Thành lập năm 1937, Polaroid nổi tiếng với những chiếc máy ảnh chụp lấy ngay. Trước khi công nghệ kỹ thuật số phát triển, Polaroid vẫn làm mưa làm gió nhờ ra mắt nhiều model máy chụp ảnh lấy liền tiện lợi. Công ty trở nên nổi tiếng nhờ sản phẩm SX 70, sau đó là OneStep đình đám.
Năm 1992, Sony lần đầu tiên công bố chiếc máy nghe nhạc MiniDisc nhỏ gọn, chất lượng gần ngang với đĩa CD. Sản phẩm nhanh chóng chinh phục những người yêu nhạc trên khắp thế giới. Sony chỉ khai tử MiniDisc vào năm 2013 khi công nghệ đã thay đổi quá nhiều.
Trước khi màn hình cảm ứng ra đời, nhân loại chỉ biết dùng đến phím bấm. Trong đó, điện thoại quay số trở thành kỷ niệm ghi dấu ấn đậm nét. Nó có cấu tạo dạng vòng tròn, mỗi số tương ứng với một lỗ để cho vừa ngón tay vào rồi quay.
Máy đánh chữ được tạo ra từ những năm 1860 giúp mọi người soạn thảo tài liệu nhanh hơn và tuân theo chuẩn trình bày chung. Đặc biệt, cỗ máy này không cần dùng tới điện. Dù được cải tiến và phát triển trong hơn 100 năm, nhưng máy đánh chữ cơ học không thể đáp ứng nhu cầu của dân văn phòng. Nó dần được thay thế bởi máy tính cá nhân.
Chuẩn đĩa mềm thời kỳ đầu rộng 8 inch rồi rút gọn lại còn 3,5 inch. Khả năng lưu trữ hạn chế 1.44 MB dần bị dòng đĩa compact 650 MB đánh bại (gấp 450 lần).
Ra mắt lần đầu tiên năm 1979, máy nghe nhạc Sony Walkman tạo nên cuộc cách mạng kỹ thuật số thực sự. Nhỏ gọn, thời trang, thiết bị nhanh chóng trở thành món đồ công nghệ được giới trẻ yêu thích. Walkman phiên bản đời đầu chạy băng cassette.
Máy ảnh cơ vẫn là thiết bị tuyệt vời để ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa và cho ra bức hình chất lượng. Ngày nay, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vẫn dùng tới máy ảnh nhưng được tích hợp công nghệ kỹ thuật số. Trước làn sóng của thiết bị thông minh, máy ảnh đứng trước nguy cơ bị lãng quên, đặc biệt những chiếc máy cơ “cổ kính”.
Một trong những cái tên tiên phong cho ngàng công nghiệp máy tính là Atari, ra mắt phiên bản Atari 2600 tháng 9/1977, RAM 128 byte, bộ vi xử lý 1.18 MHz.
Game Toy ra mắt năm 1989 đã trở thành huyền thoại trong làng game thế giới cùng trò chơi “đình đám” một thời Tetris. Thiết bị nhỏ gọn dễ dàng mang đi hỗ trợ game 8-bit và màn hình 160 x 144 pixel. Đây được coi như máy chơi game theo đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới. Phiên bản kế tiếp Game Boy Color và Game Boy Advance trở thành những cỗ máy thành công trên toàn cầu.
Cạnh tranh với định dạng VHS của JVC, Sony ra mắt Betamax cho chất lượng hình ảnh ấn tượng trong hình hài nhỏ gọn, chắc chắn. Do việc không nhượng quyền giấy phép, máy chiếu phim gia đình này không có sự ủng hộ của các nhà sản xuất như Hitachi, Mitsubishi và Sharp.
Băng từ VHS của JVC bất ngờ vượt qua Betamax của Sony, trở thành định dạng được ưa chuộng những năm thập niên 70, 80 thế kỷ trước. VHS sử dụng băng từ đóng trong đĩa cassette nhựa cho thời gian phát hình tới 5 tiếng. Sau khi loại đĩa quang như DVD xuất hiện những năm 1990, VHS mới dần giảm sức ảnh hưởng của mình.
Những thế hệ màn hình TV và máy tính đầu tiên hầu hết sử dụng công nghệ CRT. Người ta dùng ống phóng CRT tạo ra các tia điện tử đập vào màn hình huỳnh quang, qua đó hiển thị các điểm ảnh theo mong muốn. Sau này, loại màn hình nhỏ gọn và tiết kiệm điện năng như OLED, LED và LCD dần thay thế chuẩn CRT cồng kềnh, ngốn điện.
Máy chơi game băng từng khiến bao thế hệ say mê, trở thành thiết bị phổ biến tại các quán game và hộ gia đình. Một trong những dòng máy nổi tiếng nhất là Nitendo N64. Khi các công nghệ tiên tiến được tích hợp trên PlayStation 2 và Xbox thì N64 mới hết cơn sốt.
Hải Nam