Từng có ít nhất 21 loài 'người' tồn tại trên Trái đất: Họ đã đi đâu?

Trong hàng triệu năm lịch sử tiến hóa, Trái đất từng là mái nhà chung của ít nhất 21 loài 'người' khác nhau – từ Homo habilis, Homo erectus cho đến Neanderthal và Denisovan. Nhưng hiện tại, chỉ duy nhất một loài còn sống sót: Homo sapiens – chính là chúng ta. Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã khiến các loài 'người' khác biến mất?

Thời tiền sử – giai đoạn kéo dài từ khoảng 2 triệu năm trước đến trước thế kỷ 21 TCN – đánh dấu những bước chân đầu tiên của tổ tiên loài người. Những cá thể Australopithecus, tổ tiên sơ khai của con người, đã biết đi thẳng, sử dụng công cụ thô sơ và bắt đầu rời khỏi rừng rậm để sinh sống ở các vùng đất trống. Tuy nhiên, họ yếu ớt trước các loài thú săn mồi, buộc phải sống theo nhóm – đặt nền móng đầu tiên cho sự hợp tác xã hội của loài người.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Qua hàng triệu năm tiến hóa, giới khoa học xác định Trái đất từng có ít nhất 21 loài người khác nhau. Trong số đó, nổi bật là Homo heidelbergensis, Denisovans và đặc biệt là người Neanderthal – những “anh em họ” tiến hóa song song với Homo sapiens. Thế nhưng, theo thời gian, tất cả đều dần biến mất, chỉ còn lại loài người hiện đại.

Bước ngoặt lớn trong nghiên cứu nhân loại học đến vào năm 2010, khi năm bộ gen người cổ đại đầu tiên được công bố. Chỉ trong vòng 5 năm, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã giải mã được hơn một nửa bộ gen người cổ đại toàn cầu. Đây là lần đầu tiên con người hiện đại làm rõ được di truyền của những “người” đã tuyệt chủng.

Một phát hiện đáng kinh ngạc: Hầu hết người ngoài châu Phi ngày nay đều mang trong mình 1–4% ADN Neanderthal. Điều này chứng minh tổ tiên của chúng ta từng có mối quan hệ huyết thống – thậm chí là giao phối – với Neanderthal. Nhưng nếu đã từng hòa huyết, vì sao người Neanderthal vẫn bị tuyệt chủng?

Khoảng 100.000 năm trước, sự thay đổi khí hậu buộc Homo sapiens rời châu Phi, lan rộng ra châu Âu và châu Á – những vùng đất đã có người Neanderthal và các loài người khác sinh sống. Khi “chạm mặt”, họ không chọn chung sống hòa bình. Cuộc chiến giành lãnh thổ và tài nguyên đã nổ ra.

Dù người Neanderthal có thể chất vượt trội, Homo sapiens lại sở hữu lợi thế trí tuệ. Họ chế tạo công cụ tinh vi hơn, xây dựng chiến lược tốt hơn – và giành phần thắng cuối cùng. Neanderthal bị xóa sổ, các chủng loài người khác cũng lần lượt biến mất trong dòng chảy lịch sử.

Hiện nay, Homo sapiens là loài người duy nhất còn tồn tại. Nhưng hành trình khám phá quá khứ loài người vẫn chưa dừng lại. Nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, bởi số lượng hóa thạch người tiền sử được khai quật vẫn còn quá ít so với những gì từng tồn tại.

Các nhà khoa học kỳ vọng những khám phá trong tương lai – từ hóa thạch mới đến công nghệ giải mã gen tiên tiến – sẽ tiếp tục hé lộ thêm những bí ẩn về hành trình tiến hóa đầy kịch tính và khốc liệt của loài người.

Như Ý (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/tung-co-it-nhat-21-loai-nguoi-ton-tai-tren-trai-dat-ho-da-di-dau/20250416092552795