Từng bước xanh hóa Du lịch Việt Nam
UNDP Việt Nam cho rằng để xanh hóa ngành du lịch hướng đến phát triển bền vững, Việt Nam cần cần tập trung vào Quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả; Du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên'...
Theo Cục Du lịch quốc gia, năm 2019 - năm hoàng kim của du lịch Việt, tổng thu từ du lịch đạt hơn 726.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP cả nước.
Theo đánh giá của UNDP, du lịch Việt Nam đạt được những thành công này phần lớn là nhờ vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch thế giới tăng cường xu hướng trải nghiệm gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa thì yêu cầu về một ngành du lịch xanh là yếu tố tiên quyết để hút khách du lịch quốc tế.
Tại Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững 2024 do Hiệp Hội du lịch Việt Nam và Cục Du lịch Quốc gia tổ chức, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam, cho rằng đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất mát đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc ngành du lịch chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu.
4 VẤN ĐỀ CỐT LÕI ĐỂ DU LỊCH VIỆT NAM XANH
Chia sẻ quan điểm của UNDP về quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam, vị Phó Trưởng đại diện UNDP Việt Nam cho rằng Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề sau: Quy hoạch xanh; Quản lý điểm đến hiệu quả; Du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp và Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu mang tính chất tiên quyết của Quy hoạch xanh với quá trình xanh hóa ngành du lịch, Phó Trưởng đại diện, UNDP Việt Nam, cho rằng “khi chúng ta bắt đầu hành trình hướng tới một tương lai xanh hơn, điều quan trọng là phải bắt đầu với quy hoạch “xanh””.
“Trong quy hoạch quốc gia cần định hướng cho phát triển du lịch xanh, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch ít tác động tới môi trường và thiên nhiên, đảm bảo quản lý chất thải rắn và nước thải hiệu quả, cùng nhiều vấn đề khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở những địa điểm nhạy cảm về mặt sinh thái như các khu bảo tồn biển và vườn quốc gia như Việt Nam”.
Thứ 2, để Quản lý điểm đến hiệu quả đại diện UNDP Việt Nam cho rằng cần có sự tham gia của chính quyền địa phương và Việt Nam vẫn còn có nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch.
“Theo quan điểm của chúng tôi, quản lý điểm đến là một quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương. Quá trình này có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương, để cho tiếng nói và quan điểm họ được lắng nghe và tiếp nhận khi quản lý du lịch”.
Bởi lẽ, bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý điểm đến hiệu quả, chúng ta có thể đưa ra các quy định quan trọng về hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện, để đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng trải nghiệm tích cực cho du khách về mặt tổng thể.
"Hơn nữa, cách tiếp cận này cho phép chúng ta xác định và tận dụng các tài sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo của từng địa phương, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch mang tính bản sắc cho từng vùng", ông Patrick Haverman nhận định.
Tiếp đó, ông Patrick Haverman cho rằng trong trong cam kết hướng tới một tương lai xanh hơn, cần bắt tay vào hành trình hướng tới một môi trường du lịch không có rác thải nhựa và carbon thấp.
Được biết, mới đây Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và UNDP đã cùng nhau bắt tay vào thực hiện dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam” với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy giảm thiểu và quản lý rác thải nhựa từ du lịch.
Hướng tới mục tiêu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong du lịch, dự án sẽ xây dựng các tiêu chỉ rõ ràng để công nhận các đơn vị có các thực hành tốt, xây dựng ứng dụng di động để quản lý và giám sát rác thải nhựa. Dự án cũng tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp du lịch cũng như hỗ trợ triển khai các kế hoạch hành động mạnh mẽ nhằm hạn chế rác thải nhựa trong ngành.
Ngoài giảm thiểu rác thải nhựa, Dự án trên cũng sẽ chú trọng tới mục tiêu thúc đẩy giao thông xanh vì cho rằng lĩnh vực này cũng có tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch xanh. Việc khuyến khích giao thông xanh trong du lịch sẽ cung cấp thêm các phương tiện giao thông linh hoạt và thân thiện với môi trường cho khách du lịch tại các điểm đến.
“Sáng kiến này sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí tại địa phương và thúc đẩy các đóng góp của ngành du lịch cho các cam kết của chính phủ trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng không.” ông Patrick Haverman nhận định.
