Tùng Vài, thành công từ liên kết sản xuất nông nghiệp

Chủ tịch UBND xã Tùng Vài (Quản Bạ) Nguyễn Trọng Tùng KHẲNG ĐỊNH xã đã và đang chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị an toàn, bền vững. Đây chính là con đường ngắn nhất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu nhập cho người nông dân.

Được tận mắt chứng kiến sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân mới thấy được nét “tư duy mới” đã thực sự hiện hữu trên từng tấc đất vốn bao đời chỉ trồng ngô một vụ của xã Tùng Vài. Hiện giờ, gần như nhà nhà, người người xã Tùng Vài tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Những mảnh nương, thửa ruộng trước đây chỉ trồng cây ngô, rau một vụ cho năng suất, hiệu quả thấp sang trồng những loại cây: Dưa chuột, Cà chua…

Chủ tịch UBND xã Tùng Vài Nguyễn Trọng Tùng (áo trắng) kiểm tra diện tích trồng Dưa chuột của người dân.

Chủ tịch UBND xã Tùng Vài Nguyễn Trọng Tùng (áo trắng) kiểm tra diện tích trồng Dưa chuột của người dân.

Chủ tịch UBND xã Tùng Vài Nguyễn Trọng Tùng khẳng định: “Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, liên kết là xu hướng tất yếu; là chìa khóa giúp phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Quá trình liên kết làm tăng hiệu quả trong sản xuất nông sản, góp phần nâng cao hiệu quả vai trò quản lý nhà nước về kinh tế, từ đó phát huy vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp”. Trong điều kiện kinh tế hội nhập hiện nay, không có con đường nào khác là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị. Khác với phương thức sản xuất truyền thống, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ giúp giảm chi phí, giảm thiểu các khâu từ cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Khi liên kết được thiết lập, có thể tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro, nhờ đó thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng được mùa - mất giá. Vụ Xuân - Hè năm 2024 này, dưới sự giới thiệu của huyện Quản Bạ, nông dân xã Tùng Vài đã liên kết với các doanh nghiệp và thương lái trong, ngoài tỉnh tiến hành trồng gần 20 ha cây Cà chua và Dưa chuột. Bước đầu đem lại hiệu quả đáng khích lệ, hai loại cây trồng này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nên cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha. Đây chính là động lực để cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tùng Vài tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, mở rộng mối liên kết với nhiều doanh nghiệp, thương lái chợ đầu mối, quyết tâm đưa diện tích đất liên kết sản xuất nông nghiệp toàn xã lên 80 ha vào vụ Hè - Thu”.

Là một trong những hộ “Đi đầu” tham gia chuỗi liên kết trồng Dưa chuột, Cà chua trên địa bàn xã Tùng Vài. Anh Cheng Văn Bình, thôn Bản Thăng, chia sẻ: “Hiện nhà tôi đã chuyển đổi gần hết đất sản xuất nông nghiệp sang trồng Dưa chuột, Cà chua mang lại kết quả cao hơn rất nhiều so với trồng ngô như trước đây. Sau vụ đầu tiên, tôi nhận thấy cây Dưa chuột, Cà chua rất dễ trồng, thích nghi tốt với đất đai, khí hậu. Hơn nữa, trồng loại cây này không phải lo đầu ra cho sản phẩm, thu hái đến đâu doanh nghiệp thu mua đến đó. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng Dưa chuột và Cà chua theo chuỗi liên kết”.

Qua thực tế được biết: Để đảm bảo cây trồng theo đúng kế hoạch, tiến độ từ việc xuống giống, vun trồng, chăm sóc theo từng thời điểm. Đây là vụ thứ 2 gia đình anh Lử Chiều Đoàn, Trưởng thôn Bản Thăng cùng người dân trong thôn liên kết trồng Dưa chuột, Cà chua với các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Đối với anh, do dùng điện thoại thông minh kết nối Internet nên hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, gửi hình ảnh sản phẩm, cập nhật giá cả thị trường và quan trọng nhất là kỹ thuật chăm sóc, thu hái sản phẩm. Sau hai năm liên kết với các doanh nghiệp đầu mối để sản xuất nông nghiệp, người dân thôn Bản Thăng đã có thu nhập ổn định. Bên những luống Dưa chuột đang trong thời kỳ cho quả, Anh Lử Chiều Đoàn cho biết: Giống Dưa chuột, Cà chua trồng ở đây rất được thị trường ưa chuộng do quả ngọt, chắc, giòn. Dưa chuột, Cà chua là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn ngày, sau khi trồng đến 45 ngày là bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hái cách nhau khoảng một ngày mà loại cây này không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chỉ cần bón phân, tỉa nhánh đúng thời kỳ. Vào dịp thu hoạch, mỗi ngày tôi có thể hái 2 lần vào buổi sáng và chiều mà có khi phải thuê thêm nhân công thắp đèn để hái cả buổi tối mới kịp đáp ứng đủ nhu cầu cho thương lái vào sáng hôm sau”.

Tại xã Tùng Vài, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng hỗ trợ kinh phí, giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp đầu mối. Khuyến khích người dân chủ động kết nối và sản xuất theo đơn đặt hàng. Từ 8 ha đất nông nghiệp được người dân liên kết sản xuất trong năm 2023 mang lại hiệu quả rõ rệt nên đến đầu năm 2024 người dân đã chủ động chuyển đổi 24 ha đất sản xuất cây ngô, lúa sang trồng Dưa chuột và Cà chua. Với sự hỗ trợ tích cực trong kết nối tiêu thụ sản phẩm của huyện, 6 tháng cuối năm 2024 xã Tùng Vài quyết tâm mở rộng diện tích đất liên kết sản xuất nông nghiệp giá trị cao lên 80 ha.

Hiện nay, các hộ nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp đã và đang tích cực thu hái, vận chuyển Dưa chuột, Cà chua cho doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ. Theo đánh giá của địa phương, mỗi ha liên kết trồng Dưa chuột, Cà chua thu hái trung bình được 30 tấn/ha, giá tiêu thụ trung bình 10.000 đồng/kg. Như vậy mỗi ha trồng Dưa chuột người dân có thu nhập khoảng 250 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với cây ngô và lúa. Đây là động lực giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, chuyển sang áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo nhu cầu thị trường...

Bài, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202408/tung-vai-thanh-cong-tu-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep-2ab5800/