Từng sát cánh với Mỹ, phi công Afghanistan lo bị Taliban sát hại
Nếu không rời khỏi đất nước, các binh sĩ Afghanistan từng được Mỹ huấn luyện và cùng chiến đấu sẽ đứng trước nguy cơ bị Taliban sát hại.
Naiem Asadi là phi công người Afghanistan được quân đội Mỹ huấn luyện. Phi công này nổi danh sau 6 năm chiến đấu chống Taliban, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng như giúp giải cứu phi công Mỹ gặp nạn.
Nhưng nay, Asadi đối mặt nguy cơ bị Taliban sát hại. Viên phi công cùng người vợ và con gái 4 tuổi phải lẩn trốn sau khi Lầu Năm Góc từ chối giúp ông rời Afghanistan để tại định cư ở Mỹ, theo Wall Street Journal.
Bộ Quốc phòng Mỹ ban đầu nhận lời giúp bảo vệ gia đình Asadi, nhưng sau đó quyết định này bị rút lại. Cuối tháng 11, quân đội Mỹ đã yêu cầu Asadi và gia đình rời khỏi căn cứ quân sự ở Afghanistan, nơi viên phi công đã trú ẩn để trốn tránh Taliban trong một tháng trước đó.
"Chúng tôi không ngờ sẽ bị chính phủ Mỹ bỏ rơi giữa chừng", Asadi nói. Phi công này đã giúp tiêu diệt hàng trăm tay súng IS và Taliban suốt thời gian ông phục vụ trong quân đội Afghanistan.
"Sau khi hoàn tất đánh giá tổng thể, các quan chức quyết định Bộ Quốc phòng không thể ủng hộ đề nghị bảo vệ", phát ngôn viên Lầu Năm Gốc Robert Lodewick cho biết.
Thế lưỡng nan của Mỹ
Trong bối cảnh chuẩn bị rút chân khỏi Afghanistan, Washington đối mặt tình thế lưỡng nan liệu có nên giúp đỡ tái định cư các cá nhân từng kề vai sát cánh, thậm chí bảo vệ sinh mạng người Mỹ trên chiến trường.
Nếu không đưa những người này rời khỏi Afghanistan, nhiều khả năng tính mạng họ sẽ bị Taliban đe dọa.
Nhưng ngược lại, kịch bản xảy ra là quân đội Afghanistan sẽ mất đi những chiến binh tinh nhuệ nhất, đe dọa sự tồn tại của chính phủ Kabul.
Quyết định của Lầu Năm Góc với trường hợp của Asadi làm dấy lên sự phẫn nộ trong quân đội Mỹ. Các sĩ quan từng huấn luyện và chiến đấu cùng Asadi cho biết viên phi công đã hy sinh rất nhiều, cho cả Afghanistan lẫn Mỹ, và đã đến lúc nước Mỹ tôn trọng cam kết bảo vệ gia đình ông.
Hôm 15/12, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã có cuộc gặp với các thành viên cấp cao của Taliban, nhằm thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa nhóm này với chính phủ Kabul và chấm dứt cuộc chiến kéo dài 2 thập kỷ tại Afghanistan.
Tổng thống Trump đã yêu cầu quân đội Mỹ giảm hiện diện quân sự ở Afghanistan từ 4.500 xuống 2.500 binh sĩ trước ngày chuyển giao 20/1/2021. Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng cho biết ông muốn rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Khi lực lượng Mỹ rút đi, việc giữ các phi công Afghanistan được Mỹ đào tạo ở lại đất nước sẽ giúp duy trì sức mạnh không quân của chính phủ Afghanistan, bảo vệ các thành phố lớn như thủ đô Kabul cùng lợi ích khác của Mỹ.
Asadi năm nay 32 tuổi. Ông tốt nghiệp năm 2013 và là một trong 4 phi công người Afghanistan đầu tiên được Mỹ đào tạo để vận hành trực thăm MD-530. Trực thăng tấn công giờ là một trong những sức mạnh nền tảng của không quân Afghanistan.
Viên phi công đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ với gần 3.000 giờ bay. Asadi là một trong những phi công giàu kinh nghiệm nhất của không quân Afghanistan.
Trong nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2014, Asadi được cử tới thị trấn nhỏ gần thành phố Jalalabad đang bị phiến quân chiếm đóng. Năm 2015, Asadi tham gia giải phóng thành phố Kunduz khỏi tay Taliban. Tại đây, trực thăng của Asadi đã phóng đi hàng loạt tên lửa nhắm vào các vị trí của quân nổi dậy, viên phi công nói.
Đầu năm nay, Asadi được quân đội Mỹ vinh danh khi giúp bảo vệ một phi công Mỹ bị rơi máy bay chờ giải cứu ở miền Bắc Afghanistan.
Chấp nhận rồi lại từ chối
Asadi nộp hồ sơ theo chương trình Significant Public Benefit Parole để xin cấp quy chế bảo vệ tạm thời dành cho người không phải công dân Mỹ. 12 sĩ quan quân đội tại ngũ và nghỉ hưu đã ủng hộ đơn của Asadi. Họ giúp viên phi công tìm việc làm và một căn nhà ở New Jersey để chuẩn bị tái định cư.