Cuối cùng, cần phải thực hiện mục tiêu Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Tuy nhiên, ông Patrick Haverman cũng lưu ý là “việc triển khai du lịch dựa vào thiên nhiên một cách bền vững sẽ đòi hỏi việc lập kế hoạch tỉ mỉ và cân nhắc kỹ lưỡng”.
Cụ thể là cần phải có các đánh giá tác động tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái mong manh trong các khu bảo tồn này. Đồng thời cũng cần đảm bảo rằng mọi hoạt động du lịch đều phù hợp với mục tiêu bảo tồn, tăng cường thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch địa phương hơn nữa, như vậy mới có thể thúc đẩy cả bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế xã hội.
Theo đại diện UNDP, đó chính là lý do tổ chức này đã phối hợp với các đối tác Việt Nam bao gồm Bộ Tài nguyên Môi trường , Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 2 tỉnh Quảng Bình, Ninh Thuận triển khai dự án “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch dựa vào thiên nhiên có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam."
“Chúng tôi sẽ tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư tư nhân cho du lịch dựa vào thiên nhiên thông qua các quan hệ đối tác công-tư; đánh giá sức chịu tải du lịch của các vườn quốc gia, khu bảo tồn; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng; thiết lập các thỏa thuận chia sẻ lợi ích công bằng và thúc đẩy sự thay đổi thái độ và hành vi của xã hội theo hướng tích cực đối với du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên”, Phó trưởng dại diện Patrick Haverman chia sẻ về mục tiêu của dự án.
Đồng thời, đại diện UNDP cho biết tổ chức này cũng sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh.
TỪNG BƯỚC TRIỂN KHAI XANH HÓA DU LỊCH
Ý thức rất sớm được những ảnh hưởng tiêu cực của môi trường đến phát triển du lịch, từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa”. Phong trào này đã được một số doanh nghiệp du lịch, địa phương trong cả nước hưởng ứng và đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.
Đã có 5 khách sạn 5 sao của Việt Nam gồm: Sofitel Legend Metropole Hanoi, Ana Mandara Cam Ranh; Majestic Sài Gòn; Diamond Star Bến Tre; Salinda Resort Phu Quoc Island thắng giải Khách sạn Xanh Asean của Giải thưởng du lịch ASEAN. Ngoài ra, 2 khách sạn thuộc tập đoàn nghỉ dưỡng Movenpick tại Hà Nội và Sài Gòn cũng là những khách sạn đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng chỉ uy tín của dự án toàn cầu “Hành tinh xanh”.
Nhiều địa phương đã hướng đến du lịch xanh phát thải bằng 0 nhiều năm nay như: Hội An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Sapa...
Về mặt chủ trương chính sách, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia sớm quan tâm tới việc xanh hóa ngành du lịch. Trong Quyết định 882/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, Thủ tướng đã chỉ đạo “ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh”.
Mới đây nhất, tháng 5/2023 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đã chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng và triển khai chương trình hành động Du lịch xanh giai đoạn 2023 -2025. Như vậy yêu cầu chuyển đổi xanh trong du lịch luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm chỉ đạo và khuyến khích triển khai.
Để thúc đẩy phát triển Du lịch xanh, từng bước đưa Du lịch xanh vào cuộc sống, từ Hội chợ VITM Hà Nội 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn chủ đề “Du lịch xanh”hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; Xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp,...); Phát triển ộng dọn rác thải ở các điểm du lịch...
VITM Hà Nội 2024 lại tiếp tục nhấn mạnh vào “Du lịch xanh” với chủ đề Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”.
Việt Nam đã bắt đầu quá trình “xanh hóa” du lịch từ nhiều năm nay, phố cổ Hội An, Quảng Nam và huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh..v.v là những nơi đang tích cực giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường của địa phương.
Tháng 5 vừa qua, Hiệp hội du lịch Việt Nam đã nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành Bộ tiêu chí Công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa của Việt Nam. Bộ tiêu chí này sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý du lịch địa phương để hoàn thiện và sớm đưa vào triển khai thực hiện.
Với những hành động trên, có thể nói, Du lịch Việt Nam đã từng bước xanh hóa ngành du lịch nhằm khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tung-buoc-xanh-hoa-du-lich-viet-nam.htm