Tuổi trẻ TT-Huế tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế trong kỷ nguyên số
Đó là chủ đề buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế với hơn 300 cán bộ, đoàn viên, thanh niên đến từ các cơ quan, tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh.
UBND tỉnh TT-Huế đã tổ chức buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương với đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh về chủ đề “Tuổi trẻ TT-Huế tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế trong kỷ nguyên số”.
Theo chia sẻ của Bí thư Tỉnh Đoàn TT-Huế Nguyễn Thanh Hoài, thời gian qua, tuổi trẻ toàn tỉnh đã có nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa nhằm phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc xây dựng TT-Huế trở thành một trong những trung tâm về văn hóa, du lịch. Đáng chú ý trong số đó là sản phẩm quảng bá du lịch, hình ảnh về Huế trên nền tảng số do đoàn viên, thanh niên, sinh viên thực hiện…
Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, đây không đơn thuần là câu chuyện kỷ nguyên số, mà qua buổi đối thoại, các bạn trẻ còn có thêm những gợi mở và tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích cho hành trang của mình, nắm bắt được chủ trương của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Từ đó góp phần xây dựng và phát triển quê hương TT-Huế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời đại số.
Chị Lê Thị Kim Hằng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh TT-Huế, cho rằng, với tốc độ phát triển như hiện nay, công nghệ số và nền tảng mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đến thói quen cũng như nhận thức về văn hóa Huế đối với giới trẻ và khách du lịch, do đó, UBND tỉnh cần có kế hoạch để tạo dựng kiến trúc thương hiệu (bộ nhận dạng thương hiệu về văn hóa Huế và con người Huế) nhằm lưu giữ văn hóa của người Huế.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh TT-Huế Nguyễn Thiên Bình thông tin, Sở hiện tập trung phối hợp đơn vị chức năng tiến hành số hóa tất cả các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Bên cạnh đó, bộ nhận diện về nón lá, áo dài và các nghề truyền thống, như dệt zèng, đúc đồng, đan lát… cũng được gấp rút xây dựng và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian tới.
Với những nỗ lực trên, đặc trưng văn hóa Huế sẽ xuất hiện nhiều hơn trên nền tảng số, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Từ đó, độ nhận diện và quảng bá văn hóa Huế đến đông đảo du khách sẽ được tăng cường.
Tại buổi đối thoại, nhiều đoàn viên thanh niên mạnh dạn chia sẻ, đề xuất những ý kiến, nguyện vọng liên quan đến vấn đề tuổi trẻ tham gia xây dựng TT-Huế trở thành trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa - du lịch, giải pháp quảng bá đặc trưng văn hóa của Cố đô Huế trong cách mạng 4.0.
Đoàn viên, thanh niên còn bày tỏ quan tâm về xây dựng nền ẩm thực Huế theo hướng chuẩn hóa trên nền tảng văn hóa Huế. Về vấn đề này, ông Hoàng Phước Nhật - Phó Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, ngành du lịch hiện tập trung xây dựng đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Đây là một trong những nội dung cốt lõi nhằm phát triển ngành du lịch TT-Huế thời gian tới, cùng với đề án “Huế - Kinh đô áo dài”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại TT-Huế được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Đối với đoàn viên, thanh niên, con đường khởi nghiệp luôn được chính quyền địa phương đồng hành trợ lực thông qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của đoàn viên, thanh niên. Thông qua buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn giới trẻ tiếp tục duy trì, nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu quê hương thông qua những hoạt động đóng góp cho gia đình và cộng đồng, xã hội.
Các sở, ban, ngành cần tiếp tục quan tâm đến những vấn đề được đoàn viên, thanh niên nêu lên tại buổi đối thoại. Từ đó, có những chỉ đạo cụ thể để xây dựng, phát triển TT-Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.