Tuổi thọ người Hà Nội giảm 2,49 năm vì ô nhiễm bụi mịn
Ô nhiễm bụi mịn PM2,5 khiến tuổi thọ của người Hà Nội giảm 2,49 năm, số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2,5 năm 2019 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca/100.000 dân… là những con số cảnh báo về áp lực ô nhiễm không khí đối với sức khỏe người dân tại những đô thị lớn.
Những con số "giật mình"
Đây là các con số được đưa ra trong Hội thảo báo cáo "Tác động ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 lên sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội năm 2019" vừa được Trường ĐH Y tế công cộng và Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Theo báo cáo này, nồng độ bụi PM2,5 trên toàn thành phố Hà Nội năm 2019 vượt ngưỡng quy chuẩn quốc gia. Cụ thể, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,15 µg/m³ đến 39,4µg/m³, trong đó các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2,5 cao nhất.
Đáng chú ý là báo cáo phân tích gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong và nhập viện do phơi nhiễm với bụi PM2,5 tại Hà Nội năm 2019 là đáng kể.
Một số tác động cụ thể như số ca tử vong sớm do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 2.855 ca, tương đương khoảng 35,5 ca tử vong sớm trên 100.000 dân. Kỳ vọng sống bị mất đi do phơi nhiễm với bụi PM2,5 là 908 ngày, tức là 2,49 năm tuổi. Tổng số năm sống bị mất của người dân Hà Nội do tử vong vì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí là 79.933 năm.
Trong đó, quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng là những quận có tỷ suất tử vong cao do những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí so với các quận/ huyện khác trên địa bàn thành phố. Đây cũng là những quận tập trung đông dân cư, có mật độ dân số và giao thông cao, nhiều hoạt động kinh tế- xã hội.
Với sự gia tăng nồng độ bụi PM2,5 hàng năm tại Hà Nội, trung bình mỗi năm có thêm khoảng 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, và khoảng 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương với 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện do 2 nhóm bệnh này ở người dân Hà Nội.
Bụi mịn là một tác nhân không nhỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân các đô thị lớn.
Theo nhóm các nhà nghiên cứu, con số này được căn cứ trên số liệu tử vong năm 2019 của Hà Nội, được ghi nhận trong hệ thống quản lý tử vong có tên là Sổ A6 cung cấp bởi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC); cộng với số liệu dân số được trích xuất từ hệ thống giám sát dân số của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; và bản đồ nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm cấp quận/huyện của Hà Nội năm 2019.
Sau đó, nghiên cứu sử dụng mô hình tử vong toàn cầu - GEMM (Global Exposure Mortality Model) để tính toán gánh nặng bệnh tật liên quan đến tử vong do phơi nhiễm dài hạn với bụi PM2,5, với nhóm người dân có địa chỉ thường trú tại Hà Nội ở quần thể trên 25 tuổi.
"Kết quả nghiên cứu này cho thấy tác động của ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn. Các hoạt động đánh giá chất lượng không khí cần được mở rộng, đồng thời các chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí cũng cần được hoạch định và triển khai kịp thời", TS Nguyễn Thị Trang Nhung, thành viên nhóm nghiên cứu Trường đại học Y tế công cộng cho biết.
Nhiều giải pháp đồng loạt triển khai
Trong số các địa phương trên toàn quốc, không khí tại Hà Nội và TP.HCM bị tác động nhiều nhất. Bởi vậy, 2 thành phố này đã triển khai đồng bộ từ việc ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp.
Bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng không khí của thành phố. Đặc biệt là trong vòng 3 năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị nhằm kiểm soát chất lượng không khí, giảm thiểu việc đốt rơm rạ và sử dụng bếp than tổ ong.
Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thu được nhiều kết quả khả quan như: Lượng bếp than đã giảm; hiện tượng đốt rơm rạ hầu như không còn; ý thức bảo vệ môi trường của người dân được cải thiện…
Mới đây Sở TN&MT Hà Nội cũng đã đề xuất kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải miễn phí cho người dân Thủ đô, nhằm bảo vệ môi trường lên và UBND TP. Hà Nội chấp thuận, ban hành kế hoạch, để các sở ngành liên quan chuẩn bị đo khí thải mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành ở thành phố. UBND TP Hà Nội cũng thống nhất với đề xuất là từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022 sẽ triển khai kế hoạch này.
Hà Nội, và TP.HCM đã và nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm hạn chế ô nhiễm không khí
Tương tự Hà Nội, với hàng chục triệu dân sinh sống, TP.HCM có quá nhiều nguồn gây ô nhiễm không khí. TP.HCM đã xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại địa phương, trong đó xây dựng quy chuẩn cho khí thải từ lò đốt chất thải công nghiệp không nguy hại làm nhiên liệu.
Đồng thời, TP.HCM đang thực hiện kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, như chương trình "thí điểm kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP, tiến tới xử lý xe không đạt chuẩn khí thải bằng cách bảo dưỡng, thu hồi, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện...
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM còn đầu tư, cải thiện mạng lưới vận tải công cộng, khí thải các phương tiện công cộng đáp ứng tiêu chuẩn Euro 2, lắp đặt các trạm nạp khí phục vụ xe bus công cộng, nghiên cứu, chuyển giao mô hình đánh giá và dự báo ô nhiễm không khí.
Đối với những cơ sở sản xuất công nghiệp có lưu lượng khí thải lớn, hiện Sở TN&MT TP.HCM đã hoàn tất việc kết nối dữ liệu quan trắc tự động từ chín cơ sở sản xuất có lưu lượng khí thải lớn. Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, Sở TN&MT phối hợp cùng Ban Quản lý các chế xuất và công nghiệp, cảnh sát môi trường, UBND quận, huyện tiến hành kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở.
Mong rằng với sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, cùng kế hoạch triển khai mạnh mẽ, sẽ hạn chế tối đa sự nguy hiểm từ ô nhiễm không khí, một mối nguy vô hình nhưng không kém phần nghiêm trọng.