Tuổi trẻ lạc lối
Trước khi đoạt Nobel Văn học 2014, Patrick Modiano từng nhận giải thưởng Roger Nimier với 'Quảng trường ngôi sao', giải Goncourt cho 'Phố những cửa hiệu u tối' và giải thưởng văn học trọn đời Paul-Morand năm 2000.
Hầu hết tiểu thuyết của Patrick Modiano đều ngắn, ngôn từ đơn giản nhưng không dễ đọc cũng không dễ hiểu. Tiểu thuyết của ông mang hơi hướng hoài cổ, các nhân vật thường nghĩ về quá khứ để tìm kiếm mình.
Tạm chia “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” thành năm chương dựa trên lời kể của bốn nhân vật liên quan đến nữ chính Louki (tên thật Jacqueline): một nam sinh, một thám tử, Jacqueline và người yêu. Ba nhân vật này đều đưa nhận định về những khía cạnh mà Louki bộc lộ ra bên ngoài. Và chỉ thông qua tự sự của Louki người đọc mới biết con người thật sự của nữ chính là như thế nào.
Le Condé- quán cà phê mà khách “phần lớn từ mười chín đến hai mươi lăm tuổi” là địa điểm Louki thường đến. “Từng có hôm một tay nhiếp ảnh gia bước vào quán Le Condé…Gã chụp rất nhiều ảnh những người năng lui tới quán Le Condé…Rất lâu sau này, chúng xuất hiện trong một quyển sách ảnh chụp Paris, ở dòng ghi chú chỉ có tên riêng hoặc biệt hiệu. Và nàng xuất hiện trên nhiều bức ảnh…Trong số mọi người, nàng được để ý trước hết”.
Nam sinh chia sẻ, ấn tượng ban đầu của anh với cô là “nàng tới ẩn náu ở đây, tại quán Le Condé này, như thế muốn chạy trốn điều gì đó, thoát khỏi một mối nguy…”. Louki dưới con mắt anh là người e dè, im lìm, chỉ lắng nghe mà không nói mấy.
Cuộc đời Louki hé mở khi tay thám tử tìm đến chồng cô, thông qua cuộc nói chuyện của thám tử và người chồng, Louki hiện lên với vẻ bất cần, và việc lấy chồng với cô chẳng mấy quan trọng.
Tính cách Louki chỉ rõ ràng khi cô tự nói về chính cuộc sống của mình.
Louki hồi tưởng lại quảng thời gian trốn mẹ đi lang thang trong đêm, sự cô đơn, trống trải khi không có người để chia sẻ. Louki giống mẹ mình, khó biểu đạt cảm xúc. Cô luôn không biết phải nói gì hay làm thế nào để tâm sự cùng mẹ. Cho đến khi mẹ cô- người thân thiết nhất qua đời, Louki lại càng có lý do để không chia sẻ bất kì điều gì với những người xung quanh.
Và cuối cùng, thông qua lời kể của người yêu Louki- Roland, người đọc sẽ càng thấy rõ hơn sự tách biệt về cảm xúc đối của Louki và những người xung quanh, dù cho đấy là người yêu.
Khi có người hỏi cô rằng có phải cô sống một mình không, Louki nói “Phải, một mình cùng mẹ”. Chi tiết này làm độc giả phần nào hiểu được sự cô đơn của Louki.
Tiểu thuyết khép lại với việc Louki tự tử thông qua lời kể của người yêu cô. Cuốn sách kết thúc ở đây lại mở ra những tiếc nuối cho các nhân vật và chính độc giả đang đọc cuốn sách.
“Xong rồi. Để mặc đi” là câu nói cuối cùng của Louki, giống như việc cô để mặc cuộc đời mình trôi dạt, cô cũng để mặc cuộc sống của mình tan theo khói mây.
Trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, Patrick Modiano đưa rất nhiều nhân vật, có những cái tên chỉ lướt qua mà không bao giờ lặp lại giống như những cuộc gặp gỡ của Louki với nhiều người, họ chỉ là những người đi lướt qua nhau.
Patrick Modiano mang đến một tác phẩm ngắn nhưng làm cho người đọc phải suy nghĩ chiêm nghiệm trong khoảng thời gian dài. Mỗi người sẽ tự hỏi liệu có khi nào mình cũng vô định giống như Louki, và liệu những người như Louki sẽ làm gì để cứu vớt chính họ ra khỏi sự mông lung ấy.
Không nhiều chi tiết, và không tuân theo trình tự thời gian, không gian là những đặc điểm nổi bật trong tiểu thuyết này của Patrick. Mỗi đoạn tưởng như rời rạc nhưng lại liên kết, xâu chuỗi để khắc họa cuộc đời không hoàn chỉnh của Louki.
Trong “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, tác giả đưa người đọc đến nhiều ngóc ngách của Paris, đều phủ nét u buồn giống như tâm trạng của Louki giữa cuộc đời tấp nập.
Louki được khắc họa như hình ảnh đại diện cho một phận những người trẻ cô đơn, đơn độc trong cuộc sống, trong suy nghĩ. Louki đại diện cho những người không biết ý nghĩa thật sự của việc mình có mặt trên đời, vì sao mình lại hiện diện ở đây. Họ là những người “lạc lối” trong suy nghĩ và tư tưởng, không biết mục đích thật sự của việc mình tồn tại trên thế giới này là gì. Và vì thế, họ cứ để cuộc sống của mình trôi dạt không mục đích, không lý tưởng. Để rồi, khi họ nhận ra mình không còn cần nỗ lực để làm điều gì cho cuộc sống này nữa, họ đã lựa chọn sự giải thoát.
Sự cô đơn, lạc lối, mông lung vô định của Louki không được tác giả gọi tên mà chính người đọc sẽ tự nhận thấy trong suốt tiểu thuyết. Và việc để cho cuốn sách có một kết thúc lơ lửng với câu nói “Xong rồi. Để mặc đi” càng làm người đọc cảm nhận rằng: rồi đến một lúc nào đó, cuộc sống này sẽ không thể níu giữ những người trẻ giống như Louki.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuoi-tre-lac-loi-post1329142.tpo