Tùng Vài đẩy mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp
BHG - Tùng Vài là một trong những xã vùng biên của huyện Quản Bạ, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể các tầng lớp nhân dân, xã Tùng Vài đã nỗ lực vượt khó, đã xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là thế mạnh, tạo đòn bẩy để ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Trọng Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những mô hình mới và chủ động đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, xã đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Năm 2022, các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp của xã cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 3.300 tấn, các nhóm cây trồng chính như: Cây ngô 2.102 tấn, lúa 1.198 tấn, đậu tương 120 tấn, lạc 577 tấn… Xã thực hiện các mô hình như: Liên kết trồng rau Bắp cải trái vụ; trồng cây Gừng trâu ruột vàng; trồng Khoai tây; chăn nuôi bò, nuôi lợn, nuôi chim Bồ câu, nuôi cá Tầm, cá Hồi… mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Các loại cây thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như: Cây chè, cây dược liệu, cây Hồng không hạt cũng được địa phương quan tâm mở rộng diện tích. Từ việc tham gia các mô hình phát triển kinh tế nhiều hộ dân có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, điển hình như gia đình các anh Ngô Thanh Tuấn, Hà Phúc Tri, thôn Bản Thăng…
Trồng rừng cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của xã Tùng Vài, hàng năm xã đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2022, diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ tái sinh là 4.668,2 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 71,3%, đạt 100% kế hoạch. Từ việc tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng, đến nay nhiều hộ đã chú trọng đầu tư trồng rừng như trồng cây Nhội, mỡ, trồng cây ăn quả đào, mận, mơ… Qua đó không chỉ góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng mà còn nâng cao đời sống người dân.
Có thể nói, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Tùng Vài. Đây là tiền đề để địa phương phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng Nông thôn mới. Thời gian tới, chính quyền xã Tùng Vài tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đưa nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.