Tùng Dương: Hai chữ sáng tạo ám ảnh tôi cho đến lúc chết
'Tôi luôn tự nhủ mình phải bình tĩnh để tĩnh tại, để học cách thích nghi với hoàn cảnh sống. Chính vì vậy, 2 năm Covid không làm ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong âm nhạc', Tùng Dương chia sẻ.
- Hành trình âm nhạc gần 20 năm, ở anh có một điều gì đã thay đổi?
Tôi trưởng thành và một tâm thế rất bình tĩnh. Tất nhiên tôi chưa đủ để trở thành một con người quá tĩnh tại an nhiên được vì còn quá nhiều những tham vọng muốn chinh phục với âm nhạc nữa. Hai chữ sáng tạo luôn luôn ám ảnh trong đầu tôi cho đến lúc chết luôn. Tôi luôn tự nhủ mình phải bình tĩnh để tĩnh tại, để học cách thích nghi với hoàn cảnh sống. Giả dụ như dịch Covid ập đến chúng ta vẫn phải tiếp tục sống. Chính vì vậy, 2 năm Covid không làm ảnh hưởng đến tinh thần của tôi trong âm nhạc.
Từ Human năm 2020 đến năm nay, tôi luôn luôn có những dự án âm nhạc, luôn luôn thai nghén ý tưởng âm nhạc chưa bao giờ vơi cạn. Ngồi một lúc tôi nghĩ ra được rất nhiều những việc mình có thể làm và hiện thực hóa nó. Đương nhiên một người khôn ngoan sẽ không ôm đồm không làm mọi thứ một lúc, mà sẽ làm những gì phù hợp nhất với thời điểm. Để thấy là hãy sống một đời sống tích cực, mọi thứ đối với mình sẽ là sự đón nhận bình tĩnh, thăng trầm hơn.
- Có phải anh đang nói về sự thăng trầm của một người đàn ông trưởng thành hay không?
Thăng trầm để cho thấy người đàn ông có trải nghiệm nhất định, là một người đàn ông của gia đình họ có sự thăng trầm và thâm sâu hơn. Đến thời điểm này, tôi thể hiện với khán giả không phải bằng những cách mà mình đã thể hiện trước đó. Ngọn lửa âm nhạc chuyển hóa sang một giai đoạn khác. Một người đàn ông cũng cần sự tinh tế lắm, chứ không phải một người đàn ông chỉ thể hiện sức vóc dũng mãnh của họ. Sức trai tráng của họ đến một ngưỡng nào đó sẽ kiệt dần nhưng còn sự thâm thúy, tinh tế, những triết lý âm nhạc sẽ ở lại mãi.
Tôi thấy bộ tứ Sông Hồng đều như vậy, chú Trần Tiến có nói “Gừng càng già càng... thối!" Thế nhưng ông bảo còn lâu ông mới gục ngã. Chú Tiến viết ca khúc Không gục ngã để thấy rằng lý trí con người ta rất mạnh mẽ. Không có gì làm họ quỵ ngã kể cả khi họ gặp khó khăn về thể chất, sức khỏe. Họ vẫn vươn lên không ngừng, vẫn cho chúng ta thấy sự vận động của họ. Điều đó làm tôi rất xúc động. Để sau này ở tuổi các chú, mình không lo ngại cũng không sợ cái chết, chỉ tiếc là sống chưa đủ để làm những điều dang dở cho bản thân, gia đình và xã hội, để tiếp tục giấc mơ và thực hiện sứ mệnh của kiếp này là nghệ sĩ.
- Người ta bảo, quái dị, lạ, sốc mới là Tùng Dương và gần 20 năm nhận xét ấy vẫn là như vậy?
Nó vẫn là sợi chỉ thông suốt mà có sự liên quan, dù là đa diện nhưng vẫn là sự đối lập, nhưng vẫn là tôi với mọi cung bậc cảm xúc đã trải qua có mạnh mẽ, nội lực, cuồn cuộn mãnh liệt đến sự nhẹ nhàng, bay bổng. Đàn ông trưởng thành chế ngự được cảm xúc của họ để không bị làm quá, mang cho người ta sự quá tải. Khát vọng nghệ thuật là vô hạn, nhưng cảm xúc phải chế ngự nó. Còn chúng ta để thả nổi nó những cảm xúc bản năng sẽ gây đến cho mình sự thụt lùi vì mình nghiêng về phần bản năng quá. Tôichế ngự được khi hát, khi hoạt động nghệ thuật. Tôi biết cân bằng, bình tĩnh trước mọi thứ. 20 năm cho bài học, kinh nghiệm, tôi luyện lên chính mình như vậy.
- Cá tính âm nhạc của anh luôn được đánh giá là khác biệt, điều đó có ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời?
Người nghệ sĩ - nếu có điên, có dị, thật khắc nghiệt hãy mang điều đó vào nghệ thuật còn cuộc đời thực cứ sống khoa học, lý trí, đơn giản và sống từ bi. Họa sĩ chẳng hạn, người ta ẩn dật có thể chẳng xuất hiện nhưng tất cả tâm hồn của họ phản chiếu qua bức tranh, những sản phẩm. Tôi tự thấy mình là người rất phóng khoáng, nhìn những điều lớn chứ không phải là những thứ chi tiết vụn vặt, manh mún nên tôi sống chẳng bao giờ để bụng, luôn luôn biết cách đối nhân xử thế biết trước sau, trọng tình nghĩa. Mỗi người nghệ sĩ hãy cứ hướng mình như một nhà văn hóa để khơi gợi những điều truyền cảm hứng tích cực cho công chúng, đấy sẽ là những điều để lại mãi, chứ không phải bề nổi.
