Tung tin thất thiệt khiến người dân ồ ạt rút tiền sẽ bị xử lý ra sao?

Liên quan đến việc tung tin thất thiệt khiến người dân ồ ạt rút tiền ngân hàng, cơ quan công an đã xác định được đối tượng đăng tin. Vậy với hành vi đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội, cá nhân này sẽ bị xử lý ra sao?

Ngày 9-10 vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam đã triệu tập Nguyễn Kiên Q (SN 1982, trú tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

Qđã sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Tại cơ quan công an, Q đã thừa nhận hành vi của mình. Hiện Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định.

Công an tỉnh Hà Nam làm việc với Nguyễn Kiên Q

Công an tỉnh Hà Nam làm việc với Nguyễn Kiên Q

Về chế tài xử lý đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, thời gian qua đã có nhiều đối tượng đã bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi này song vẫn tái diễn.

Nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết về phát luật, đặc biệt là việc thích “câu like”, câu view của một số cá nhân. Chỉ vì nhu cầu được hỏi han, tung hô…trên mạng xã hội, họ không ngần ngại tung tin giả để được like, share, nhằm chứng minh giá trị, sự quan trọng của mình.

Mặt khác, còn có đối tượng tung tin giả có chủ đích, nhằm gây mất trật tự, an ninh xã hội, kích động người dân.

Cũng theo Luật sư Thu, việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài phạt tiền, Nghị định cũng quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, cá nhân có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư…có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159);

Ngoài ra, cá nhân nào còn có thể bị xử lý về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác...

L.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tung-tin-that-thiet-khien-nguoi-dan-o-at-rut-tien-se-bi-xu-ly-ra-sao-post519436.antd