Các sĩ quan Mỹ từng làm việc cùng Asadi cho biết phi công này là nhân vật đặc biệt dễ trở thành mục tiêu Taliban săn đuổi, sau khi NATO sử dụng hình ảnh của ông trong đoạn video quảng bá cho trực thăng MD-530.
Hồ sơ của Asadi đã được Lầu Năm Góc ủng hộ, trong đó quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận thư đe dọa của Taliban gửi tới Asadi ngày 27/10. Dựa trên ủng hộ của Lầu Năm Góc, Cơ quan Di trú và quốc tịch Mỹ sau đó phê chuẩn hồ sơ của phi công người Afghanistan, Wall Street Journal cho biết.
Thế nhưng, khi chuẩn bị nhận thị thực, Asadi nhận được cuộc gọi từ một sĩ quan Mỹ thông báo thị thực cho gia đình ông chưa hoàn thành. Một tuần sau đó, quân đội Mỹ cho biết rút lại ủng hộ với hồ sơ của Asadi, dẫn tới đơn xin bảo vệ của viên phi công bị từ chối.
"Điểm mấu chốt là Mỹ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, không thể trở thành bên thúc đẩy một sĩ quan quân đội từ bỏ nhiệm vụ", quan chức Lầu Năm Góc phát biểu.
"Sẽ là sai sự thật nếu bất cứ ai nói Asadi phạm tội đào ngũ khi rời khỏi quân đội Afghanistan. Bộ luật Hình sự của Afghanistan không có quy định về tội cho việc rời khỏi quân đội", luật sư của Asadi tại Mỹ là Kimberley Motley cho biết.
Luật sư Motley nói chính phủ Afghanistan từng bỏ tù công dân vì những tội không được quy định trong luật. Asadi cho biết ông không thể quay lại không quân Afghanistan do lo sợ sẽ bị bắt giam vì rời bỏ vị trí.
Năm 2016, Bộ Quốc phòng Afghanistan tuyên bố sẽ bắt giữ Niloofar Rahmani, nữ phi công đầu tiên của nước này, khi cô nộp đơn xin tị nạn tại Mỹ vì lo ngại bị đe dọa tính mạng ở quê nhà. Rahmani được cấp quy chế tại nạn năm 2018 và hiện sống ở Mỹ.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Afghanistan Fawad Aman không bình luận về khả năng bắt giữ Asadi. Ông Aman nói lực lượng an ninh Afghanistan coi đe dọa nhắm tới Asadi là vấn đề nghiêm trọng, nhưng chưa cung cấp bảo vệ cần thiết cho viên phi công.
Lầu Năm Góc, lực lượng Mỹ ở Afghanistan cũng như Cơ quan Di trú và quốc tịch Mỹ từ chối bình luận thêm về trường hợp của Asadi.
Rời Afghanistan không phải là giải pháp
Một quan chức Lầu Năm Góc cho biết sau khi nhận được phê chuẩn ban đầu, một số sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ ở Afghanistan đã liên lạc với văn phòng Bộ Quốc phòng đề nghị đánh giá lại trường hợp của Asadi.
Cuối cùng, Bộ Quốc phòng đi tới kết luận đe dọa nhắm tới Asadi "không lớn hơn hay đáng báo động hơn" so với các binh sĩ Afghanistan khác, quan chức Lầu Năm Góc nói.
"Giải pháp dành cho hàng trăm, hàng nghìn người đối mặt đe dọa an ninh không thể là lên máy bay tới Mỹ. Như vậy sẽ làm tan rã từ tận cốt lõi quân đội Afghanistan", quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo.
Vụ việc của Asadi đã khiến những binh sĩ Afghanistan mong muốn rời khỏi đất nước cùng quân đội Mỹ, cũng như các quân nhân Mỹ muốn bảo vệ đồng đội người bản địa từng kề vai sát cánh, bị sốc.
"Mỹ đã hứa cho Asadi một khởi đầu mới, chúng ta cần tôn trọng điều đó. Ông ấy giờ không có nơi nào để đi hết", Rafael Caraballo, một phi công Mỹ từng huấn luyện Asadi, nói.
Caraballo cho biết ông từng chứng chứng kiến các chiến binh Taliban cắt cổ một binh sĩ Afghanistan, sau khi tìm thấy giấy tờ cho thấy binh sĩ Afghanistan tham gia vào chương trình huấn luyện phi công của Mỹ.
Tranh cãi quanh trường hợp của Asadi diễn ra trong bối cảnh làn sóng gia tăng các vụ ám sát nhắm vào viên chức chính phủ Afghanistan. Liên Hợp Quốc cho biết 531 mục tiêu dân sự, trong đó có nhiều quan chức chính phủ, đã bị ám sát trong 10 tháng đầu năm 2020.
Cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib thì cho rằng những binh sĩ gia nhập quân đội Afghanistan nên tôn trọng cam kết của họ, không thể lấy thời gian phục vụ trong quân ngũ như tấm vé rời khỏi đất nước.
"Mạng sống của mọi người dân Afghanistan giờ đều bị đe dọa", ông Mohib nói.