Tuổi trẻ với biển đảo quê hương
Từ cảng Cát Lái, con tàu chở đoàn công tác thanh niên rẽ sóng ra Trường Sa. Trên hành trình ấy, những cái vẫy tay tiễn biệt, lời nhắn gửi đồng đội, ánh mắt rạng ngời giữa mưa gió… đã trở thành dấu ấn không quên của một thế hệ tuổi trẻ sống vì biển đảo quê hương.

Các chiến sỹ đảo Sinh Tồn đứng dưới mưa chào đoàn công tác
Tàu xuất phát từ cảng Cát Lái vào đúng ngày 30.4, cũng là tròn 50 năm quần đảo Trường Sa được giải phóng. Cách đó không xa, lễ kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang diễn ra trang trọng.
Tàu kéo một hồi còi dài. Mọi người đứng trên boong, ngoái nhìn về phía bến cảng và vẫy chào. Dưới cầu cảng, những hàng quân phục chỉnh tề: hải quân, thanh niên, đại diện các đơn vị... đứng nghiêm trang, thẳng hàng. Họ vẫy tay, họ hát. Trên tàu vừa cất lên một giai điệu, dưới bến lập tức đồng thanh hát theo bài đó.
Tàu rời bến, xa dần. Những người ở lại bé lại trong tầm mắt, như thu nhỏ thành chấm. Phải rất lâu sau này tôi mới thấm thía vì sao cần có một đoàn người tiễn đưa. “Rất lâu” là cảm giác, là thời gian của tâm trí. Còn thời gian thực chỉ là một tuần.
Không cần phải bay vào vũ trụ, chỉ cần lên tàu ra Trường Sa cũng đã là bước vào một hành trình khác – một hành trình vượt qua không gian và thời gian. Đi để trưởng thành. Đi để nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình. Đi để học cách yêu thương sâu sắc. Và đi để hiểu vì sao có những người ở lại vẫn đứng đó, hát và vẫy tay mãi, cho đến khi không còn nhìn thấy ta nữa.

Đảo Đá Thị
Mỗi năm, có một số đoàn công tác được cử tới thăm và làm việc với quân và dân quần đảo Trường Sa. Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm nay đã bước sang năm thứ 17, quãng thời gian đủ để một con người chạm ngưỡng trưởng thành, sẵn sàng bước vào đời với tư cách một công dân độc lập.
Mỗi đoàn công tác đều có sự phân công nhiệm vụ và chương trình hoạt động riêng. Trong đó, hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức đã chọn ra những gương mặt tiêu biểu nhất đại diện cho thế hệ trẻ trên khắp cả nước. Họ ra đảo không chỉ mang theo tình cảm của tuổi trẻ đất liền, mà còn mang theo trách nhiệm, nhiệt huyết và một luồng gió mới từ đất liền, hòa vào nhịp sống thanh niên giữa trùng khơi.
Đêm đầu tiên, biển tối đen, đặc quánh. Gió lồng lộng. Trời cao thăm thẳm. Sao mọc mỗi lúc một dày. Ngồi trên boong tàu, ngửa mặt lên trời: một vũ trụ đen lấm tấm sao, mênh mông đến mức không thấy đường vào, chẳng thấy lối ra.
Nhìn quanh, bốn bề chỉ là bóng đêm, một màu đen nuốt chửng mọi đường nét, không thể phân biệt đâu là nước, đâu là trời, đâu là bờ. Tựa như con tàu đang dừng trong một khối tĩnh lặng, tĩnh cả ánh sáng. Một cảm giác nhỏ bé tuyệt đối trước thiên nhiên.

Đảo Len Đao
Mất gần hai ngày tàu mới tới được đảo đầu tiên kể từ khi rời Cát Lái. Đá Thị là một trong những đảo xa nhất. Một đảo chìm, hai khối nhà dựng lên trên nền đá san hô giữa đại dương mênh mông. Cách đất liền gần 48 giờ tàu, có nghĩa là rất xa, nghĩa là rất gió, rất sóng, rất chơ vơ.
