổ dịch khu trú, chưa lây lan rộng trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, hiện địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong quá trình nỗ lực không ngừng để phòng, chống dịch bệnh, tiến đến thích ứng an toàn với dịch Covid-19, ngành y tế của tỉnh đã khẳng định sự chủ động trong chuyên môn và trách nhiệm cao trong tham mưu và tổ chức phòng, chống dịch.
Vấn đề khó nhất của các tỉnh hiện nay là được phân bổ số lượng vắc-xin ít. Hiện, tỉnh Quảng Bình có hơn 161.000 người được tiêm vắc-xin mũi 1 và 52.100 người tiêm đủ hai mũi. Tỉnh Quảng Trị mới chỉ có hơn 30.000 người tiêm mũi 1, hơn 40.000 người tiêm đủ hai mũi. Cùng với đó, các tỉnh đang thiếu hệ thống máy móc hiện đại điều trị bệnh...
Sau bốn tuần quyết liệt phòng, chống dịch, “vùng xanh” đã trải rộng trên khắp hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước trở lại “bình thường mới”. Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, duy trì được sự phát triển kinh tế - xã hội khi các địa phương còn hạn chế về nguồn lực và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, Chính phủ, Bộ Y tế cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho hai tỉnh về vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc men ■
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/tung-buoc-thich-ung-an-toan-voi-dich-667172/