Nhà thiết kế váy cưới nổi tiếng Vera Wang từng thất bại với ước mơ đầu đời, từ bỏ vị trí quan trọng tại tạp chí Vogue trước khi sở hữu thương hiệu thời trang mang tên mình.
Vera Ellen Wang (27/6/1949) là người Mỹ gốc Hoa, sinh ra và lớn lên tại thành phố New York. Bà là con gái cả trong một gia đình trí thức khá giả, mẹ là phiên dịch viên cho Liên Hợp Quốc và cha là chủ công ty thuốc. Mặc dù vậy, bà đã trải qua tuổi trẻ nhiều thất bại để đến được thành công ngày hôm nay. Ảnh: Bridal Week.
Học trượt băng từ năm 7 tuổi, ước mơ đầu đời của Vera Wang là trở thành vận động viên trượt băng nghệ thuật chuyên nghiệp. “Đây là môn thể thao rất cực nhọc. Không ai giúp đỡ được bạn ngoài bản thân bạn. Khi bạn nằm trong top 20 vận động viên trượt băng hàng đầu nước Mỹ hoặc trên thế giới, có thể tất cả đều có cùng khả năng về kỹ thuật, nhưng ai chịu được áp lực tốt hơn sẽ có lợi thế hơn. Và nhà vô địch khác với những người khác ở điểm này”, bà Wang từng chia sẻ với tờ Forbes. Ảnh: Business Of Fashion.
Đoạt chức vô địch trượt băng toàn nước Mỹ U.S. Figure Skating Championships 1968 khi mới 19 tuổi, Vera Wang nuôi ước mơ tham gia đội tuyển Olympic Mỹ. Tuy vậy, bà sớm nhận ra bản thân sẽ khó có thể thành công. “Tôi không vào được đội tuyển thi Olympic, nhiều vận động viên trẻ hơn đang gia nhập vào môn thể thao này. Vì vậy tôi từ bỏ. Tôi nghĩ rằng quyết định này cũng là dấu hiệu cho thấy tôi đã thất bại”, Vera Wang khi đó thừa nhận bà không biết liệu bà có thể tìm thấy điều gì có ý nghĩa lớn như môn trượt băng trong cuộc đời mình sau nữa hay không. Ảnh: Fashion dress.
Mặc dù tham vọng trở thành vận động viên Olympic ám ảnh Vera Wang trong một thời gian dài, bà luôn tự nhủ đây không phải là thất bại và điểm dừng trong sự nghiệp. “Để lấy lại ý chí, bạn phải mất nhiều thứ và cần thời gian. Bạn vẫn phải tiếp tục sống và mở lòng ra với những điều mới mẻ” là phương châm sống không thay đổi của nhà thiết kế tài năng này. Ảnh: Fashion Bomb Daily.
May mắn đã mỉm cười với Vera Wang một lần nữa. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Paris, bà trở lại Mỹ và xin vào làm nhân viên bán hàng cho Yves Saint Laurent để có thêm thu nhập. Điều tuyệt vời là Giám đốc Thời trang của tạp chí Vogue Frances Stein đã chú ý tới khiếu thời trang của bà và đề nghị Vera Wang đến làm việc cho Vogue. Một năm rưỡi sau đó, Wang mới có đủ dũng khí nhận lời đề nghị và rồi nhanh chóng trở thành một nhân viên của Vogue. Ảnh: Vogue.
Wang đã giữ chức vụ biên tập cấp cao về mảng thời trang cho tạp chí Vogue trong khoảng thời gian 17 năm. Năm 1987, bà rời Vogue sau khi không được bổ nhiệm vào vị trí tổng biên tập tờ tạp chí này. “Sau 17 năm ở Vogue, tôi nhận ra rằng sự nghiệp của mình có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi, tôi chẳng thể tiến xa hơn”. Sau đó, Wang đã gia nhập Ralph Lauren với vị trí giám đốc thiết kế trong 2 năm. Ảnh: WWD.
Đam mê thời trang trong Wang đã thôi thúc bà thử sức mình với trang phục cưới. Năm 1990, bà đã mở một viện thiết kế của riêng mình tại khách sạn Carlyle, trên đại lộ Madison, New York và nổi tiếng với thương hiệu áo cưới mang tên mình. Váy cưới và vương miện của Vera Wang từ đó trở thành mơ ước của các cô dâu trong ngày cưới và là biểu tượng của một đám cưới lộng lẫy. Ảnh: Fashion Dress.
Hai lần từ bỏ đều là quyết định khó khăn. Vera Wang từng tâm sự về hai bước ngoặt cuộc đời mình: “Không phải là tôi không có hoài bão, mà từ trong thâm tâm tôi luôn cảm thấy thiếu. Những ngã rẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tôi và những điều tôi làm hiện nay đã không thể xảy ra nếu không có hai bước ngoặt này trước đó. Tôi phải liên tục làm mới mình để thành công”. Ảnh: Vogue Australia.
Hai mươi năm sau ngày khai trương cửa hàng áo cưới đầu tiên, bà Wang được trao giải “Người tiên phong trong nghệ thuật” của Hiệp hội Harvard-Radcliffe Asian American. Cho đến nay, trang phục dạ hội của Vera Wang vẫn được yêu mến trên khắp thế giới. Đặc biệt, thương hiệu này còn thường xuyên được các ngôi sao diện trên thảm đỏ trong nhiều sự kiện quan trọng. Ảnh: Fashionela.