Hai khối nhà ấy là nơi các chiến sĩ sinh hoạt, làm việc, sản xuất, canh giữ và sẵn sàng chiến đấu. Gọi là chiến sĩ, nhưng nếu ở nhà, có lẽ tôi sẽ gọi các em là cháu, là em. Những gương mặt sạm nắng, rám gió, mà tuổi đời chỉ vừa nhỉnh hơn tuổi Hành trình tuổi trẻ chút thôi.
Chiều hôm đó, khi đoàn đặt chân lên đảo Sinh Tồn, trời đổ mưa. Các chiến sĩ trên đảo đứng dưới mưa chờ đón. Gió biển hắt vào, lạnh và ướt, vậy mà cả đoàn vẫn đứng nghiêm trang, còn những gương mặt đón chào thì rạng rỡ, tươi cười.
Sau đó tôi nhận ra rằng mỗi khi ra vào đảo đều có người chào đón và chào tiễn. Dù là mưa, dù là nắng, luôn có những gương mặt vừa trang nghiêm vừa rạng rỡ trên cầu cảng, giơ tay vẫy chào cho ta yên tâm.
Sinh Tồn, cùng với Cô Lin và Len Đao, là ba đảo gần Gạc Ma. Khi hỏi một chiến sĩ đang đứng canh bên trận địa pháo trên đảo Sinh Tồn rằng có muốn nhắn gửi gì cho người thân, tôi nghĩ em sẽ gửi lời cho bạn gái, hay người thương. Nhưng em lại hỏi tôi có ghé Cô Lin, Len Đao không? Nếu có, xin cho em gửi lời chúc đồng đội vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu có nhớ đến nhau, thì nhắn giúp qua những đoàn sau.

Nhà giàn DKI/14
Em quên cả xưng tên. Nhưng giọng em dõng dạc. Có những lúc, người ta không còn tên riêng nữa, chỉ còn “chiến sĩ đảo Sinh Tồn” hướng về “chiến sĩ đảo Cô Lin, Len Đao” mà thôi.
Tôi ghi âm xong mà run tay, mắt nhòe. Phải vội từ biệt em để đi dạo một vòng quanh đảo, cho lòng dịu lại. Có những thứ rất con người như xúc động và nước mắt, nhưng lại có thể làm chùng lòng chiến sỹ, thì, cũng cần kìm nén không lộ ra.
Một người trẻ mười chín, hai mươi tuổi, khi được hỏi muốn gửi lời nhắn đến ai, điều đầu tiên em nghĩ đến là đồng đội, những người cũng đang ngày đêm canh giữ Tổ quốc ở những vị trí trọng yếu, đầy hiểm nguy.
Gửi lời chúc đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, nhắn đồng đội nếu có nhớ đến mình thì gửi lời nhắn qua đoàn khác. Có ai nghĩ thế hệ sinh sau năm 2000, lớn lên giữa thời đại kết nối số, vẫn nghĩ và sống như vậy. Ở đảo, sóng điện thoại lúc được lúc mất, internet thì hoàn toàn không có. Tôi cứ nghĩ mãi về lời nhắn ấy.
Tuổi trẻ là gì? Là tương lai: tương lai của gia đình, của đất nước, của dân tộc. Và khi tuổi trẻ quê hương biết đặt điều đầu tiên cần nhớ là nhiệm vụ chung, là đồng đội, thì ta không chỉ có quyền hy vọng, mà còn có cơ sở để tin tưởng vào tương lai ấy.

Phan Thành Bảo, chiến sỹ trẻ trên đảo Sinh Tồn, khi được gửi lời nhắn thì điều đầu tiên là gửi lời chia sẻ động viên tới các đồng đội của mình
Tôi đã đi qua tuổi trẻ. Tôi, xét cho cùng chỉ là một người mẹ, tôi nhìn các em như thấy con mình. Nhưng các em đã ở một bậc trưởng thành khác, không phải ở vẻ ngoài sạm gió sương, rắn rỏi, mà từ sâu trong tâm thức, khi em đã biết sống một cuộc sống vì cái chung, vì dân tộc.
