Tuổi thơ nghèo khó của bà trùm nội y Michelle Mone
'Bố mẹ tôi chưa khi nào nhận mình nghèo, nhưng sự thật là chúng tôi rất nghèo. Chúng tôi sống một cách chật vật', Michelle Mone chia sẻ trong cuốn tự truyện.
Tôi sinh ra ở Gallowgate, trung tâm của East End, vào năm 1971. Đó là nơi tầng lớp lao động sinh sống. Bố mẹ tôi chưa khi nào nhận mình nghèo, vì những người sống ở East End không bao giờ phàn nàn. Họ chấp nhận sự sắp đặt của số phận và cứ thế tiếp tục sống với nó.
Nhưng sự thật là chúng tôi rất nghèo. Chúng tôi sống một cách chật vật. Mẹ tôi làm hai việc một lúc để đủ tiền trang trải cuộc sống - bà may áo khoác và váy ở nhà máy sản xuất máy may Singer và làm việc tại một cửa hàng bán rau quả vào cuối tuần. Bố tôi cũng làm việc trong một nhà máy sản xuất mực in báo.
Ông thường thức dậy vào lúc 5 rưỡi sáng và trở về nhà khi trời đã tối mịt. Họ không bao giờ dám nghĩ đến việc nghỉ ốm. Nếu một trong hai người bị cúm, họ vẫn sẽ cố gắng đi làm. Nguyên tắc làm việc kiểu “phải vất vả mới kiếm được tiền” của họ nhanh chóng được truyền sang tôi.
Ký ức xa xưa nhất là việc gia đình tôi sống ở Dennistoun, Glasgow hồi tôi 5, 6 tuổi. Nhà tôi ở số 25 đường Bathgate, và tôi còn nhớ mẹ giải thích rằng chúng tôi phải chuyển đến đó sau khi nhà cũ trong khu căn hộ bị thu hồi do lũ chuột phá hoại.
Chúng tôi dọn vào ở trong một tòa nhà chung cư truyền thống. Để lên đến căn hộ của mình, chúng tôi phải leo lên một cầu thang bộ bằng bê-tông lạnh lẽo và đầy mùi ẩm mốc.
Bên trong, căn hộ chỉ có một phòng ngủ và một cái bếp bé tí trong phòng khách. Mẹ tôi treo một chiếc rèm hạt cườm lên để ngăn cách hai khu vực.
Trần nhà rất cao khiến các căn phòng trở nên âm u khi tắt điện. Gần phòng ngủ của bố mẹ tôi có một cái tủ, và đó là phòng của tôi. Nó quá nhỏ nên không đủ chỗ để nhét cái giường của tôi vào, và bố tôi phải cưa bớt giường đi 30 phân.
Tôi được bố rất cưng chiều; ông sẽ làm bất cứ thứ gì vì tôi. Một tối, ông trở về nhà đem theo một súc gỗ lớn và dùng nó để hạ thấp trần nhà xuống.
Sau đó, chúng tôi dính các hình lấp lánh lên đó để tôi có thể vờ như đang ngước nhìn bầu trời đầy sao - kể từ đó, tôi đã luôn muốn vươn tới những vì sao. Phòng của tôi nhỏ nhất, nhưng tuyệt vời nhất. Tôi thấy an toàn khi cuộn tròn trong chiếc hang của mình, và nghe tiếng thì thầm của bố mẹ trong phòng ngủ cạnh đó.
Chúng tôi không có bồn tắm hay vòi sen trong nhà vệ sinh bé xíu, chỉ có một bệ xí. Mỗi tuần một lần, mẹ đưa tôi tới Whitevale Baths để tắm rửa. Các bể bơi nằm sát khu căn hộ chọc trời sừng sững bao trùm phần còn lại của dinh cơ này, trông như thể một cảnh quay trong phim kinh dị. Mẹ luôn cảnh báo tôi không bao giờ được đến gần chúng nếu còn muốn trở về nhà.
Mất 10 xu để được vào khu nhà tắm xây gạch đỏ và tôi sẽ có ô tắm của riêng mình với một bồn tắm lớn bằng sắt. Tôi có thể nhìn qua khe bên dưới và bên trên khung cửa gỗ, và tôi sẽ ở trong đó lâu hết mức có thể cho đến khi bị đuổi ra ngoài.
Tôi sẽ nghe thấy tiếng đập cộp cộp lên cửa. "Này, nhanh lên cho người sau còn vào chứ", họ sẽ nói như vậy. Tôi sẽ nhảy ra ngoài trên nền gạch lạnh lẽo, lau khô người và mặc lại quần áo.
