Tuổi đôi mươi của liệt sĩ Huỳnh Văn Tum

Sự kiện các đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức trao bằng 'Tổ quốc ghi công' cho liệt sĩ Huỳnh Văn Tum (sinh năm 1955), quê xã Nhơn Hội (tỉnh An Giang) có thể là một thông tin thoáng qua, nhưng đằng sau đó là cả hành trình dài nhiều mất mát, hy sinh và nghĩa tình đồng đội.

Rất nhiều lần, chúng tôi được nghe đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kể về đứa em nuôi tên Tum, về những điều đặc biệt ở người lính này.

Một buổi chiều năm 1972, có người đàn ông chèo xuồng chở theo một phụ nữ và một cậu bé, bước vào nơi ông Trí đóng quân (Tiểu đoàn 512, Tỉnh đội Long Châu Tiền). Họ chỉ là người cùng làng với cậu bé chứ không ruột rà máu mủ gì.

Từ nhỏ, cậu bé đã thất lạc gia đình, khổ không kể xiết, nên người làng cám cảnh, “xin phép” gửi cậu vào với bộ đội. Thế là, Huỳnh Văn Tum trở thành một bộ đội nhỏ xíu, nói dân dã là “lính nghé”!

Thời gian đầu, anh em trong đơn vị mua tập, viết, chia nhau dạy học cho Tum. Cậu bé sáng dạ, học không lâu đã rành mặt chữ, nên được điều về Đại đội 2 làm liên lạc. Khi 17 tuổi, Tum đòi đi chiến đấu, nhưng cấp trên không cho, vì thấy cậu vẫn còn nhỏ. Tum ở nhà, khóc mấy ngày liền, quyết tâm ra mặt trận chiến đấu với anh em. Ông Huỳnh Trí khuyên: “Đánh giặc còn nhiều trận lắm, sợ không có sức mà đi, lo gì!”.

Ông Huỳnh Văn Dũng - em cùng cha khác mẹ của liệt sĩ Huỳnh Văn Tum tiếp nhận bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp cho liệt sĩ Tum.

Ông Huỳnh Văn Dũng - em cùng cha khác mẹ của liệt sĩ Huỳnh Văn Tum tiếp nhận bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp cho liệt sĩ Tum.

Giữa tháng 4/1975, mọi người lờ mờ cảm nhận được ngày giải phóng đến rất gần. Đơn vị được lệnh đánh ở Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), Tum cũng được tham chiến.

“Cho Tum ra trận, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì cháu lớn khôn, gan dạ, không sợ chết chóc, căm thù giặc và quyết chiến đấu để đánh đuổi ngoại xâm thế là rất tốt. Nhưng lòng tôi vẫn không khỏi lo âu, bởi cháu còn trẻ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều... Và điều đau đớn đã xảy ra. Tum hy sinh ngay trong trận đánh đầu tiên của đời mình!”, ông Huỳnh Trí kể, mắt ầng ậng nước.

Hôm lấy xác Tum về, ông Trí ngồi thất thần, nhìn gương mặt mới hôm nào còn tươi cười đọc chữ “a”, “bê” cho ông nghe, còn ôm eo, bá cổ vui mừng đòi ông cho ra trận, còn nói bao điều mơ ước khi hòa bình lập lại. Nhưng giờ Tum đi xa, đôi môi như mỉm nhẹ, đôi mắt khép nhẹ nhàng. Vậy mà sao ông chạnh lòng, xót thương quá đỗi!

Từ đó, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm (27/7), ông Trí đều tổ chức lễ giỗ chung tại nhà mình, tưởng nhớ các liệt sĩ, trong đó có đứa em Huỳnh Văn Tum. Hàng chục năm ròng rã tìm đồng đội ở nước bạn Campuchia, ông đến khu vực Lò Gò cả chục lần, tranh thủ tìm thông tin gia đình Tum, nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu mông lung. Ông muốn gặp người thân, nói vài điều cảm ơn và dẫn họ đến nghĩa trang để biết nơi an nghỉ của Tum…

Trong khi đó, ở góc độ gia đình, ông Huỳnh Văn Dũng (em cùng cha khác mẹ của liệt sĩ Huỳnh Văn Tum) được nhận một ít giấy tờ do cha gửi lại trước khi mất. Ông dành thời gian tìm hỏi Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Phú (cũ), liên hệ thủ tục nhận chính sách dành cho người có công. Nhiều lần xác minh, kết nối, mãi gần đây câu chuyện giữa thời chiến và thời bình, giữa ông Huỳnh Trí và gia đình liệt sĩ Tum mới được ghép lại hoàn hảo.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt, đơn vị thường xuyên di chuyển, thay đổi vị trí chiến đấu, giấy tờ thất lạc. Vì nhiều lý do khác nhau, do thay đổi văn bản của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, nhiều năm liên tiếp ngành chuyên môn, địa phương, gia đình đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Cục Chính sách thẩm định, xét duyệt.

Ngày 27/6/2025, liệt sĩ Huỳnh Văn Tum được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định cấp bằng “Tổ quốc ghi công”. Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), chiếc bằng trân quý đã được trao trọng thể cho gia đình liệt sĩ trong buổi lễ nghiêm trang, thành kính.

“Nửa thế kỷ qua, gia đình chúng tôi luôn nuôi hy vọng, mong chờ từng ngày được Đảng, Nhà nước trao bằng Tổ quốc ghi công để có thể an ủi phần nào nỗi đau mất người thân, ghi nhận sự anh dũng hy sinh của liệt sĩ Tum.

Tham dự buổi lễ, chúng tôi vô cùng xúc động, cảm nhận rõ nét ý nghĩa của sự hy sinh, của lòng yêu nước và trách nhiệm của bản thân. Xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước, quân đội, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và bà con Nhân dân đã dành thời gian, công sức, tình cảm dành cho liệt sĩ Tum”, ông Dũng xúc động nói.

Liệt sĩ Huỳnh Văn Tum chỉ sống 21 năm tuổi đời, 3 năm hoạt động cách mạng. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Nhơn Hội Nguyễn Đức Hiền bày tỏ: “Đồng chí Tum đã cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Từ nay, gia đình đồng chí được công nhận và hưởng chính sách là gia đình liệt sĩ, gia đình có công. Để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, Đảng bộ và Nhân dân xã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tiếp tục thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, quan tâm gia đình thương binh, bệnh binh, người có công”.

Bài và ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tuoi-doi-muoi-cua-liet-si-huynh-van-tum-a425162.html