Từng 'sạch bóng' virus, quần đảo Solomon lao đao khi COVID-19 tấn công

Các nhân viên y tế tuyến đầu ở Solomon cảnh báo rằng hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, khi quần đảo Thái Bình Dương này phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng.

Thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon. Ảnh: Alamy

Thủ đô Honiara của Quần đảo Solomon. Ảnh: Alamy

Theo trang The Guardian (Anh), bác sĩ và các y tá tại Bệnh viện Quốc gia ở thủ đô Honiara đã chia sẻ tình trạng thiếu cơ sở vật chất và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại quần đảo Solomon.

“Nhiều bệnh nhân đang nằm trên sàn nhà, bệnh viện quá đông. Những bệnh nhân yếu ớt và thi thể chật kín. Nhà xác quá tải. Đó là một trải nghiệm đáng buồn. Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng này trước đây”, một bác sĩ tại bệnh viện cho biết.

Quần đảo Solomon, quốc gia có khoảng 700.000 dân nằm ở Nam Thái Bình Dương, đã không ghi nhận trường hợp nhiễm virus nào trong suốt 2 năm đầu bùng phát đại dịch. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1/2022, virus tràn vào Solomon đã làm bùng phát gần 6.000 ca mắc và khoảng 70 trường hợp tử vong cho đến nay. Một bác sĩ giấu tên cho biết số người tử vong trên thực tế còn có khả năng còn cao hơn nhiều.

“Chúng tôi từng chứng kiến những trường hợp tử vong tại nhà, không được đưa đến bệnh viện, vì họ sợ nếu xét nghiệm dương tính sẽ không được người thân đưa ra ngoài. Đó là một điều đáng buồn và khủng khiếp”, ông nói.

Bệnh viện Quốc gia ở Honiara, Quần đảo Solomon. Ảnh: The Guardian

Bệnh viện Quốc gia ở Honiara, Quần đảo Solomon. Ảnh: The Guardian

Tại Solomon, các cơ sở khám chữa bệnh đang phải chật vật đối phó với số lượng ca mắc COVID-19 ngày càng gia tăng. Bệnh viện dã chiến Trung ương có 56 giường bệnh nhưng đều đã kín chỗ. Giới chức phải dựng tạm lều ở bên ngoài để điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh viện Quốc gia đã cải tạo khu chỉnh hình thành “vùng đỏ”, nơi chuyên điều trị COVID-19 cho những bệnh nhân nặng cần thở ôxy. Ở khắp các khu vực khác trong bệnh viện, vẫn còn rất nhiều bệnh nhân COVID-19. Các nhân viên y tế hoàn toàn sốc bởi số lượng ca bệnh quá lớn. Một bác sĩ chia sẻ: “Chúng tôi không có đủ y tá để chăm sóc bệnh nhân COVID-19, có nghĩa là nhiều bệnh nhân sẽ không được theo dõi và chăm sóc phù hợp.”

Tình trạng thiếu nhân viên đã khiến giới chức phải kêu gọi những y tá mắc COVID-19 đến hỗ trợ làm việc.

Trong khi đó, các y tá mới tốt nghiệp - chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn đảm nhiệm công việc theo dõi người bệnh - giờ phải tự chăm sóc cho những bệnh nhân nguy kịch. “Chúng tôi chỉ mới tốt nghiệp, chúng tôi còn rất cần sự giám sát của cấp trên. Và đây là một công việc đầy rủi ro, đặc biệt là khi số bệnh nhân quá lớn, đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tự mình xử lý các ca bệnh ”, cô nói.

Máy bay của lực lượng không quân Australia vận chuyển thiết bị y tế đến Kirakira, thủ phủ của tỉnh Makira-Ulawa để hỗ trợ làn sóng bùng phát COVID-19 ở quần đảo Solomon. Ảnh: The Guardian

Máy bay của lực lượng không quân Australia vận chuyển thiết bị y tế đến Kirakira, thủ phủ của tỉnh Makira-Ulawa để hỗ trợ làn sóng bùng phát COVID-19 ở quần đảo Solomon. Ảnh: The Guardian

Giữa tình trạng hỗn loạn, giới chức y tế cảnh báo những bệnh nhân mắc bệnh khác - chẳng hạn ung thư, tiểu đường, huyết áp cao và những người cần phẫu thuật - không được điều trị, theo dõi hoặc dùng thuốc, có khả năng tử vong cao hơn. Có rất nhiều người mắc bệnh đã không đến bệnh viện chỉ vì sợ nhiễm virus. Điều này dẫn đến một số trường hợp tử vong tại nhà, một số người không qua khỏi khi cấp cứu.

Tuần trước, chính phủ đã đưa ra một tuyên bố cho biết COVID-19 lây lan nhanh đã vượt quá khả năng xét nghiệm của các cơ quan y tế. Điều này góp phần vào việc báo cáo thiếu số ca bệnh thực tế kể từ khi dịch bùng phát.

Vào tuần trước, Tiến sĩ Culwick Togamana, Bộ trưởng Y tế Solomon, cảnh báo rằng hệ thống y tế không thể đáp ứng điều trị cho tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc có các triệu chứng của COVID-19. Ông nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến cáo những người có triệu chứng nhẹ nên cách ly nghiêm ngặt tại nhà và chỉ những trường hợp vừa đến nặng mới cần đến cơ sở y tế để điều trị".

Vào cuối năm 2021, quần đảo Solomon có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, chỉ với khoảng 20% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, các điểm tiêm chủng vốn trống trơn vào năm ngoái hiện ghi nhận số lượng lớn người dân đến tiêm vaccine.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tung-sach-bong-virus-quan-dao-solomon-lao-dao-khi-covid19-tan-cong-20220222163048059.htm