Mờ sáng hôm sau, khi tôi lên boong thì tàu đã neo lại gần Cô Lin. Có thể thấy Gạc Ma từ trên boong bằng mắt thường, tưởng như chỉ nhoài người, với tay là tới.
Mấy anh em đứng cạnh nhau. Cùng hướng mắt về phía ấy. Im lặng. Không ai nói gì. Không biết nên nói gì. Cũng không thể nói gì. Có những vết thương, mỗi lần nhìn thấy lại nhói lên – thứ đau đớn âm ỉ mà chẳng cách nào băng bó được, không bao giờ lành. Và cũng không được phép lành.
Khi lên đảo, phát lại bản ghi âm lời nhắn của đồng đội đảo Sinh Tồn gửi đảo Cô Lin, tôi thấy những cái quẹt vội tay, những gương mặt lén quay đi giấu lệ, đều là của các cán bộ - thanh niên đoàn công tác. Chẳng ai nói với ai, nhưng những con người vào từ đất liền chứng kiến ý chí và quyết tâm của những gương mặt trẻ rất trẻ, vừa thấy thương vừa thấy nể.
Khóc không phải vì yếu đuối, khóc vì xúc động trước sự trưởng thành của các em, trưởng thành trong tư tưởng và trong cả tình cảm. Gió, nắng, muối biển, kỷ luật, đã tôi luyện nên người chiến sỹ.
Lên đảo mới hiểu rằng câu nói “đảo là nhà, biển cả là quê hương” không phải khẩu hiệu, mà là lời vọng ra từ trong tâm. Ở đây, không còn cái riêng. Không còn “tôi”, không còn “anh”, mà chỉ còn một chủ ngữ duy nhất: “toàn đảo”. Toàn đảo sinh hoạt. Toàn đảo học tập. Toàn đảo sản xuất. Và toàn đảo sẵn sàng chiến đấu.
Cùng là đảo đá nhưng Len Đao còn nhỏ và điều kiện khó khăn hơn các đảo khác. Bên kia cây cầu nhỏ nối liền hai khối nhà là mảnh sân, cũng nhỏ, đang diễn ra giao lưu văn nghệ. Bên này cầu là khối nhà với bia chủ quyền và chốt canh gác.
Khi tôi bảo ghi âm lời nhắn gửi về cho gia đình, muốn nói gì cứ thoải mái nói đi, coi như chị không ở đây. Các em, đen sạm, tay gạt mồ hôi đang chảy ra ròng ròng vì nắng gắt, vẫn nhoẻn cười và nhắn: con khỏe, thủ trưởng và đồng đội rất chăm lo, mẹ ở nhà yên tâm nhé, mẹ dặn bà giữ sức khỏe cuối tuần con xin phép gọi điện về.
Gương mặt đen cháy vì nắng, mắt nheo lại không mở nổi, đứng trong bốt canh xây trên đá, mà vẫn cười rạng rỡ dặn dò để hậu phương yên tâm.

Nguyễn Hoàng Thống, chiến sỹ đảo Len Đao, ở nơi đảo xa nhắn nhủ động viên làm yên lòng hậu phương
Khi màn đêm buông xuống, ngồi trên boong, nhìn lên vũ trụ vẫn mênh mông thăm thẳm, nhưng bốn bề đã thấy hắt lên những bóng sáng từ tầu cá. Bóng sáng xếp dọc một vòng cung quanh tầu, hắt quanh đường chân trời. Lòng bỗng thấy dịu hẳn. Có ánh sáng. Có sự sống. Có đồng bào. Tôi chợt thấy ấm áp và yên tâm, khác hẳn cảm giác thăm thẳm giữa đại dương mênh mông của tối hôm đầu tiên.