Khi ở đó, chúng tôi thường dừng lại ở phòng hơi. Phòng hơi là chỗ có lẽ bây giờ các bạn gọi là tiệm giặt là tự động. Tôi giúp mẹ ôm đống ga trải giường, còn bà thì vò chúng trên một tảng gỗ lớn trong những chiếc chậu rửa công nghiệp. Đầu ngón tay bà trông như những quả mận khô nhăn nheo. Tôi thường giúp mẹ đút ga qua các con lăn lớn bằng sắt để vắt khô.
Bữa tối nhẹ của chúng tôi thường là đồ ăn truyền thống của East End như thịt băm và khoai tây. Không có gì đặc biệt. Nếu chúng tôi ăn thịt bò phi lê thì hẳn đó phải là dịp Giáng Sinh. […]
Năm tôi lên 7 tuổi cũng là lúc bố tôi bắt đầu đi khập khiễng. Gia đình và bạn bè vẫn nghĩ đó là do ông say rượu, nhưng ngay lập tức tôi biết có vấn đề gì đó nghiêm trọng xảy ra. Các bác sĩ cho rằng bố bị ung thư và ông phải tới bệnh viện nhiều lần để mổ cắt các khối u.
Mỗi lần trở về nhà, chân ông lại càng tập tễnh và đau đớn hơn. Ông cố giấu giếm, nhưng tôi vẫn thấy nỗi đau in hằn trên gương mặt ông. Mẹ khóc suốt, tôi có thể nghe thấy tiếng nức nở của mẹ từ phòng ngủ nhỏ. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực.
Mỗi đêm tôi lại ôm gối và lặng lẽ khóc cho đến khi ngủ thiếp đi, với suy nghĩ sáng hôm sau bố sẽ không còn sống nữa. Có những đêm tôi trằn trọc suốt nhiều tiếng đồng hồ, nghển tai lên nghe tiếng bố thở.
Sau đó, hết chuyện này đến chuyện khác liên tiếp xảy ra. Tôi không thể nhớ được một lễ Giáng Sinh bình thường nào kể từ dạo ấy. Đó là những Giáng Sinh quanh quẩn bên giường bệnh của bố tôi ở Royal hoặc trong nhà hàng Trung Quốc đối diện với bệnh viện nơi ông nằm.
Tôi thậm chí còn không nhớ mẹ tôi có bầu như thế nào. Hẳn là khi bố tôi đang trải qua những cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Tất cả những hình ảnh tôi nhớ được là mẹ tôi nằm trên ghế dài với chiếc bụng bầu to tướng, và sau đó tôi chỉ biết bà được chở đi khẩn cấp bằng xe cứu thương. Tôi cùng dì Margaret đến bệnh viện nhưng mọi người không cho tôi gặp mẹ. Tôi bắt đầu khóc và la hét, và dì tôi phải giữ tôi lại.
“Cháu muốn nhìn em bé, cháu muốn gặp em trai!” tôi khóc.
Nhưng gia đình tôi tạo thành một bức tường và tôi không thể vượt qua. “Bình tĩnh nào, Michelle, cháu chưa thể gặp em được". Dì Margaret đặt tôi ngồi xuống.
“Cháu muốn mẹ, cháu muốn mẹ!” tôi nức nở. Tôi gào khóc đòi mẹ và em trai mấy ngày liền. Họng tôi khô rang như giấy nhám và không thể nói nên lời. Rồi cuối cùng mẹ cũng về nhà, bà không đưa em trai tôi theo cùng. Mắt bà đỏ ngầu vì khóc và mặt bà tái như tro.
Mẹ buồn bã đến mức không muốn nói chuyện với tôi. Bà chỉ muốn nằm trên ghế dài và xem tivi. Đôi khi tôi tự hỏi bà đang xem tivi hay chỉ đang nhìn bâng quơ vào nó. Trước mặt tôi là bức tường im lặng từ cả gia đình. Không có lời giải thích nào - chẳng ai nói gì với tôi cả. Thời đó là như vậy, bạn cứ thế tiếp tục sống.
Từ trong sâu thẳm, tôi biết em trai tôi đã không sống, nhưng phải nhiều năm sau đó, tôi mới biết em tôi mất vì chứng nứt đốt sống. Tôi không nhớ gì về đám tang và hầu như không nhớ được gì khác về cậu em trai chết yểu của mình.
Có lẽ vì có quá nhiều chuyện xảy ra lúc đó, quá nhiều thứ đau đầu, nên tôi đã cố tình quên đi tất cả. Tôi nghĩ đó là lý do bố suốt ngày đến quán rượu - vì nhà tôi ngập trong nước mắt và cãi cọ. Lúc nào cũng có chuyện kịch tính xảy ra. Ruột gan tôi lúc nào cũng như lửa đốt, luôn chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp tới.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuoi-tho-ngheo-kho-cua-ba-trum-noi-y-michelle-mone-post1369292.html