Tuổi cao chí lớn

Hưởng ứng phong trào thi đua 'Người cao tuổi (NCT) làm kinh tế giỏi' do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động, những năm qua Hội NCT tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hội viên NCT làm kinh tế giỏi, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bà Hà Thị Ngọ, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết, Hội NCT tỉnh hiện nay có 7 ban đại diện huyện, thành phố, 138 Hội NCT cơ sở xã, phường, thị trấn, với trên 86 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 1.737 chi hội/1.733 thôn, xóm, bản, tổ dân phố. Phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" được các cấp hội NCT trong tỉnh quan tâm tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn. Nhiều hội viên người cao tuổi đã nêu cao ý chí, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, khai thác lợi thế, tiềm năng đất đai, lao động, tài chính của gia đình, đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... Đồng thời hướng dẫn con cháu về kiến thức, kinh nghiệm, có ý chí nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam trao giấy chứng nhận đạt danh hiệu "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" cấp toàn quốc cho các cá nhân.

Lãnh đạo Hội Người cao tuổi Việt Nam trao giấy chứng nhận đạt danh hiệu "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi" cấp toàn quốc cho các cá nhân.

Ông Vương Minh Tân, Chủ tịch NCT thành phố Tuyên Quang cho biết, phong trào NCT thi đua làm kinh tế giỏi phát triển sâu rộng, được đông đảo người cao tuổi hưởng ứng, tạo sự lan tỏa rộng khắp trên địa bàn thành phố. Đến nay, có 6.530 NCT tham gia phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ; 172 NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp, cửa hiệu, HTX dịch vụ, doanh thu từ 200 triệu đồng đến 10 tỷ đồng/năm… Điển hình như ông Lê Thanh Ý, hội viên NCT tổ 17, phường Phan Thiết, kinh doanh lĩnh vực in, dịch vụ mỹ thuật, thu nhập bình quân 2,5 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Nguyễn Thị Hồng, hội viên NCT, tổ 14, phường An Tường với mô hình nuôi ếch thương phẩm, doanh thu bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/năm...

Phát huy tinh thần "Tuổi cao gương sáng", những năm qua, ông Phạm Văn Hảo, hơn 70 tuổi, hội viên NCT, tổ dân phố 8, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang đã không ngừng nỗ lực, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Hảo cho biết, gia đình làm nghề mộc tại quê Ninh Bình. Năm 1993, ông bàn với gia đình lên thành phố Tuyên Quang lập nghiệp và mở cửa hàng đồ gỗ nội thất. Trên quê hương mới, ông được các cụ cao niên trong tổ tạo điều kiện giúp đỡ, mua đất làm nhà, xin phép kinh doanh và mở cửa hàng mua bán lâm sản và sản xuất gỗ. Năm 2007, có điều kiện kinh tế gia đình ông đầu tư trên 1,5 tỷ đồng mua máy làm gỗ và mở rộng xưởng sản xuất gỗ với diện tích trên 200 m2. Sản phẩm của gia đình ông làm ra như: tủ, đồng hồ, bàn ghế, sập... được người dân rất ưa dùng, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 150 - 200 sản phẩm. Doanh thu hằng năm trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Hội viên NCT tuổi không chỉ hăng hái phát triển kinh tế mà còn tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương. Ông Vũ Mạnh Hùng, 72 tuổi, hội viên NCT, thôn 13, xã Tân Long (Yên Sơn) là thương binh hạng 2/4 cho biết, năm 1994, khi Nhà nước giao đất trồng rừng, gia đình ông đã mạnh dạn khai hoang 5 ha để trồng keo. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên rừng của gia đình ông phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Sau 7 năm đợt trồng rừng đầu tiên khai thác bán được hơn 200 triệu đồng, nhận thấy rừng mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, ông tiếp tục đầu tư vào phát triển rừng. Đến nay, ông trồng 35 ha rừng, 3.000 m2 hồ nuôi cá kết hợp với chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, doanh thu hằng năm trên 1,2 tỷ đồng. Ông còn là gương sáng trong hoạt động từ thiện, từ năm 2018 đến nay, ông giúp đỡ hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn, NCT cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật, mồ côi trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 72 triệu đồng.

Mô hình sản xuất kinh doanh đồ gỗ của ông Phạm Văn Hảo, hội viên NCT, tổ dân phố 8, phường An Tường,
thành phố Tuyên Quang tạo việc làm cho 15 lao động.

Hiện nay, bình quân hàng năm có 461 NCT được các cấp tổ chức hội công nhận là NCT làm kinh tế giỏi; trong đó có 366 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở, 71 NCT làm kinh tế giỏi cấp huyện, 15 NCT làm kinh tế giỏi cấp tỉnh và 9 NCT đề nghị công nhận NCT làm kinh tế giỏi cấp Trung ương. Mỗi năm toàn tỉnh có trên 50.000 NCT trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…Nhiều NCT còn làm chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp hợp tác xã, xưởng sản xuất, cửa hàng, cửa hiệu; tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, làm từ thiện nhân đạo, góp phần cho công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương.

Phong trào "NCT làm kinh tế giỏi" của Hội NCT tỉnh đã phát huy được tinh thần, ý chí NCT vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, thể hiện vai trò và vị trí của NCT trong đời sống xã hội với tinh thần "Tuổi cao gương sáng".

Bài, ảnh: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tuoi-cao-chi-lon-178383.html