Tuổi cao, chí càng cao
Mặc dù tuổi đã cao nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bá Thuyết (SN 1948) ở số nhà 22, đường Cửa Tả, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa vẫn luôn tích cực phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và làm nhiều việc có ích cho xã hội.
Năm 1966 ông Thuyết lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đơn vị C11, D990, BT12, Bộ Tư lệnh tiền phương.
Mặc dù nơi đơn vị làm nhiệm vụ ở rừng sâu, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước, lương thực, thực phẩm, nhưng ông vẫn luôn sát cánh cùng đồng đội, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1971 ông Thuyết được phục viên và xin chuyển công tác về Ty Văn hóa tỉnh Thanh Hóa. Năm 1979, ông thành lập Xí nghiệp cơ khí nông nghiệp Ngọc Tuấn chuyên sản xuất máy xay xát tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. Trong số lao động làm việc tại xí nghiệp của ông có nhiều người là con, em CCB trong tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Thuyết cho biết: “Điều khiến tôi cảm thấy vui mừng nhất khi thành lập xí nghiệp là đã mang lại thu nhập cho gia đình và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho con, em của CCB. Đây chính là động lực giúp tôi vượt qua những khó khăn của cuộc sống, phát triển sản xuất và có điều kiện kinh tế để giúp đỡ những CCB có hoàn cảnh khó khăn”.
Sau này, do nhu cầu thị trường về máy xay xát có sự thay đổi, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, ông Thuyết chuyển sang cung ứng máy móc, thiết bị phục vụ cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đồng thời phát triển kinh tế đồi rừng. Năm 2020 gia đình ông mua 8ha đất rừng sản xuất của một số hộ dân ở thôn Hải Xuân, xã Hải Long (Như Thanh) để xây dựng trang trại trồng cây đàn hương, cây gỗ sưa và một số loại cây ăn quả. Hiện trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Khi hỏi lý do vì sao gia đình ông chuyển sang phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Thuyết nói: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi nhận thấy đàn hương là cây có nhiều giá trị sử dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lõi cây đàn hương được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, rễ và cành nghiền ra lấy bột sử dụng trong công nghệ làm đẹp, lá cây được chế biến thành trà, quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu. Vì vậy, gia đình tôi quyết định chọn cây đàn hương để trồng thử nghiệm. Nếu thành công thì gia đình sẽ tuyên truyền, vận động bà con đưa loại cây này vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân. Đây là cách mình giúp bà con tăng giá trị trên đơn vị diện tích đất rừng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đàn hương vùng đất Như Thanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, tham gia Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, sẵn sàng giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn một phần kinh phí để xây dựng nhà ở; hỗ trợ vốn để các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tham gia ủng hộ kinh phí vào mục đích chăm sóc gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người gặp rủi ro trong cuộc sống; ủng hộ kinh phí cho các hoạt động văn hóa - thể thao của địa phương...
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Bá Thuyết đã được các cấp, các ngành tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tuoi-cao-chi-cang-cao-220914.htm