Đoàn công tác tổ chức hai lễ tưởng niệm tại hai vùng biển thiêng liêng: một gần đảo, nơi những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ gìn chủ quyền Tổ quốc; một gần nhà giàn, nơi các chiến sĩ bám trụ đến phút cuối cùng trước khi hy sinh giữa cuồng phong bão tố. Nhiều tuổi trẻ đã hòa vào biển, nằm lại mãi nơi đáy đại dương. Mỗi con sóng đều có lời thì thầm của những cuộc đời mãi dừng lại ở tuổi thanh xuân đó.
Biển cả mênh mông đầy bất trắc. Điểm dừng cuối của chuyến công tác là nhà giàn DKI/14. Khối nhà chơ vơ đứng giữa đại dương, trên những chân cột. Khi chúng tôi đến sóng yên bể lặng, nên toàn bộ đoàn có thể lên để thăm hỏi làm việc với các chiến sỹ nhà giàn. Biển êm mà leo còn chới với.
Chúng tôi nghe kể có những đoàn gặp sóng lớn, cano trung chuyển không thể đưa cán bộ tiếp cận nhà giàn được, vậy là đành đứng trên tầu và trên giàn mà vẫy nhau, mà điện đàm để nghe được tiếng nhau. Nhìn thấy nhau rồi mà không thể tới, không thể chạm, không thể nói trực tiếp cho nhau nghe.
Một người bạn đi đoàn công tác khác đã gửi tôi xem cảnh các chiến sỹ đứng dưới cơn giông, vẫy cờ, vẫy tay, chào tới khi tầu xa khuất. Những bóng người nhỏ xíu, dịch chuyển theo hướng tầu đi, vẫy nhau mãi tới khi cờ và người chỉ còn là chấm nhỏ, nhà giàn như một bao diêm giữa đại dương đang dậy sóng.
Bảy ngày. Sáu đảo, một nhà giàn. Mười bốn lượt vẫy tay chào nhau. Mỗi lần tàu cập vào từ phía biển, hoặc dần lùi xa giữa muôn trùng sóng nước, những người lính lại xếp thành hàng dài, vẫy tay chào nhau, tiễn nhau, chúc nhau hải trình bình an.
Chào đến khi chỉ còn thấy nhau như những chấm nhỏ. Những chấm nhỏ mờ dần. Những chấm nhỏ có thể tan vào hư vô. Đã có nhiều chấm nhỏ như thế hòa vào lòng biển cả, ở lại vĩnh viễn với đại dương, để viết tiếp những dòng bi hùng trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
Khi tầu tới cảng Cát Lái đã thấy những cái vẫy tay thân thương đón chào đoàn trở về. Lần này, tôi không nhắn cho người thân nữa. Internet đã căng đầy sau một tuần đứt sóng. Nhưng tôi đứng đó, trên boong, nhìn đất liền đang dịch tới thật gần, nhìn những bàn tay chào đón.
Hiểu rằng mình được đón nhận, được yêu thương, được trở về, còn có chốn để trở về, là nhờ rất nhiều tuổi trẻ đã mãi mãi nằm xuống, ra đi, ở lại với biển khơi.
Những tuổi trẻ không bao giờ trở lại đã đặt nền cho bước chân hậu thế. Và cả hôm nay, nhiều tuổi trẻ khác vẫn đang bồng súng giữa trùng khơi, tạm gác lại riêng tư, gác lại cá nhân, vì đồng bào, vì Tổ quốc.
Mỗi năm, những chuyến tàu ra thăm quân dân Trường Sa và nhà giàn DKI thường diễn ra vào hai tháng biển lặng nhất. Một năm mười hai tháng, chỉ có hai tháng lác đác người thăm, còn lại mười tháng dài đơn độc giữa đại dương. Mười tháng không ra cầu cảng để vẫy tay. Mười tháng gửi thương nhớ vào sóng gió. Nhưng đất liền vẫn nhớ đảo. Và đảo hiểu, đất liền luôn là hậu phương vững chắc của mình.
Khi người còn đứng đó, vẫy tay mãi cho tới lúc không còn thấy ta đâu nữa, ấy là bởi người đang mong ngóng một ngày ta trở lại.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/chinh-tri/tuoi-tre-voi-bien-dao-que-huong-156729.html