Tung tin sai sự thật về dịch Covid-19 có thể bị khởi tố
Công an yêu cầu xử nghiêm người tung tin sai sự thật liên quan dịch Covid-19, nếu đủ căn cứ có thể khởi tố.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 ngày 8/3, Phó giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Ngọc Hùng cho biết đã chỉ đạo cảnh sát công nghệ cao nắm bắt, xử nghiêm hành vi đưa tin sai sự thật về Covid-19. Nếu đủ điều kiện có thể khởi tố hình sự để răn đe, phòng ngừa chung.
Phạt tiền vẫn còn nhẹ?
Khuya 6/3, Hà Nội công bố cô gái 26 tuổi, ở quận Ba Đình - người trở về từ Anh - là bệnh nhân thứ 17 ở Việt Nam nhiễm Covid-19 và là trường hợp đầu tiên ở thủ đô dương tính với virus.
Sau buổi công bố, mạng xã hội xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt. Có tin cho rằng nữ bệnh nhân đã dự lễ khai trương của Uniqlo trước khi cách ly. Một số tài khoản mạng xã hội cho biết đã bắt gặp hình ảnh bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 đến quán bar ở Tạ Hiện vào tối 3/3.
Tuy nhiên, chính quyền ngay sau đó khẳng định các thông tin nói trên hoàn toàn sai sự thật.
Đáng chú ý, ngày 7/3, Công an Lào Cai phạt hành chính 4 cô gái, mỗi người 10 triệu đồng về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân.
Nhóm người này đã dùng tài khoản Facebook đăng các thông tin sai sự thật có nội dung: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…”, và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác".
Trước sự việc trên, độc giả Nguyễn Lộc bày tỏ: "10 triệu còn quá nhẹ. Tung tin đồn thất thiệt gây tổn hại danh dự nạn nhân, làm hoang mang người dân".
"Đề nghị nâng mức phạt lên tối thiểu 20 triệu, bổ sung thêm hình phạt lao động công ích", tài khoản Đoàn Kiếm đưa ra đề xuất.
Hình phạt bổ sung là lao động công ích cũng được nhiều người kiến nghị cơ quan chức năng áp dụng song song với nâng mức phạt tiền.
Bạn đọc Lazoko so sánh: "Nếu chẳng may bị nhiễm bệnh cũng không đáng sợ bằng việc bị cộng đồng mạng tung tin thất thiệt, bị những người thiếu hiểu biết kỳ thị xa lánh. Đề nghị xử lý mạnh tay".
Đủ căn cứ có thể khởi tố
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa), hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, nếu có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Vu khống, mức phạt tù cao nhất là 7 năm.
Tùy tính chất, mức độ của hành vi gây ra hậu quả, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Có cùng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính pháp), cho biết theo điểm d, Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, làm thiệt hại kinh tế là vi phạm pháp luật.
Các luật sư cho biết hiện, việc xử phạt hành vi cung cấp thông tin sai sự thật bị phạt hành chính 20-30 triệu, cá nhân bị phạt 10-15 triệu, quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013.
Tuy nhiên, luật sư đánh giá áp dụng Nghị định này khi xử phạt hành vi tung tin thất thiệt trên mạng có nhiều hạn chế, mức phạt đối với một số hành vi chưa đủ sức răn đe.
"Từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát", luật sư Cường nhận định.
Trước đó, ngày 3/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện để thay thế Nghị định 174 nói trên.
Theo luật mới có hiệu lực từng tháng 4, cá nhân có hành vi đưa tin sai sự thật, xuyên tạc gây ra hậu quả sẽ bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định mới nêu rõ nếu cá nhân vi phạm hành vi này nhiều lần, không tuân thủ cam kết, gây nguy hiểm cho xã hội có thể bị xử lý hình sự.