Đó chính sự thay đổi chiều sâu trong con người mình luôn luôn là chuỗi mâu thuẫn, phủ nhận chính mình, mà không bao giờ hài lòng chính mình. Mới thấy đó là sự vươn lên. Có thể 20, 30, 40 năm nữa sẽ suy nghĩ khác thời điểm hiện tại, nhưng Dương sẽ vẫn là tâm thế của một người nghệ sĩ đa diện, những mặt đối lập của chính mình để vận động.
Nhiều người đã chết vì sự nhạy cảm bản năng của người nghệ sĩ rồi. Nhạy cảm quá rồi lại đa sầu đa cảm không vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời. Nghệ sĩ luôn luôn là khối mâu thuẫn mới là nghệ sĩ và nghệ sĩ luôn luôn chống chếnh, luôn có cảm giác vừa đầy đủ vừa chống chếnh. Chứ nếu người nghệ sĩ nói mình an nhiên, viên mãn rồi khó có thể có sự phát triển được nữa. Có những phần sáng và tối trong mỗi con người, và đặc biệt người nghệ sĩ thì 2 mặt đó luôn tranh chấp và phần thắng sẽ nghiêng về lý trí, người nghệ sĩ sẽ biết làm điều gì đứng đắn nhất.
- Thế còn điều bỏ lỡ hay tiếc nuối?
Nếu tôi nói không nói tiếc nuối cũng không đúng. Bởi vì có những cơ hội đến và đi, có thể nếu nắm bắt được cơ hội sẽ đi xa được hơn nữa. Thế nhưng mọi thứ chỉ là tương đối thôi, hoặc có 1 cú hích thật lớn nữa là điều đáng nói. Tìm một người nghệ sĩ ra được thế giới, thành công ở 1 nước khác cũng là giấc mơ của rất nhiều nghệ sĩ Việt. Nên ngày ngày tôi vẫn phải trau dồi thêm tiếng anh, đàn, đọc sách, vẽ tranh, cảm nhận hội họa, học thêm nhiều thứ khác, để mình luôn có niềm đam mê, để như sợi chỉ đỏ liên kết những nhóm nghệ thuật với nhau. Kiến thức vô tận, điều mà rất quan trọng với một người nghệ sĩ trong sự sáng tạo đó là phải có trí tưởng tượng phong phú.
Tôi nghĩ là bất cứ một người đàn ông nào họ sẽ thực sự trưởng thành khi đã làm bố. Bởi vì họ có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống, biết cho đi chứ không chỉ mãi nhận. Họ phải hy sinh nhiều, lo toan nhiều hơn. Họ thấy được trách nhiệm của mình lớn hơn với cuộc sống, gia đình. Thử thách với bất cứ một người nghệ sĩ, bận rộn như Tùng Dương hay bất cứ một người nghệ sĩ nào trở thành một ông bố bà mẹ tốt, vì khi danh tiếng của họ có cũng có ảnh hưởng ngược lại với con cái.
Vì vậy mình phải rất tỉnh táo và những thời gian cho con một cách công tâm, công bằng nhất, không thể áp đặt lên con cái những kỳ vọng điều đó không nên làm vậy. Đối với tôi, vẫn phải học để trở thành ông bố bà mẹ tốt để làm sao mà học từ chính con cái, bọn trẻ dạy cho chúng ta những bài học về chính cuộc đời mình. Biết hướng dẫn, dạy con những điều hay lẽ phải, giá trị.
- Đấy có phải là lý do khiến anh cởi mở hơn, làm những điều chưa bao giờ như đúng chung sân khấu với các giọng ca trẻ Bùi Lan Hương, Văn Mai Hương… cover ca khúc triệu view, trendy?
Đấy chính là minh chứng cho việc Tùng Dương vẫn là một người biết lắng nghe, biết trải nghiệm. Đương nhiên không phải tất cả những gì của giới trẻ tôi cũng đều đi thể nghiệm, cũng cover. Những gì phù hợp tôi vẫn hát để giao vào thế giới của các bạn trẻ. Tuy nhiên tôi sẽ không hát bằng cách ngây thơ như lứa tuổi đó, như lứa của các bạn trẻ. Tôi hát với tâm thế của một người từng trải hơn, ở đúng suy nghĩ, lứa tuổi của mình. Hát Anh ơi ở lại là lời thử thách của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Tùng Dương có dám hát bài đấy không?, Dương nói tại sao không? Hát thì hát, đương nhiên khi hát sẽ đúng với suy nghĩ của mình với những con chữ nó vẫn vậy nhưng quan trọng mỗi người có cách truyền tải riêng để mọi người đồng cảm.
Thực ra đây là những danh xưng rất vui, nhưng thú thật tôi chẳng muốn cướp của ai cả. Âm nhạc vẫn là cảm xúc được chia sẻ, mỗi phiên bản sẽ cái cảm xúc cá nhân, là phương cách mỗi người truyền tải. Những tác phẩm với tôi bao giờ cũng mạnh mẽ, cuồn cuộn sẽ mang một cách khác không lặp lại với cách mà người trước đã làm. Cover chỉ là phiên bản nữa cho đa dạng, cách nhìn khác của mình có thể ngược lại với người ta.
Còn thực sự tôi sẽ như cá gặp nước và thăng hoa khi hát những ca khúc viết cho riêng mình như: Trời và đất, Adam, Người mù, Mắt đêm, Mang thai, độc đạo,… Khi hát tôi cảm nhận rằng, tiếng hát của mình rất thoát, bay lên không trung chạm sự vô tận của không trung.
Tùng Dương hát 'Ngày chưa giông bão'
Trần Đạt
Ảnh: Phan Mạnh Phát