Tuổi học trò và án mạng vào ban đêm: Nên chăng 'không quản được thì cấm'
Các vụ án mạng thương tâm xảy ra đối với học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh khiến cộng đồng đau xót và đặt ra nhiều câu hỏi về việc quản lý con em trong độ tuổi.
Khoảng 23h35 ngày 2/12, anh Nguyễn Văn Tr. (chủ quán lẩu M.T, đường Trần Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh) phát hiện một nữ sinh gục trước quán, trên người có vết thương.
Anh Tr. cùng một số người dân đã gọi xe cứu thương đưa nạn nhân đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh và nữ sinh này đã tử vong sau đó. Nạn nhân được xác định là N.T.T.T (15 tuổi, trú thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà).
Nữ sinh này đang theo học tại một trường nghề trên địa bàn. Ngày 3/12, thi thể nữ sinh xấu số đã được gia đình tổ chức mai táng theo phong tục địa phương.
Theo thông tin ban đầu từ ngành chức năng, trước đó đã có cuộc ẩu đả của các thanh thiếu niên ở một địa điểm khác, sau đó cả nhóm di chuyển bằng xe máy đến trước quán M.T.
Công an tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời vào cuộc và tạm giữ một số người để điều tra làm rõ. Trong số đó có 4 người dưới 18 tuổi; có 2 học sinh cấp THPT.
Trước đó, cũng tại TP Hà Tĩnh, vào đêm 28/12/2023 đã xảy ra vụ gây gổ, sử dụng xe mô tô rượt đuổi nhau với vận tốc cao trên nhiều tuyến đường, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh ở nhiều khu phố giữa hai nhóm thanh thiếu niên (gồm 19 người) vô ý làm T.Q.T. (SN 2006, học sinh lớp 12, trú xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) tử vong tại hồ Bảy Mẫu (phường Nam Hà).
Tính chất phức tạp của vụ án đã khiến công tác điều tra phải kéo dài và mới đây, ngày 9/9/2024, Tòa án nhân dân TP Hà Tĩnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử nhóm bị cáo về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Vô ý làm chết người”. Đáng nói, trong số 19 bị cáo bị đưa ra xét xử, có 14 người chưa thành niên.
Có thể nhận thấy, các vụ án nghiêm trọng trên đều xảy ra vào ban đêm và thủ phạm, nạn nhân hầu hết ở tuổi thanh thiếu niên. Cùng đó, các vụ án mạng đều có liên quan đến một số cá nhân điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
Các điểm chung này đã được nhiều bậc phụ huynh băn khoăn đặt các câu hỏi, rằng: vào giờ rất khuya như thế, sao con trẻ vẫn đi ra khỏi nhà chưa về? Con trẻ đi với ai và đến địa chỉ nào, vì mục đích gì? Lí do gì mà chưa về nhà? Phụ huynh liệu có nắm bắt được và theo dõi được?
Những câu hỏi như thế trở đi trở lại mỗi khi xảy ra các vụ phạm tội mà các em trong độ tuổi học sinh có khi là thủ phạm, có khi là nạn nhân. Vấn đề quản lý các em đã được đề cập rất nhiều. Sự phối hợp của ngành chức năng, nhà trường và gia đình trong công tác quản lý, theo dõi hành vi của thanh thiếu niên cũng liên tiếp được đề cập. Tuy nhiên, việc quản lý thanh thiếu niên là việc không dễ và đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, mềm dẻo, đầy tính chủ động. Đó là chưa nói, nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, việc giáo dục các em lại càng gặp khó.
Thực tế từ nhiều bậc phụ huynh có học sinh trong độ tuổi THCS, THPT cho thấy, việc quản lý con em trong độ tuổi này ngày càng khó khăn do tác động của bối cảnh xã hội, các tiến bộ của công nghệ số. Nhiều phụ huynh phải “kêu trời” vì các em bất tuân sự chỉ bảo của bố mẹ. Cùng đó, vì sự “thất thế” trước con cái (bao gồm cả vấn đề thể chất), không ít bố mẹ, nhất là ở khu vực nông thôn thiếu cương quyết để con điều khiển xe, nhất là mô tô dù chưa đủ tuổi theo quy định, đặc biệt nguy hiểm là điều khiển phương tiện này vào ban đêm (thường dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật như: đua xe, tụ tập để gây rối trật tự công cộng hoặc dùng xe mô tô làm phương tiện để trộm cắp tài sản…).
Sự phát triển xã hội ngày nay đã dẫn đến thực trạng xảy ra tại nhiều gia đình: bố mẹ bất lực nhìn con lớn lên và tự do đi lại, tự do hành động theo ý thích dù các em trong độ tuổi học sinh. Để thực trạng này xảy đến với gia đình, điều cần phải tự trách đầu tiên đó là bậc làm cha mẹ. Giáo dục con là việc rất khó nhưng không phải các em muốn tự ý hành động ra sao, bố mẹ cũng không hề hay biết hoặc bất lực.
Ngay như việc giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, nếu bố mẹ kiên quyết thì học sinh rất khó để thực hiện hành vi. Hay như, đêm khuya trẻ đi đâu, làm gì, nếu bố mẹ thường xuyên quan tâm thì phải hỏi cho rõ: Đi đâu, đi với ai, mấy giờ về? Nếu quá giờ đó mà chưa về thì phải xin phép, thậm chí phải để bố mẹ đến tận nơi đưa đón? Đó là những ràng buộc cần phải nghiêm khắc với các em và cũng là những bài học vỡ lòng mà cha ông thường dạy các thế hệ trước đây.
Trong nhiều trường hợp, việc quản lý các em không thực hiện được, các bậc phụ huynh có lẽ cũng cần áp dụng chiêu thức “không quản được thì cấm”. Chẳng hạn, cấm hẳn việc điều khiển xe khi chưa đủ tuổi; cấm ra khỏi nhà mà 22h giờ chưa về; cấm ra khỏi nhà vào ban đêm nếu không xin phép… Quyền tối thượng của bậc làm cha mẹ là đưa ra quyết định an toàn cho con và buộc phải tuân thủ. Trong một số trường hợp, các bậc phụ huynh cần cứng rắn để bảo vệ con, tránh “nhân nhượng” trước con để rồi chúng có thể phạm phải sai lầm khó sửa chữa.
Ngoài ra, cũng một điều đáng trách mà hầu hết cha mẹ khó tránh khỏi đó là xây dựng lộ trình đồng hành cùng con. Làm cha mẹ là công việc khó khăn nhất trên đời nhưng không phải ai cũng để tâm và dành thì giờ thỏa đáng để học tập – học làm cha, mẹ. Bởi vậy, nhiều cha mẹ không thể đồng hành cùng con, theo dõi được con vì không nắm bắt được xu thế xã hội, tâm lí lứa tuổi, các xáo trộn về tâm sinh lí ở lứa tuổi học đường.