Từng vùng kinh tế trọng điểm phải là nơi đáng sống, đáng làm việc

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

TPHCM, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Ảnh: SGGP)

TPHCM, hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Ảnh: SGGP)

Nghị quyết của Chính phủ đánh giá, thời gian qua, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đã nỗ lực, tích cực phối hợp triển khai các nhiệm vụ phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các vùng kinh tế trọng điểm đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2019, cả 4 vùng kinh tế trọng điểm đóng góp 72,95% vào tốc độ tăng bình quân GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Các vùng kinh điểm là các cực tăng trưởng quan trọng, đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt cả nước, cứ 1% tăng trưởng của 4 vùng kinh tế trọng điểm đã làm GDP của toàn bộ nền kinh tế tăng 0,61%. Nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong giai đoạn 2011-2019, quy mô GRDP của 2 vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP, thể hiện là các vùng “trọng điểm của các vùng trọng điểm".

Nghị quyết của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra việc các vùng kinh tế trọng điểm chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thể sẵn có, để tận dụng thời cơ, cơ hội phát triển, đồng thời đang đối mặt nhiều thách thức độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, tỷ trọng ngành sản xuất trọng như: Tốc công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ của vùng trong cơ cấu ngành cả nước có xu thế tăng chậm, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, một số địa phương nguồn thu còn phụ thuộc một số ngành nhất định.

Cơ chế điều phối vùng chưa thực sự hiệu quả, cơ chế liên kết giữa các ngành, lĩnh vực chưa có hoặc còn lỏng lẻo, liên kết và phân công nhiệm vụ giữa các địa phương trong vùng chưa rõ ràng, không phát huy được lợi thế, tiềm năng.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình phát triển mới. Việc huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng còn hạn chế nhất là hạ tầng giao thông. Khó khăn về quỹ đất để phát triển khu công nghiệp, thu hút các dự án quy mô lớn. Nhiều vấn đề về quản lý đô thị cần giải quyết như áp lực về tăng dân số, ngập úng, ùn tắc giao thông, nhà ở cho người lao động, ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của các vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, trước các tác động của đại dịch Covid -19, các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, thu ngân sách nhà nước, phát triển du lịch... đến hết quý II năm 2020 của các vùng kinh tế trọng điểm đều thấp hơn so với cùng kỳ.

Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm nỗ lực, quyết tâm cao nhất vượt qua khó khăn, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo để tạo động lực phát triển chung của vùng và vì sự phát triển chung của đất nước, quán triệt các quan điểm và nghiêm túc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể: Đổi mới tư duy, sáng tạo, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và xác định các yếu tổ bứt phá để phấn đấu vươn lên, phát triển nhanh, bền vững, đóng góp một cách thiết thực vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển của vùng và của cả nước.

Khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về điều phối liên kết thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm đảm bảo chủ động, hiệu quả. Xây dựng quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, lợi thế tính liên kết đặc thù của từng vùng.

Xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo phương pháp tích hợp nhiều quy hoạch, thể hiện được vai trò "đầu tàu" của vùng kinh tế trọng điểm với cách làm đổi mới sáng tạo…

Xây dựng, bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng của vùng kinh tế trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, thủy lợi liên vùng, các dự án quan trọng quy mô lớn tác động lan tỏa tích cực, các công trình chống ngập, trữ nước, kiểm soát mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu,

Xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp với đặc thù, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương trong vùng để tập trung thu hút đầu tư, hạn chế phát triển dàn trải, trùng lặp, cạnh tranh giữa các vùng và nội vùng. Tránh phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực phát triển không bền vững, đã hết dư địa tăng trưởng.

Các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm cần luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và áp dụng các mô hình phát triển kinh tế mới, thể hiện vai trò đầu tàu, là “hạt nhân phát triển" của nền kinh tế quốc gia.

Nâng cao trách nhiệm của các đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Tinh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng vùng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp, liên kết phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm cần chủ động phối hợp thúc đẩy liên kết vùng. Xác định vị trí, vai trò kết nối của từng địa phương trong vùng và giữa vùng với cả nước thông qua các hình thức liên kết và điều phối vùng phù hợp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm cần xác định rõ chiến lược phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, có giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động chi tiết phát triển các ngành, lĩnh vực để từng địa phương, từng vùng kinh tế trọng điểm không chỉ là đầu tàu phát triển kinh tế, nơi tập trung văn phòng, nhà xưởng của các tập đoàn, công ty mà còn thực sự là nơi đáng sống, đáng làm việc của giới trẻ, giới tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước.

Các bộ và các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm cần xác định một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng phát triển để ưu tiên thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Các vùng kinh tế trọng điểm cần tập trung thu hút đầu tư các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và hiệu quả sử dụng đất cao, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, trong đó mỗi vùng kinh tế trọng điểm ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực.

Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm.

Tâm Phúc

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/tung-vung-kinh-te-trong-diem-phai-la-noi-dang-song-dang-lam-viec-55598.html