Từng cánh rừng tự nhiên ở Gia Lai – Kon Tum liên tục bị tàn phá
Lợi dụng dịp trước và trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều đối tượng lâm tặc ngang nhiên vào rừng đốn hạ, xẻ hộp hàng chục khối gỗ. Từng cánh rừng tự nhiên trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum – Gia Lai liên tục bị tàn phá, triệt hạ với đủ thủ đoạn.
Ngang nhiên tàn sát rừng biên giới Gia Lai
Theo đó, vào 20h ngày 9/2 (tức đêm 30 Tết) hơn 30 người trú tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông đã ồ ạt kéo vào cánh rừng thuộc địa phận xã Ia Mơ, huyện Chư Prông để phá rừng. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhóm đối tượng đã triệt hạ gần 200 cây gỗ. Để vận chuyển ra khỏi rừng, lâm tặc đã huy động rất nhiều công nông.
Đáng chú ý, khi bị Tổ công tác gồm: Lực lượng xã Ia Mơ, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông và Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Muer yêu cầu dừng hành vi vi phạm và đưa tang vật, phương tiện về UBND xã Ia Mơ làm việc. Nhóm người này đã phản ứng với lực lượng chức năng, liên tục có hành động chống đối, lớn tiếng, đe dọa, đồng thời quay phim, chụp hình cùng nhiều lời lẽ xúc phạm lực lượng chức năng và đưa phương tiện rời khỏi hiện trường.
Tại các lô khoảnh thuộc tiểu khu 1003, lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur quản lý, PV ghi nhận hàng trăm cây gỗ có đường kính lớn bị đốn hạ, đang ứa nhựa nằm ngổn ngang. Để cắt được số lượng gỗ lớn và nhanh chóng trong đêm, các đối tượng đã đánh dấu các cây gỗ đường kính từ 30cm đến 50cm.
Vì vậy, hiện trường để lại là các cây gỗ lớn, kích thước gần như tương đương nhau và thẳng, trải dài trên một tiểu khu rộng lớn. Một số thân gỗ lớn đã được các đối tượng xẻ hộp quy cách.
Ngoài việc khai thác gỗ trái phép, các đối tượng còn ken cây, đốt rừng để lấn chiếm làm rẫy. Hiện trường là cảnh hàng loạt cây có đường kính thân lớn bị cạo lớp vỏ dưới gốc để chết dần. Cánh rừng phòng hộ có trữ lượng gỗ rất lớn này đang dần bị tận diệt bằng đủ hình thức từ khai thác gỗ, ken cây, đốt rừng.
Trước vụ việc trên, Thường trực Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện và Viện KSND huyện phối hợp các đơn vị liên quan để điều tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật. Đồng thời yêu cầu UBND huyện, các ngành chức năng, Đảng ủy xã la Mơ tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên tuyến biên giới…kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm.
Ông Trương Thanh Hà - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nhận định: “Qua vụ việc xảy ra đêm 30 Tết tại huyện Chư Prông, chúng tôi đánh giá rằng đây là sự việc vi phạm có tính tổ chức, bàn bạc tính toán từ trước. Các đối tượng đã tập hợp đông người, lợi dụng đêm giao thừa để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết điều tra, xác minh xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật. Hiện tại vụ việc đã được lãnh đạo các cấp chỉ đạo, giao cho Công an huyện Chư Prông chủ trì, để điều tra, xác minh xử lý”.
Cắt cây lấy gỗ, “dọn” và đốt rừng tự nhiên
Tương tự Gia Lai, trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng liên tục xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật ở huyện Đăk Hà và Kon Plông.
Theo đó, mới đây vào ngày 18/2, Công an huyện Đăk Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản xảy ra tại tiểu khu 324A (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà). Đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng gồm: Phạm Văn Nhuệ (SN 1968); Nguyễn Văn Vụy (SN 1986) cùng trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà; A Nghiệp (SN 2000, thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô, Kon Tum); A Tuyếng (SN 1993, trú tại thôn Kon Teo Đăk Lấp - xã Đăk Long) và Nguyễn Mười (SN 1977, thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô).
Đây là những đối tượng có liên quan đến vụ phá rừng trái pháp luật thuộc tiểu khu 324A. Theo kiểm đếm của lực lượng chức năng, tổng khối lượng gỗ tròn bị khai thác trái pháp luật là hơn 30 m3. Các lóng gỗ sau khi khai thác trái pháp luật, được các đối tượng vận chuyển ra khỏi rừng và tiến hành cất giấu tại nhiều vị trí khác nhau trên khu vực giao cho Công ty TNHH MTV Innovgreen Kon Tum quản lý.
Để qua mắt các lực lượng chức năng, các đối tượng đã sử dụng cỏ tranh, tre và cây bụi để che phủ, giấu các lóng gỗ. Khu vực cất giấu các lóng gỗ cũng nằm rải rác nhiều vị trí trên tuyến đường mòn (đường đi vào khu sản xuất của người dân).
Ngoài vụ phá rừng lấy gỗ ở huyện Đăk Hà, trên địa bàn huyện Kon Plông còn xuất hiện tình trạng “dọn” và đốt rừng tự nhiên. Sự việc hy hữu này xuất hiện tại cánh rừng thuộc địa giới hành chính xã Hiếu.
Cụ thể, vào ngày 2/2, lực lượng liên ngành xã cùng với cộng đồng dân cư thôn Tu Cần (xã Hiếu) trong lúc đi tuần đã phát hiện 4 đối tượng đang dùng 3 cưa xăng để cắt dọn cây rừng tại tại lô 7, khoảnh 6, tiểu khu 493 lâm phần do cộng đồng thôn Tu Cần quản lý và lô 13, khoảnh 5, tiểu khu 495 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý thuộc địa giới hành chính xã Hiếu.
Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã tiến hành thu giữ tang vật và mời 4 đối tượng trên về trụ sở UBND xã làm việc. Qua đấu tranh ban đầu 4 đối tượng đã khai nhận, vào ngày 2/2 có rủ nhau cùng thống nhất đến địa điểm trên để cắt dọn cây và đốt theo sự chỉ dẫn của ông Vũ Văn Hào (xã Đăk Drô, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) với số tiền công là 300.000 đồng/ngày/người.
Căn cứ vào lời khai của 4 đối tượng trên, UBND xã Hiếu đã mời ông Vũ Văn Hào lên trụ sở xã làm việc. Tại đây, ông Vũ Văn Hào thừa nhận có thuê 4 đối tượng trên đi cắt dọn cây rừng tại địa bàn xã Hiếu và xã Pờ Ê với tổng số tiền là 10 triệu đồng, đã đưa trước 2 triệu đồng cho 4 đối tượng.
Cùng thời gian trên, lực lượng chức năng cũng phát hiện tại tiểu khu 440 do UBND xã Pờ Ê quản lý có 1 đám rừng bị chặt phá trái pháp luật. Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ các vụ phá rừng trên.
Bài và ảnh: Trần Hiền