Tung loạt hành động 'rắn' tại Trung Đông: Nga nghiêng cánh về Iran
Nga dự định sử dụng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Iran để phá vỡ sự độc quyền bốn thập kỷ của Hoa Kỳ đối với các thỏa thuận an ninh vùng Vịnh, theo trang Cipherbrief.
Vào ngày 2/9, truyền thông nhà nước Nga dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, sau cuộc gặp với đối tác Sergei Lavrov, Iran đã hoan nghênh một đề xuất của Nga nhằm bảo đảm cho khu vực Vịnh Ba Tư, đồng thời, Nga và Iran đã lên kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương.
Thông báo này được đưa ra năm ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tuyên bố tại một cuộc họp báo của Lầu Năm Góc rằng một hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo đảm vận chuyển thương mại ở vùng Vịnh đang được tiến hành. Cho đến nay, hoạt động do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thu hút được sự tham gia của Vương quốc Anh, Australia, chủ nhà của Bộ chỉ huy hải quân Hoa Kỳ tại vùng Vịnh, Bahrain, với một số sự hỗ trợ tình báo từ Israel.
Chiến lược "sâu kín" của Nga
Trong một động thái khác, vào ngày 3/9, nhiều thông tin trong giới truyền thông cho biết Nga cũng có thể cung cấp các tuyến vận chuyển dầu đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho Iran, đáng chú ý vì các tuyến này sẽ không dễ bị trừng phạt bởi Hoa Kỳ.
Các thông tin này chỉ ra rằng Nga dự định sử dụng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với Iran để phá vỡ sự độc quyền bốn thập kỷ của Hoa Kỳ đối với các thỏa thuận an ninh vùng Vịnh. Theo cách riêng của mình, Iran thiếu khả năng thách thức Washington, nhưng sự ủng hộ từ Nga có thể cho phép Tehran tạo nên một sức ép đe dọa đáng kể cho Hoa Kỳ. Một liên minh Nga-Iran ở vùng Vịnh sẽ được xây dựng dựa trên chiến dịch chung thành công của họ đã giúp Tổng thống Syria Bashar Al Assad đánh bại cuộc nổi dậy vũ trang thách thức chế độ của ông kể từ năm 2011.
Với việc can thiệp vào Syria, Nga vừa có thể giúp đỡ đồng minh của mình trong khi cũng thể hiện được vị thế là một thế lực ảnh hưởng chính trong khu vực, sau một thời gian gián đoạn dài do sự sụp đổ năm 1991 của Liên Xô.
Đối với Iran, sự can thiệp vào Syria đã thể hiện khả năng của Tehran trong việc hoạch định quyền lực trong khu vực và khiến các lực lượng Iran và được Iran hậu thuẫn ngày càng có thể gây ra tạo nên mối đe dọa trực tiếp cho Israel.
Các hành động chung giữa Nga và Iran ở Syria cũng dựa trên việc họ nhất trí xác định các nhóm thánh chiến Sunni như Al Qaeda và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS là mối đe dọa chính. Còn lập trường của Mỹ thì khác biệt hơn khi họ xác định Iran và các nhóm Hồi giáo Shia mà họ ủng hộ, như Hezbollah của Lebanon, là mối đe dọa lớn hơn các nhóm thánh chiến Sunni.
Khi đồng ý tham gia các cuộc tập trận hải quân chung với Iran và có thể cả hợp tác cả về các tuyến xuất khẩu dầu mới, Nga đang thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với chính quyền Trump về chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran. Cũng như các nước châu Âu và Trung Quốc, những bên cũng là thành viên của thỏa thuận hạt nhân đa phương Iran năm 2015, Nga đã phản đối lập trường của chính quyền Trump – bên đã rút khỏi thỏa thuận đó và áp dụng nhiều đợt trừng phạt hòng làm tê liệt nền kinh tế Tehran.
Tìm kiếm cơ hội vũ khí
Vào tháng 5/2019, chính quyền Trump đã dừng một lệnh miễn trừ trừng phạt – trước đó được các công ty hạt nhân Nga tận dụng để giúp Iran duy trì các cam kết với thỏa thuận hạt nhân 2015, trong đó có giới hạn về quy mô của kho dự trữ uranium làm giàu mức thấp. Các công ty Nga đang xây dựng và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân dân sự Bushehr của Iran – bên, cho đến nay, chưa bị chính quyền Trump trừng phạt.
Chính sách của chính quyền Trump cũng ngăn cản Nga mở rộng giao dịch dân sự với Iran và đề xuất của Nga về việc sử dụng các cảng của họ để xuất khẩu dầu của Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể là một nỗ lực của Điện Kremlin nhằm giúp Iran trực tiếp "thách thức" các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Không chỉ các công ty hạt nhân của Nga kiếm được nhiều tiền từ hoạt động ở Iran. Nga là nhà cung cấp thiết bị quân sự quan trọng cho Iran và các nhà sản xuất quốc phòng của Nga phụ thuộc ở một mức độ nào đó vào doanh thu kiếm được từ Iran. Các khoản thu này hiện còn khiêm tốn, bao gồm các hợp đồng sửa chữa các thiết bị do Nga sản xuất như máy bay chiến đấu MiG-29, xe tăng T-72 và tàu ngầm lớp Kilo mà Iran mua vào đầu những năm 1990.
Iran đã không tái vũ trang kể từ đó và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó đã thông qua thỏa thuận hạt nhân, cấm Iran nhập khẩu các hệ thống vũ khí chiến đấu hạng nặng cho đến tháng 10/2020. Hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất, được chuyển giao cho Iran vào năm 2017, đã được miễn trừ khỏi hạn chế đó bởi vì nó là một hệ thống hoàn toàn mang tính phòng thủ. Vào giữa năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Iran lúc bấy giờ là Hossein Dehgan đã đến thăm Moscow để thảo luận về một thỏa thuận vũ khí mới từ Nga khi lệnh cấm đó hết hạn. Nga đang tìm cách đảm bảo rằng Iran có thể kiếm đủ tiền để có thể tiếp tục các giao dịch mua bán vũ khí khi lệnh cấm hết hạn.