Tung tin đồn thất thiệt ảnh hưởng đến du lịch: Xử lý thế nào?
Một số cá nhân gần đây tung tin đồn thất thiệt về hoạt động tại các tỉnh, thành, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch tại địa phương mà còn làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Bịa chuyện “câu view”
Trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, tại TP Đà Lạt, một số cá nhân đã lan truyền những thông tin “Đà Lạt xảy ra biến lớn”. Trong đó, nhiều tin đồn khác nhau xuất hiện như “bom xăng trên đường phố”, “đóng cửa tất cả các trung tâm thương mại, chợ... do xuất hiện người cầm súng”... Những đối tượng phao tin còn xúi giục người dân đừng đi ra khỏi nhà, không đến nơi công cộng, đừng đi du lịch Đà Lạt vì “nguy hiểm”.
Mới đây, Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập một số cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật khiến người dân và du khách hoang mang, lo lắng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Lạt trong dịp cao điểm du lịch lễ vừa qua. Những cá nhân này khai nhận, do “hóng hớt” thông tin lan truyền rồi suy diễn lại, đăng tải để “câu view”.
Những năm trước đây, các sự việc tương tự cũng từng xảy ra, ảnh hưởng đến một số điểm du lịch nổi tiếng. Có thể kể đến tin đồn sai sự thật về khách sạn ở Sầm Sơn, Thanh Hóa “đuổi khách trong đêm”, gây ảnh hưởng đến ngành dịch vụ lưu trú ở Sầm Sơn và hình ảnh du lịch tỉnh Thanh Hóa. Hay thời điểm vừa đi qua đợt dịch COVID-19, đang nỗ lực phục hồi du lịch, TP biển Vũng Tàu đứng trước tin đồn ác ý “cấm tắm biển ở Vũng Tàu”, khiến hậu quả là hàng loạt khách sạn, khu lưu trú ở Vũng Tàu bị hủy đặt phòng.
Ngoài ra còn có những tin đồn thất thiệt, dựng chuyện về việc “chặt chém” du khách, bôi xấu hình ảnh du lịch địa phương, khiến du khách có cái nhìn xấu về du lịch Việt Nam. Như câu chuyện “3 quả dứa 500 ngàn đồng” mới xảy ra ở Hà Nội. Sự việc gây ồn ào dư luận khi xuất hiện hàng loạt clip cho rằng một người phụ nữ bán hàng rong bán cho khách nước ngoài 3 quả dứa với giá 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, công an xác minh cho thấy người bán hàng rong lấy giá 50 ngàn đồng một quả dứa.
Một việc khác cũng mới xảy ra tại Cà Mau, nữ du khách sau khi đi ăn tại một nhà hàng đã lên mạng chỉ trích nhà hàng “chặt chém” bữa ăn đắt đỏ, khiến một bộ phận cộng đồng mạng “xúm vào” lên án nhà hàng. Nhưng cơ quan chức năng xác minh sự thật, cho thấy du khách kia chỉ thanh toán số tiền bằng 1/2 số tiền đã kể, hoàn toàn không có chuyện “chặt chém”.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch
Những tin giả liên quan đến an ninh, tình trạng du lịch hay giá cả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và hoạt động du lịch của các địa phương, làm xấu hình ảnh du lịch Việt, con người Việt trong mắt du khách quốc tế, phá hoại những nỗ lực xây dựng hình ảnh đất nước - con người thân thiện, hiếu khách, du lịch an toàn mà Chính phủ và người dân đang thực hiện.
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, từ năm 2021 đến hết năm 2023, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 6.398 phản ánh tin giả. Điều này cho thấy, tình trạng “nhờn luật” trên mạng xã hội vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp các quy định, chế tài xử lý, bất chấp nhiều trường hợp tung tin thất thiệt đã bị cơ quan chức năng xử lý làm gương.
Trao đổi về vấn đề này trên truyền thông, Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, với những đối tượng tung tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, tùy theo mức độ vi phạm pháp luật có thể xử phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3/2/2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội hoặc xử lý hình sự tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự hoặc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Thời gian qua, Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng tung tin đồn, đưa tin giả, tin không chính xác, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức.