Tuổi thơ tôi, mùa xuân và hội làng
Mỗi khi Tết đến xuân về, trong tôi lại ngập tràn cảm xúc, nỗi nhớ miên man về miền cổ tích ấu thơ nơi quê nhà thân thương ấy.
Tôi đã rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, xa quê thương với những năm tháng tuổi thơ yêu dấu từ gần chục năm nay, khi gia đình chuyển lên thành phố sinh sống. Thế nhưng, mỗi khi Tết đến xuân về, trong tôi lại ngập tràn cảm xúc, nỗi nhớ miên man về miền cổ tích ấu thơ nơi quê nhà thân thương ấy.
Vùng quê miền trung du với đất đai cằn cỗi luôn có biết bao mầm xanh vươn lên, nhất là vào tiết xuân rây rây mưa bụi thì hàng ngàn, hàng vạn mầm xanh của vạn vật cây cối đều đồng loạt toát lên màu xanh non mơn mởn.
Kỷ niệm tuổi thơ tôi gắn liền làng quê, có rất nhiều, kể không xiết. Nhưng có lẽ, kỷ niệm tôi không bao giờ quên được vào những dịp đầu xuân năm mới, đó là khi làng vào hội.
Vâng, chẳng riêng gì làng tôi, hầu như rất nhiều làng, thôn xã khác ở miền quê quanh vùng tôi sinh sống đều mở hội mỗi khi xuân về. Làng nào có lễ hội nhỏ thì chỉ tổ chức trong phạm vi làng, xóm. Những lễ hội lớn với quy mô xã, vùng thường rất đông người tham dự, luôn vui nhộn và kéo dài tới cả vài ba ngày mới kết thúc...
Làng tôi nằm ven con sông bắt nguồn từ những dãy núi xa xôi tận miền biên ải. Làng không có các nhân vật lịch sử hay danh nhân văn hóa tên tuổi nào cả, mà tục lệ của làng là thờ Thành hoàng đã có công dựng ấp khởi nghiệp thành lập làng từ thuở sơ khai. Theo gia phả, làng tôi được lập từ cách đây hơn 300 năm, nghĩa là rất lâu rồi.
Lễ hội xuân, làng tôi hàng năm được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng, chẳng có một năm nào mà lại không mở hội. Hội được tổ chức trong 2 ngày để tôn vinh Thành hoàng làng, có rất nhiều nghi lễ, trò vui chơi dân gian.
Buổi sáng của ngày khai hội, các bô lão đảm nhận phần dâng hương ở đình để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng trong việc tạo dựng làng để con cháu đời sau có chỗ nương thân, sinh sống. Sau lễ dâng hương là đến nghi thức cúng tế Trời - Đất với các trò diễn đầy vui nhộn, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng ấm no, hạnh phúc...
Sau những nghi lễ đó, tiệc cỗ được dọn ra tràn khắp sân kho, sân đình để dân làng, quan khách dự hội ăn uống thỏa thích. Ngày hôm sau, và cũng là ngày cuối cùng của lễ hội, các trò chơi dân gian được mở ra để mọi người cùng vui chơi, thưởng thức, như cờ tướng, cờ người, đập niêu đất, bịt mắt bắt dê, kéo co... Các cụ ông quây quần bên bàn cờ tướng để giải trí, còn cụ bà lại vui với thú đánh tam cúc, tổ tôm (không “ăn” tiền).
Suốt những năm tôi còn nhỏ, hầu như năm nào làng vào hội xuân, tôi cũng được chọn vào vai đóng quân cờ người, mặc áo quần thêu hoa, thùa gấm với nhiều sắc màu vô cùng sặc sỡ, đẹp mắt. Rồi nữa, những người vào vai quân cờ đều đi cả hia hài, đội mũ mã rất hoành tráng.
Trước khi khai cờ, những "quân cờ người" chúng tôi thường được hóa trang cho mặt hoa da phấn. Việc hóa trang cũng khá cầu kỳ. Ai đóng quân tướng, mặt phải hóa trang lông mày ngược dữ tợn, quân tốt thì mặt hiền, quân sĩ điều đậm màu đỏ son... Những "quân cờ người" chúng tôi di chuyển theo sự sắp đặt của người chơi ở hai nửa bàn cờ. Cờ tàn là lúc có một bên thắng trận.
Bao năm được đóng quân cờ trong hội làng là ngần ấy năm thích thú, nhớ nhung bởi khi hội làng kết thúc, chúng tôi luôn được ghi dấu ấn bằng những bức ảnh chụp chung. Những bức ảnh đẹp gắn liền lễ hội làng của biết bao nhiêu mùa xuân thời ấu thơ ấy, tôi vẫn gìn giữ trong cuốn album bạc màu thời gian nơi ngăn tủ cá nhân. Thỉnh thoảng, tôi vẫn mang album ra xem lại. Mỗi lần như vậy, tôi lại muốn được trở về quê hương để tìm lại chút kỷ niệm ngày nào…
Đã gần chục năm không được trở về thăm lại quê nhà, nhưng chưa bao giờ tôi quên hình ảnh quê hương với những hình ảnh đầy sắc màu, sự vui nhộn của những lễ hội mùa xuân mà hàng năm làng vẫn tổ chức.
Những lần nôn nao nỗi nhớ về làng, về lễ hội là tôi luôn thầm nhủ rằng, chắc chắn sẽ có một ngày nào đó trở về với quê hương tuổi thơ để được hòa mình và sống trong không khí hội hè. Bởi dù có đi đâu, sống ở đâu, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ta cất tiếng khóc chào đời, là chốn chẳng ai dễ gì có thể xóa nhòa trong ký ức.
Chế Lan Viên từng viết: "Khi ta ở cũng là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"!